Bệnh viện dã chiến xây trong 10 ngày chống dịch corona đã được thiết kế như thế nào?

Giữa tâm điểm đại dịch tại Vũ Hán (Trung Quốc), một siêu phẩm thiết kế đã được hé lộ: một bệnh viện được hoàn thành chỉ trong 10 ngày.

Bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn gồm 2 tầng, có sức chứa 1.000 giường bệnh với diện tích khoảng hơn 34.000m2 đã tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên chỉ sau công tác san lấp mặt bằng khoảng 1 tuần. Bệnh viện dã chiến thứ 2, Bệnh viện Lôi Thần Sơn dự kiến sẽ sớm hoàn thành với sức chứa khoảng 1.500 giường.

Với hai bệnh viện này, chính quyền địa phương hy vọng vừa có thể giảm áp lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đang quá tải ở Vũ Hán, và có thể kiểm soát sự lây lan của virus hiện đang khiến hơn 700 người thiệt mạng và hơn 31.000 người lây nhiễm trên toàn cầu.

Hàng ngàn nhân công làm việc ngày đêm để hoàn thành bệnh viện trong 10 ngày
Hàng ngàn nhân công làm việc ngày đêm để hoàn thành bệnh viện trong 10 ngày

Để đạt được quy mô và tốc độ như vậy đều nhờ vào những căn phòng chế tạo sẵn và hàng ngàn công nhân thực hiện không quản ngày đêm. Tuy nhiên, việc thiết kế bệnh viện thì hoàn toàn bắt đầu từ con số 0.

Theo truyền thông Trung Quốc, những công trình này được dựa trên bệnh viện Xiaotangshan, bệnh viện được xây dựng chỉ trong 7 ngày vào năm 2003 giữa đại dịch SARS ở Bắc Kinh. Dù vậy, với địa hình và điều kiện khác biệt nên những thiết kế này không thể copy hoàn toàn.

Các căn dựng sẵn được cần cẩu đưa vào vị trí trong quá trình xây dựng bệnh viện Hỏa Thần Sơn
Các căn dựng sẵn được cần cẩu đưa vào vị trí trong quá trình xây dựng bệnh viện Hỏa Thần Sơn

Hiện tại, tính hiệu quả của những bệnh viện mới này vẫn chưa được thử nghiệm khiến giới quan sát đang đặt nhiều câu hỏi về chức năng cũng như mức độ an toàn của công trình.

Cho dù vậy, nhưng một bệnh viện có quy mô lớn như vậy mà được hoàn thành trong khoảng thời gian tính bằng ngày, với hy vọng ngăn được sự lây lan của virus đã được thiết kế như thế nào?

Hệ thống cách ly

Theo Dr. Solomon Kuah, người đã từng cùng Ủy ban Cấp cứu quốc tế hỗ trợ xây dựng các bệnh viện khẩn cấp trong đại dịch Ebola ở Tây Phi hồi năm 2014, những mô hình bệnh viện dã chiến này đều được xây dựng dựa trên nhiều nguyên tắc thiết kế cơ bản giống nhau.

Nguyên tắc cơ bản quan trọng nhất có lẽ là việc quy hoạch bệnh nhân theo từng khu dựa trên mức độ nguy hiểm của virus trên từng người.

Bức ảnh nhìn từ trên cao của Bệnh viện Hỏa Thần Sơn trong giai đoạn xây dựng
Bức ảnh nhìn từ trên cao của Bệnh viện Hỏa Thần Sơn trong giai đoạn xây dựng

“Những bệnh nhân cần được xét nghiệm để kết luận liệu có bị nhiễm virus sẽ được khám ở một khu riêng, cách ly hoàn toàn với những người đã dương tính với virus. Vì vậy, họ sẽ được xếp theo từng nhóm dựa trên “mức độ nghi vấn”. Khi đó, họ cũng có thể được chia thành các nhóm như những người mang thai, người người đang chờ kết quả hay những người đang đợi kết thúc đợt cách ly”.

Vì vậy, cho dù chính quyền Vũ Hán nói rằng chỉ những bệnh nhân được xác nhận đã tiếp xúc với virus mới được chuyển đến Bệnh viện Hỏa Thần Sơn, những bệnh nhân này vẫn có thể bị chia thành các nhóm như vậy. Những bức ảnh về bệnh viện nhìn từ trên cao cho thấy các khu giường nằm hình chữ nhật chia nhánh sang hai bên từ một trục trung tâm, trong khi có những khu thì nằm hoàn toàn tách biệt với các khu khác.

Cách thiết kế như vậy cho thấy mức độ lây nhiễm khác nhau được cách ly theo từng khu nhằm tránh việc lây nhiễm chéo. Và lý tưởng hơn nếu các khu này được chia cắt từ khu vực trung tâm bởi các khu thiết bị khử trùng nhằm giúp bác sĩ có thể thăm khám từng nhóm bệnh nhân.

Những khu khử trùng có thể cũng được sử dụng nhằm tách biệt khu giường bệnh khỏi khu trung tâm điều hành nơi các nhân viên y tế hỗ trợ điều trị, bởi khu trung tâm sẽ là khu có ít nguy hiểm nhất. Vì thế, khu trung tâm này sẽ được thiết kế không nằm giữa các khu khác và đặc biệt là không gần những khu có bệnh nhân nhiễm bệnh.

Kiểm soát dòng chảy bệnh nhân

Việc giảm thiểu quá trình di chuyển của bệnh nhân trong bệnh viện sẽ đảm bảo hạn chế những cá nhân mang “nguy cơ cao” không tiếp xúc với những người khác, mặc dù đôi khi những bệnh nhân này buộc phải di chuyển như khi đi vệ sinh.

Theo một báo cáo trên tờ Changjiang Daily, Bệnh viện Hỏa Thần Sơn được thiết kế dựa trên nguyên tắc “Ba khu và hai ống”, với sự phân chia các khu sạch sẽ, bán ô nhiễm và ô nhiễm cùng với hai ống riêng biệt dành cho bệnh nhân và nhân viên y tế di chuyển.

Bức ảnh được chụp trong giai đoạn cuối của chuỗi 10 ngày xây dựng Bệnh viện Hỏa Thần Sơn.
Bức ảnh được chụp trong giai đoạn cuối của chuỗi 10 ngày xây dựng Bệnh viện Hỏa Thần Sơn.

Khi thiết kế quá trình di chuyển của bệnh nhân, việc nghĩ tới khoảng cách giữa các bệnh nhân, các khu hành lang và nơi đặt các cơ sở thiết bị y tế hết sức quan trọng để có thể dựng các vách ngăn cho từng khu.

Đối với những virus có mức độ lan truyền nhanh, khoảng cách an toàn trên thực tế có thể nhỏ hơn nhiều so với suy nghĩ của nhiều người. Theo bác sĩ Kuah, những virus loại nhỏ giọt như corona hay Ebola không trôi nổi trong không khí, chúng sẽ không bồng bềnh bay qua bức tường cao 3m để sang phía bên kia.

Chia sẻ về những bệnh viện ông từng phối hợp thiết kế đợt Ebola, bác sĩ Kuah cho biết bệnh viện sẽ có hai rào cản: một rào cản “sạch” và một rào cản “bẩn”. Rào cản “sạch” sẽ nằm phía các thành viên y tế, những người không bị nhiễm, trong khi những người bị nghi nhiễm virus hay được xác nhận dương tính với virus sẽ ở phía rào cản “bẩn”. Khoảng cách giữa những rào cản này sẽ là khoảng 1m bởi đây là khoảng cách tối đa mà virus có thể di chuyển khi theo nước bọt từ người bệnh bắn ra trước khi rơi xuống đất.

Vật liệu được sử dụng cho những tấm rào cản này thực sự không quan trọng, miễn là chúng chịu được việc tẩy rửa bằng hóa chất. Tất nhiên, chúng phải có những chỉ dẫn rõ ràng trên đó để giúp người bệnh cũng như các nhân viên y tế di chuyển thuận tiện hơn (như việc bác sĩ cần bắt đầu đi từ khu nhiễm ít nguy hiểm trước).

Các chức năng đặc thù

Theo chính quyền Vũ Hán, có vô số thứ cần được xem xét trong quá trình thiết kế, như việc luân chuyển bệnh nhân, hệ thống thông gió, khu công nghệ y tế, phòng máy tính, kho lưu trữ trung tâm hay phòng cấp cứu khử trùng…

Quá trình xây dựng Bệnh viện Hỏa Thần Sơn
Quá trình xây dựng Bệnh viện Hỏa Thần Sơn

Hệ thống nước và sát khuẩn cũng là một trong những yếu tố hết sức quan trọng trong quá trình ngăn chặn sự lây lan. Chẳng hạn như trong quá trình cách ly dịch Ebola, hệ thống nước phải hoàn toàn tách biệt với nguồn nước của người dân xung quanh. Chính vì thế, bệnh viện phải được xây dựng với đầy đủ các hệ thống tích hợp đi kèm mà không gây ảnh hưởng đến các cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Để tích hợp những hệ thống như vậy vào những bệnh viện có sẵn dường như là điều không thể. Thế nên du những trang thiết bị của những bệnh viện dã chiến như Hỏa Thần Sơn hay Lôi Thần Sơn dường như sơ sài nhưng lại khá phù hợp với mục đích đối phó với dịch bệnh. Chúng sẽ giúp cách ly những bệnh nhân nhiễm virus khỏi những bệnh nhân tìm đến y tế với những lý do khác.

“Nếu không cách ly, bạn sẽ có một người trẻ khỏe mạnh với virus corona ngồi cạnh một quý ông 65 tuổi đang cần kiểm tra tim. Những bệnh viện lớn sẽ muốn tiếp tục công việc thường ngày, và những thử thách mới này vẫn có thể tồn tại trong thành phố”, bác sĩ Kuah cho biết.

TM (theo CNN)

Bệnh viện dã chiến Vũ Hán tiếp nhận bệnh nhân nhiễm corona

Bệnh viện dã chiến Vũ Hán tiếp nhận bệnh nhân nhiễm corona

Bệnh viện Hỏa Thần Sơn đã tiếp nhận các bệnh nhân đầu tiên vào hôm nay 4/2, đây là bệnh viện với tổng cộng 1.000 giường bệnh,