Xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 12 do nhu cầu toàn cầu hạ nhiệt, trong khi nhập khẩu cũng giảm trở lại do số ca nhiễm COVID-19 gia tăng và suy thoái bất động sản đè nặng lên nhu cầu trong nước, làm tăng thêm những rủi ro đối với sự phục hồi kinh tế của nước này trong năm nay.
Xuất khẩu từng là một trong số ít điểm sáng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong thời kỳ đại dịch nhưng đã xấu đi nhanh chóng kể từ cuối năm 2022 do người tiêu dùng ở nước ngoài cắt giảm chi tiêu để đối phó với các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương nhằm kiềm chế lạm phát.
Theo hãng tin Reuters, sự suy yếu đó dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài sang năm mới khi nền kinh tế toàn cầu đang trên bờ vực suy thoái, nhưng hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi chậm trong những tháng tới sau khi chính phủ đột ngột dỡ bỏ các biện pháp nghiêm ngặt đối với COVID-19 vào tháng 12/2022, mở đường cho nền kinh tế mở cửa trở lại, giải phóng nhu cầu bị dồn nén.
"Triển vọng xuất khẩu vẫn yếu do sự kết hợp giữa tăng trưởng toàn cầu chậm lại và xu hướng chuyển dịch tiêu dùng đang diễn ra từ hàng hóa sang dịch vụ", ông Lloyd Chan, nhà kinh tế cấp cao tại Oxford Economics, cho biết.
"Hơn nữa, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ đối với các thiết bị liên quan đến chất bán dẫn sẽ là lực cản chính".
Theo Wind Information, xuất khẩu của Trung Quốc đã bắt đầu giảm so với cùng kỳ năm ngoái từ tháng 10. Đây là lần giảm đầu tiên kể từ tháng 5 năm 2020.
Theo số liệu tử cơ quan Hải Quan Trung Quốc, trong cả năm 2022, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 7,7% và nhập khẩu tăng 1,1%.
Theo số liệu chính thức, thương mại điện tử xuyên biên giới giữa Trung Quốc và các quốc gia khác đã tăng 9,8% vào năm 2022 so với cùng kì, lên 2,11 nghìn tỷ Nhân dân tệ (301,42 tỷ USD). Xuất khẩu trực tiếp đến người tiêu dùng đã tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, so với năm 2021, con số này đang chậm lại. Cách đây 1 năm, thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc tăng 15% lên 1,98 nghìn tỷ Nhân dân tệ (311,5 tỷ USD) và xuất khẩu tăng 24,5% so với năm trước đó.
Nhập khẩu của Trung Quốc từ EU và Mỹ giảm vào năm 2022, trong khi nhập khẩu từ ASEAN tăng nhẹ.
Bộ thương mại Trung Quốc cho biết hôm 12/1 rằng nhu cầu bên ngoài chậm lại và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng đang gây áp lực lớn nhất đối với việc ổn định thương mại của đất nước, để lại "những nhiệm vụ khó khăn".
Một cuộc khảo sát chính thức về hoạt động của nhà máy cho thấy chỉ số phụ về các đơn đặt hàng xuất khẩu mới vẫn nằm trong vùng thu hẹp trong 20 tháng liên tiếp.
Tuy nhiên, Bộ này cho biết các tỉnh xuất khẩu lớn đã báo cáo đã có một số cải thiện trong việc nhận được các đơn đặt hàng mới.
Sau ba năm, chính quyền Trung Quốc cuối cùng đã loại bỏ các biện pháp chống virus làm gián đoạn hoạt động hậu cần tại cảng và đóng cửa các nhà máy tại các trung tâm sản xuất chính.
Trung Quốc công bố thặng dư thương mại 78 tỷ USD trong tháng 12/2022, so với mức thặng dư 69,84 tỷ USD trong tháng 11. Các nhà phân tích đã dự báo thặng dư 76,2 tỷ USD.
Các nhà hoạch định chính sách đã cam kết tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế vì họ mong muốn củng cố tăng trưởng và giảm bớt sự gián đoạn do việc hạn chế COVID-19 đột ngột kết thúc.
Đặc biệt, các biện pháp nhằm giảm bớt tình trạng thiếu vốn trầm trọng trong lĩnh vực bất động sản có thể thúc đẩy nhập khẩu nguyên liệu công nghiệp từ quặng sắt đến đồng.
Ông Chan mong đợi nhiều chính sách hỗ trợ hơn cho các nhà phát triển bất động sản và hộ gia đình để giúp thúc đẩy nhu cầu trong nước, nhưng thương mại ròng gia tăng vẫn có thể là lực cản đối với tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay.
"Bất kỳ sự gia tăng ngắn hạn nào cũng khó có thể xảy ra do tâm lý trong nước yếu và sự gia tăng COVID đang diễn ra".
Hơn nữa, một phần đáng kể hàng nhập khẩu của Trung Quốc là các bộ phận của các sản phẩm sau đó được tái xuất khẩu, khiến những hàng hóa này dễ bị tổn thương trước sự suy giảm nhu cầu toàn cầu.
Các nhà phân tích được Reuters thăm dò dự đoán tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ phục hồi lên 4,9% vào năm 2023, trước khi ổn định vào năm 2024.
Nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 2,8% vào năm 2022 do các biện pháp phong tỏa ảnh hưởng đến hoạt động và niềm tin, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là khoảng 5,5%. Dữ liệu dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý IV và năm 2022 sẽ được công bố vào ngày 17 tháng 1.
Iris Pang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ING, ước tính cả xuất khẩu và nhập khẩu có thể tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2023 so với một năm trước đó, nhưng cho biết thương mại có thể phục hồi vào nửa cuối năm khi các nền kinh tế trong và ngoài nước dự kiến sẽ cải thiện.
Jin Chaofeng, người có công ty xuất khẩu đồ nội thất bằng mây ngoài trời ở thành phố duyên hải phía đông Hàng Châu, cho biết ông không có kế hoạch mở rộng thị trường hoặc tuyển dụng cho năm 2023 vì ông vẫn thận trọng về triển vọng nhu cầu toàn cầu.
Ông nói: "Với việc dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế COVID, nhu cầu trong nước dự kiến sẽ được cải thiện nhưng đối với xuất khẩu thì không".
"Không có dấu hiệu kết thúc xung đột Nga-Ukraina hay cải thiện quan trọng trong quan hệ Trung Quốc-Mỹ, xuất khẩu năm nay có thể tồi tệ hơn năm 2022", ông Jin nói và cho biết thêm công ty của ông đã giảm hàng tồn kho trong những tháng gần đây.
(Nguồn: Reuters)