Kế hoạch tiếp nhận du học sinh của các trường Đại học ở Việt Nam

Do ảnh hưởng của Covid-19, trường học đóng cửa, chuyển sang hình thức online, nhiều em du học sinh quyết định về nước.

Chiều 23/7 đã diễn ra buổi tọa đàm "Sẵn sàng tiếp nhận du học sinh về nước học tập" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức. 

Tại đây, bà Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Bộ đã yêu cầu các đại học phải tiếp nhận du học sinh và sinh viên quốc tế có nhu cầu, đủ khả năng học tập các chương trình, đặc biệt là chương trình đào tạo bằng tiếng Anh hay liên kết nước ngoài. Vì vậy, các trường cần chú ý đến chỉ tiêu tuyển sinh và đầu vào của thí sinh.

Quyền Vụ trưởng Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy.
Quyền Vụ trưởng Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy.

Các trường căn cứ vào chương trình đào tạo, nội dung kiến thức và yêu cầu chuẩn đầu ra, tín chỉ, kết quả học tập của sinh viên để sàng lọc tín chỉ, học phần phù hợp với các em.

Các giấy tờ cần chuẩn bị tiếp nhận đó là: đơn xin chuyển trường, các bản sao, bản dịch công chứng kết quả học tập hay ý kiến các cơ quan liên quan.

Bà Thủy nói: "Bộ sẵn sàng hỗ trợ trường kiểm tra thông tin các đại học có được công nhận ở nước sở tại hay không, hệ thống đào tạo tín chỉ thế nào, đồng thời công khai 352 chương trình liên kết đào tạo giúp du học sinh dễ dàng tìm kiếm thông tin".

Hiện, các trường đại học cũng đã lên kế hoạch sẵn sàng tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế không thể quay lại trường đang học do ảnh hưởng của Covid-19.

Đại học Bách khoa

Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Bách Khoa cho biết, trường đưa ra những hình thức học tập phong phú bao gồm chuyển trường với điều kiện nhất định, xét tuyển đầu vào theo chứng chỉ quốc tế như SAT hay A-Level. Du học sinh có thể chỉ học ở Bách khoa Hà Nội trong một kỳ hay một năm để nhận được chứng chỉ môn học đã hoàn thành. Tùy vào nguyện vọng của du học sinh về việc học tập và hình thức cấp bằng mà nhà trường sẽ có những phương án tuyển đầu vào khác nhau.

Trường có 12 chương trình dạy bằng tiếng Anh ở ngành mũi nhọn cùng các chương trình liên kết quốc tế dạy bằng tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật nên có thể tiếp nhận du học sinh

Ông Nguyễn Phong Điền.
Ông Nguyễn Phong Điền.

"Trường có một số ngành mũi nhọn trong top 350-500 thế giới như Toán học, Cơ khí, Công nghệ thông tin, Điện điện tử nên việc công nhận tín chỉ tương đương với các trường ở nước ngoài cũng thuận lợi", ông Điền nói. 

Với các sinh viên đã học từ 1 học kỳ ở nước ngoài trở lên, trường sẽ tiếp nhận dựa trên thứ hạng đang theo học trên bảng xếp hạng uy tín, từ đó xem xét có thuộc cấp độ tương đương Bách khoa hay không. Trường tiếp nhận dựa vào chỉ tiêu của từng ngành. Hội đồng chuyên môn sẽ đánh giá xem tín chỉ tương đương mà các em đã học để công nhận, chuyển điểm.

Với những em mới nhập học vào trường ở nước ngoài chưa có kết quả học tập, trường sẽ tiếp nhận thông qua đợt kiểm tra kiến thức hay xem xét điểm SAT, A-Level.

Du học sinh muốn học 3 - 5 môn tại trường sẽ được cấp chứng nhận đã hoàn thành môn học để trường của các em ở nước ngoài có thể xem xét công nhận.

Đại học Quốc gia Hà Nội

Phó trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Thảo cho biết trường sẽ xem xét thứ hạng trường và bảng điểm để ra quyết định tiếp nhận du học sinh đã và đang học ở nước ngoài. Đồng thời xem xét các ngành học, chương trình, nguyện vong của các em.

Với các em học THPT trong và ngoài nước nhưng chưa đăng ký vào một trường đại học nào, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ dựa vào kết quả học tập bậc THPT và các yếu tố tương thích với điều kiện tuyển sinh của trường như chứng chỉ SAT, ACT, A-Level, IELTS.

Đại học Ngoại thương

Bà Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo cho biết, trường sẵn sàng cho du học sinh học ngắn hạn, các em có thể chọn vào 15 chương trình giảng dạy bằng tiếng nước ngoài như Anh, Nhật, Pháp, Trung; 9 chương trình cử nhân và 5 chương trình thạc sĩ liên kết đào tạo với nước ngoài.

Bà Hiền nói: "Sau một kỳ hay một năm, các em có thể tích lũy số lượng tín chỉ và có thể công nhận tín chỉ tại các trường đại học ở nước ngoài để rút ngắn quá trình học tập. Khi dịch bệnh được kiểm soát, các em có thể qua đó học tiếp".

 Bà Vũ Thị Hiền, 
 Bà Vũ Thị Hiền, 

Sinh viên muốn học ngắn hạn ở Đại học Ngoại thương có thể học theo hình thức trao đổi. Nếu là sinh viên các đại học thuộc hệ thống đối tác thì chỉ cần xin trường tiến cử sang Đại học Ngoại thương dưới hình thức trao đổi và không cần nộp bất kỳ khoản học phí nào. Nếu là sinh viên ngoài hệ thống đối tác, các em vẫn được đăng ký chương trình trao đổi một kỳ hoặc một năm, nộp phí như với sinh viên trong trường và được cấp chứng nhận hoàn thành các khóa học tương ứng để có thể mang sang trường đã học công nhận tín chỉ.

Đối với sinh viên muốn ở Việt Nam, trường sẽ tiếp nhận bởi sinh viên một trường ở nước ngoài đủ điều kiện trở thành sinh viên chương trình liên kết đào tạo của trường;  cung cấp hệ thống môn học trong toàn bộ chương trình liên kết đào tạo để sinh viên tự xây dựng chiến lược học tập nhằm đạt số tín chỉ cao nhất. Các em sẽ thực hiện quá trình công nhận tín chỉ để có thể tiếp tục lấy bằng ở nước ngoài nếu mong muốn.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường cho rằng, trường nước ngoài có công nhận tín chỉ học tại đại học Việt Nam còn tùy thuộc vào thỏa thuận giữa các trường. Nếu có, đại học ở Việt Nam sẽ công nhận tín chỉ hoặc cấp chứng nhận, trong đó mức cao nhất là công nhận toàn bộ chương trình và cấp song bằng. Còn nếu không có thỏa thuận mà du học sinh muốn trường ở nước ngoài cấp bằng thì có thể bảo lưu, tích lũy tín chỉ, sau đó liên hệ với trường, Bộ Giáo dục nước đó và các cơ quan kiểm định giáo dục để xem liệu có thể công nhận tín chỉ, từ đó có quyết định tốt nhất.

Thanh Mai

Vì sao Việt Nam chiến thắng còn Mỹ thất bại trong cuộc chiến Covid-19?

Vì sao Việt Nam chiến thắng còn Mỹ thất bại trong cuộc chiến Covid-19?

Thành công trongcuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam đều nhờ khả năng điều phối người dân, định hướng truyền thông và kiểm soát doanh nghiệp một cách đồng bộ.