Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 144/NQ-CP ngày 10/9/2023 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2023. Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh chỉ đạo giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu NHNN Việt Nam tập trung xử lý các thương mại yếu kém, báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 9/2023. Đồng thời, "NHNN cũng được giao khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trong tháng 9/2023, không để chậm trễ hơn nữa", Nghị quyết nêu.
Trước đó, tại cuộc họp với ban lãnh đạo NHNN hôm 22/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu cơ quan này sớm trình phương án tái cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, trong đó có SCB.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý phương án cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, SCB phải "đúng thẩm quyền, không để xảy ra rủi ro, thất thoát tài sản Nhà nước, trục lợi chính sách". Hoạt động tái cơ cấu được kỳ vọng sẽ góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng và tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất, theo Vnbusiness.
Tiếp đó, tháng 10/2022, sau khi ghi nhận tình trạng người dân tới rút tiền ở nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của SCB, NHNN đã đưa ngân hàng này vào diện kiểm soát đặc biệt. Đây là biện pháp nghiệp vụ nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, trong Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên. Khẩn trương hoàn thiện theo thẩm quyền các quy định, chính sách tín dụng, điều kiện cho vay với thủ tục thông thoáng, thuận tiện, khả thi, hợp lý hơn.
Tăng mạnh khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế, góp phần hạn chế "tín dụng đen". Tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu NHNN cần tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh.
Cũng trong Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, cụ thể hơn nữa các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững theo Nghị quyết số 33.
Phối hợp chặt chẽ với NHNN Việt Nam, các cơ quan và địa phương triển khai hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" và gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Cũng liên quan đến bất động sản, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành việc hướng dẫn tính giá đất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Khẩn trương trình Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất của các địa phương trong tháng 9/2023 để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Trong Nghị quyết, Chính phủ cũng yêu cầu bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ động triển khai các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ để bảo đảm an ninh năng lượng, triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII. Thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của Nhân dân các tháng cuối năm 2023, năm 2024 và những năm tiếp theo.
Khẩn trương hoàn thiện các nội dung, báo cáo về việc chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) về Bộ Công Thương theo đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại Thông báo số 355/TB-VPCP ngày 26/8/2023, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện báo cáo thẩm định, theo VTV.
Chủ động triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống.
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để phát triển, mở rộng các thị trường mới, nhiều tiềm năng, tranh thủ tối đa sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực, nhất là hàng nông sản.
(Tổng hợp)