Xuất khẩu thủy sản lại lo về mã số, mã vạch

Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang gặp nhiều vướng mắc, khó khăn về mã số mã vạch.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Quy định về việc sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài trên hàng hóa xuất khẩu phải có ủy quyền của chủ sở hữu mã số, mã vạch hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đang là vướng mắc lớn đối với các ngành hàng có xuất khẩu vì quy định này thiếu cơ sở pháp lý, không có thông lệ quốc tế và đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có các doanh nghiệp ngành thủy sản.

Chưa đầy 1 tuần vui mừng vì được trút bỏ một gánh nặng cho các lô hàng xuất khẩu tại mùa cao điểm khó khăn do dịch bệnh COVID-19 khi Tổng cục Hải quan ra văn bản thống nhất với các Chi cục Hải quan không yêu cầu người khai hải quan phải xuất trình giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng mã số mã vạch nước ngoài thì các doanh nghiệp lại lo lắng “thở dài” vì một công văn khác từ Tổng cục Hải quan áp dụng trở lại yêu cầu này.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam gửi Công văn số 46/2020/CV-Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam tới Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan kiến nghị giải quyết vướng mắc trong quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch đối với hàng xuất khẩu tại NĐ 74/2018.

Tại công văn này, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ xem xét bãi bỏ Khoản 9, Điều 1 của Nghị định 74/2018/NĐ-CP của Chính phủ về “bổ sung Mục 7 “Mã số mã vạch và quản lý mã số mã vạch” của Chương II “Quản lý nhà nước về mã số, mã vạch” và bổ sung Điều 19a, 19b, 19c, 19d trong Mục 7”.

Trong khi chờ Chính phủ xem xét, bãi bỏ Khoản 9, Điều 1 của Nghị định 74/2018/NĐ-CP, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam tha thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tạm dừng thực hiện quy định về “sử dụng mã nước ngoài” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất xuất khẩu do dịch bệnh COVID-19, không tạo thêm các gánh nặng về thủ tục hành chính hay tạo ra các vướng mắc, ách tắc cho cộng đồng doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và uy tín của thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang gặp khó về những quy định mã vạch. 
Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang gặp khó về những quy định mã vạch. 

Trước đó, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng đã họp với đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng về những bất cập liên quan quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài trên bao bì các lô thủy sản xuất khẩu gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp đúng thời điểm cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Theo kết quả cuộc họp này, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã tiến hành rà soát hệ thống cơ sở pháp lý của Việt Nam và không tìm thấy có cơ sở nào đầy đủ, thuyết phục cho quy định liên quan đến mã số mã vạch đối với hàng xuất khẩu.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã gửi Công văn số 34/2020/CV-Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (CV34) tới Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng kiến nghị giải quyết vướng mắc trong quy định mã số mã vạch trên bao bì hàng xuất khẩu.

Trong đó có đề nghị Tổng cục Đo lường Chất lượng, trên cơ sở rà soát văn bản pháp lý hiện hành có ngay văn bản gửi Tổng cục Hải quan, theo đó để doanh nghiệp được tự chịu trách nhiệm trong sử dụng mã số mã vạch của nước ngoài in trên bao bì sản phẩm dùng để xuất khẩu và sẽ lưu trữ văn bản ủy quyền của nhà nhập khẩu để xuất trình khi có yêu cầu của các cơ quan kiểm tra/thanh tra có liên quan. Các cơ quan Hải quan không cần kiểm tra Giấy xác nhận của Cơ quan có thẩm quyền về mã số, mã vạch cho các trường hợp đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài để tạo điều kiện thông quan nhanh cho các lô hàng xuất khẩu.

Quy định này đã làm phát sinh thêm thủ tục hành chính và làm gia tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp. doanh nghiệp đang phải trả phí 500.000 đồng/lần đăng ký (đối với Hồ sơ có ít hơn hoặc bằng 50 mã sản phẩm) hoặc 10.000 đồng/sản phẩm (đối với Hồ sơ trên 50 mã sản phẩm). Với số lượng lớn các sản phẩm xuất khẩu hiện nay của Việt Nam, tổng chi phí của các doanh nghiệp phải chi trả cho việc ghi mã số, mã vạch trên nhãn cho các lô hàng xuất khẩu là một con số không nhỏ.

Mã số mã vạch trên sản phẩm cá tra Việt Nam bán cho Tập đoàn siêu thị Tesco (Anh).
Mã số mã vạch trên sản phẩm cá tra Việt Nam bán cho Tập đoàn siêu thị Tesco (Anh).

Nhưng khi doanh nghiệp liên hệ với cơ quan có thẩm quyền ở tỉnh để xin cấp Giấy xác nhận thì được thông báo là doanh nghiệp phải liên hệ với Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (GS1) tại Hà Nội do địa phương không có thẩm quyền. Mà khi thực hiện thủ tục đăng ký sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài theo hướng dẫn của Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia, thủ tục xin cấp Giấy xác nhận với Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia còn yêu cầu phải có: Thư ủy quyền phải yêu cầu có thời hạn ủy quyền và Hồ sơ chứng minh mã số, mã vạch của khách được cơ quan thẩm quyền của nước họ chứng nhận (phải kèm bảng dịch thuật tiếng Việt).

Các giấy tờ trên đều thường khó xin, tốn nhiều thời gian, các thủ tục đều phải làm trên hồ sơ giấy, chưa có thủ tục đăng ký qua mạng, chưa kể thủ tục xử lý tại Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia sau khi có đủ hồ sơ và nộp phí thì nhanh nhất cũng phải 2-3 ngày mới có kết quả và giấy xác nhận cũng chỉ có giá trị trong 6 tháng. Việc yêu cầu khách hàng phải cung cấp quá nhiều giấy tờ đang tạo ra khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp.

Trong khi đó, doanh nghiệp thường xuyên có thêm khách hàng mới nên mã số, mã vạch của các sản phẩm cũng phải đổi mới và cập nhật thường xuyên, gây mất rất nhiều thời gian cũng như chi phí cho doanh nghiệp. Nhưng điều quan trọng và khó khăn nhất ở đây là, doanh nghiệp không thể có được Giấy ủy quyền này từ khách hàng nếu họ không có hoặc không thể cung cấp. Trong bối cảnh kinh doanh, xuất nhập khẩu gặp nhiều sóng gió do dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, chật vật tìm kiếm khách hàng đã mệt, các yêu cầu và thủ tục không cần thiết, vô lý lại càng làm khó doanh nghiệp hơn!

Một số doanh nghiệp 100% sản xuất xuất khẩu đi Nhật Bản cho biết, trên sản phẩm túi và bìa carton của họ cũng đã in mã vạch của khách hàng nhưng vẫn bị cơ quan Hải quan kiểm hóa và yêu cầu xuất trình Giấy ủy quyền của khách hàng được phép sử dụng mã vạch trên sản phẩm nhưng khách hàng phía Nhật Bản không thể cung cấp được vì họ cho biết nước này không yêu cầu và cũng không cấp giấy này. Với hàng trăm mã túi khác nhau và nếu túi nào cũng phải xuất trình giấy ủy quyền của khách, nhiều doanh nghiệp lo lắng không biết phải làm sao.

Nhiều ý kiến doanh nghiệp cũng không đồng tình với việc cơ quan quản lý cho rằng, cơ quan này quản lý mã số mã vạch trên sản phẩm là để quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa vì trên mã số mã vạch không thể hiện được thông số về chất lượng.

Hơn thế, muốn tra cứu mã vạch quốc tế chỉ cần một số thao tác dễ dàng là gõ 13 số của mã vạch tại website Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia là có thể biết mã đó có chủ sỡ hữu là ai, địa chỉ ở đâu. Nếu doanh nghiệp Việt Nam có hợp đồng sản xuất hàng cho đơn vị đó là đủ thông tin để chứng minh rồi, cần gì phải đi xin đủ loại giấy tờ để đăng ký tại Việt Nam nữa?

VIÊN VIÊN (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương