Nguy cơ thiếu hụt bao cao su trên toàn thế giới vì COVID-19

Thế giới đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt bao cao su, khi nhà sản xuất chủ chốt Karex Bhd có trụ sở tại Malaysia phải ngừng hoạt động do dịch COVID-19.

Karex, tập đoàn chiếm 20% sản lượng bao cao su toàn thế giới, sản xuất bao cao su cho nhiều thương hiệu như Durex (Anh), cho biết họ chưa xuất xưởng sản phẩm nào tại ba nhà máy ở Malaysia trong một tuần qua kể từ khi nước này áp lệnh phong tỏa nhằm ngăn COVID-19 lây lan.

Công ty Karex Bhd cung cấp 20% sản lượng bao cao su toàn thế giới. Ảnh minh họa.
Công ty Karex Bhd cung cấp 20% sản lượng bao cao su toàn thế giới. Ảnh minh họa.

Hiện tại, công ty Karex Bhd đã ngừng hoạt động sản xuất bao cao su tại 3 nhà máy ở Malaysia hơn một tuần do chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19.

Karex Bhd được cấp phép hoạt động trở lại vào ngày 27/3 theo quy định miễn trừ đặc biệt cho những ngành công nghiệp quan trọng. Tuy nhiên, công ty chỉ được sử dụng 50% nhân lực.

Giám đốc điều hành Goh Miah Kiat cho biết: "Chúng tôi sẽ cố đáp ứng đủ nhu cầu với một nửa công suất hoạt động".

Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt 100 triệu bao cao su trên thị trường. Trong số đó, phần nhiều là sản phẩm của thương hiệu Durex, hoặc sản phẩm cung cấp cho hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia hay chương trình viện trợ quốc tế như Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc.

"Chúng ta sẽ chứng kiến tình trạng thiếu hụt bao cao su toàn cầu, điều này sẽ rất đáng sợ. Đối với những chương trình viện trợ nhân đạo ở châu Phi, tình trạng thiếu hụt bao cao su không chỉ kéo dài 2 tuần hay 1 tháng, có thể nhiều tháng liền", ông Goh nói.

Karex Bhd được cấp phép hoạt động trở lại vào ngày 27/3 những chỉ với 50% nhân lực. Ảnh minh họa.
Karex Bhd được cấp phép hoạt động trở lại vào ngày 27/3 những chỉ với 50% nhân lực. Ảnh minh họa.

Malaysia là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 ở Đông Nam Á, với hơn 2.100 ca nhiễm và 26 người chết. 

Chính phủ nước này hôm 16/3 áp lệnh phong tỏa biên giới, đóng cửa mọi trường học và cấm tổ chức các sự kiện đông người. Toàn bộ địa điểm tôn giáo và cửa hàng kinh doanh, trừ siêu thị và ngân hàng, cũng phải ngừng hoạt động. Lệnh phong tỏa của chính phủ Malaysia sẽ được duy trì ít nhất cho đến ngày 14/4.

Nhiều nhà sản xuất những mặt hàng quan trọng khác như găng tay y tế cũng gặp khó khăn trong hoạt động vì lệnh phong tỏa tại Malaysia.

Ngoài Malaysia, một số quốc gia sản xuất bao cao su lớn khác như Trung Quốc cũng đóng cửa các nhà máy trên diện rộng do dịch COVID-19. Ấn Độ và Thái Lan, những nước đang ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh trong những ngày qua cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Theo Reuters, hệ thống y tế quốc gia ở Anh và các chương trình viện trợ quốc tế như Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc được ước tính thiếu hụt 100 triệu bao cao su.

"Nhu cầu về bao cao su vẫn rất cao. Dù muốn hay không, bao cao su vẫn là sản phẩm cần thiết vì tại thời điểm không chắc chắn này, nhiều người có lẽ không lên kế hoạch sinh con”, ông Goh nói.

AN LY (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương