Những sáng tạo của Việt Nam trong thời kỳ dịch bệnh được quốc tế khen ngợi

Thành công trong việc đối phó và kiểm soát tốt dịch bệnh tại Việt Nam còn có sự góp mặt của các sáng tạo Việt được quốc tế khen ngợi.

Đầu năm 2002, cả nước bước vào giai đoạn chống dịch. Thông tin về các ca nhiễm, ca tử vong trên khắp thế giới tràn lan trên các phương tiện đại chúng. Kinh tế khó khăn, dịch bệnh hoành hành nhưng rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam không những nhanh chóng thích ứng, xuất sắc vượt qua giai đoạn thử thách mà còn cho ra đời những sáng kiến được báo chí nước ngoài ca ngợi, vinh danh.

Bánh mì thanh long

Dù Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh nhưng phải thừa nhận rằng kinh tế bị ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt là việc xuất khẩu trái cây, hoa quả. Hình ảnh người nông dân thất thần bên hàng ngàn tấn thanh long tồn kho, những cánh đồng thanh long chín cây không ai thu hoạch khiến nhiều người xót xa. Giá thanh long rớt thảm hại, từ khoảng 40.000 đồng/kg xuống chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg. 

Trước tình hình này, “vua” bánh mì Kao Siêu Lực - chủ Công ty TNHH MTV bánh kẹo Á Châu (ABC), cũng là Chủ tịch Hiệp hội Bánh mì quốc tế khu vực Đông Nam Á - đã cùng đội ngũ nhân viên nghiên cứu, chỉ trong 3 ngày thử nghiệm xong công thức bánh mì thanh long ruột đỏ và lập tức tung ra thị trường, được người mua nhiệt tình ủng hộ. Dù dịch bệnh, hàng bánh mì ABC vẫn nườm nượp khách đến mua bánh mì thanh long với lượng khách tại mỗi cửa hàng tăng khoảng 30 - 40%.

  “Vua” bánh mì Kao Siêu Lực với những mẻ bánh mì thanh long thử nghiệm. ẢNH: GIANG VŨ

“Vua” bánh mì Kao Siêu Lực với những mẻ bánh mì thanh long thử nghiệm. ẢNH: GIANG VŨ

Sau đó, sản phẩm bánh mì thanh long nhân sầu riêng 6 Ri tiếp tục ra đời. Với giá cao hơn 4 lần, nhưng loại bánh mì này còn được săn đón hơn cả bánh mì thanh long.

Phóng viên Kate Taylor của Business Insider (Mỹ) đã đến tận nơi để trải nghiệm chiếc bánh mì này. Kate Taylor bày tỏ thật sự thích thú và đã chia sẻ cảm xúc trong bài viết của mình: “Chiếc bánh mì màu hồng nổi bật khiến tôi bất ngờ. Mặc dù nó được sáng tạo ra để giải cứu nông sản trong đại dịch Covid-19, nhưng nó cũng rất phù hợp để đăng lên Instagram. Loại bánh mì này không phải chỉ để tạo danh tiếng trên phương tiện truyền thông xã hội mà nó thật sự ngon với lớp vỏ ngoài giòn tan và bên trong thanh mát, đầy hương vị trái cây nhẹ nhàng. Thêm thanh long vào bánh mì có thể là một gợi ý rất tinh tế. Điều này cho thấy sự thích nghi sáng tạo của người Việt trước những tác động của Covid-19, khi mà dịch có thể sẽ gây thiệt hại kinh tế đất nước hàng tỉ USD”.

Cây "ATM gạo"

Sau bánh mì thanh long, thế giới phải hết lời khen ngợi cho sáng kiến “ATM gạo” của Việt Nam.

Xuất phát từ mong muốn mọi người vẫn có thể nhận được lương thực, thực phẩm, ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty khóa điện tử PHG Lock, sáng tạo mô hình “ATM gạo” và nhanh chóng được rất nhiều doanh nghiệp hưởng ứng, nhân rộng. Mô hình này nhanh chóng trở thành 1 trong những sáng kiến được chú ý nhiều nhất trên thế giới mùa Covid-19.

  Một cây ATM gạo ở TP.HCM. ẢNH: ĐỘC LẬP

Một cây ATM gạo ở TP.HCM. ẢNH: ĐỘC LẬP

Ngày 13/4, hãng tin Reuters đã đăng 1 bài viết để chia sẻ cảm nhận của những người nghèo khi nhận được sự hỗ trợ rất kịp thời của các doanh nghiệp vốn cũng đang rất khó khăn giữa dịch bệnh.

CNN cũng đăng tải bài viết chi tiết về hệ thống “ATM gạo” tại nhiều nơi ở Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh: “Những “ATM gạo” này đã được thiết lập ở khắp Việt Nam để giúp đỡ những người đang cần chúng nhất trong đại dịch Covid-19”. Sau đó là New York Post, Insider, The Times of India, Bangkok Post… đã đăng tải thông tin về cây "ATM" gạo và nhận được sự quan tâm từ công chúng quốc tế.

Truyền thông chống dịch qua nền tảng công nghệ

Trang ASEAN Post cho biết một nghiên cứu về chính sách phản ứng đối với Covid-19 đã cho thấy thành công ban đầu của Việt Nam trong việc làm chậm tốc độ lây lan là nhờ Chính phủ đã tập trung vào truyền thông mạnh mẽ và giáo dục cộng đồng thông qua các nền tảng công nghệ và hệ thống truy tìm dấu vết các mầm bệnh.

Công dân Việt Nam tự nguyện chia sẻ thông tin sức khỏe cá nhân qua ứng dụng NCOVI. Ứng dụng cung cấp thông tin cập nhật về sự bùng phát và các cách phòng ngừa dịch bệnh. Bên cạnh đó, NCOVI còn đính chính các thông tin sai lệch, thông tin không đúng về dịch bệnh. Ứng dụng thu thập thông tin một cách có hệ thống và xác định các nhóm trường hợp có khả năng lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

Ngoài ra còn có các nền tảng để theo dõi người nghi nhiễm, các đơn vị tăng cường sản xuất thuốc khử trùng tay, công bố những phát hiện lâm sàng quan trọng về bệnh và phát triển bộ dụng cụ xét nghiệm vi rút với chi phí thấp.

Ứng dụng di động truy vết Covid-19 Bluezone đạt đồng giải nhất trong cuộc thi triển khai ứng dụng truy vết tìm kiếm F1, F2 hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 nhận được nhiều quan tâm, đánh giá cao từ các chuyên gia trên và được so sánh với một số ứng dụng của Singapore, Thụy Sĩ.

Nội lực doanh nghiệp Việt

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, phân tích trước khi có Covid-19, kinh tế Việt Nam được nhìn nhận là nền kinh tế khá phụ thuộc. Tuy nhiên sau khi xuất khẩu đóng băng, Chính phủ không còn “dư dả” để cung ứng vốn mạnh như trước, các doanh nghiệp đã thích ứng rất nhanh để thay đổi theo thực tế thị trường. 

Các doanh nghiệp tận dụng internet chuyển đổi rất nhanh nhiều dịch vụ từ offline qua online. Các doanh nghiệp chú ý tới chế biến, sáng tạo trong sản phẩm, thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh.

Ông Hiển nói: “Chúng ta hay nói Việt Nam có rừng vàng biển bạc, có nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng rất nhiều lĩnh vực kinh tế lại loay hoay mãi chưa thể đột phá. Mặt khác, cứ qua mỗi giai đoạn khó khăn thì những cách thức sáng tạo lại xuất hiện để giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng. Điều đó cho thấy, nền tảng năng lực nội tại của đội ngũ doanh nghiệp, của nền kinh tế Việt Nam là rất mạnh, nhưng nguồn trí lực này chưa có cơ hội được khai phá. Do đó, về phía Chính phủ, cần đánh giá, nhìn nhận lại môi trường kinh doanh, chính sách, cơ chế đã thực sự kiến tạo, khơi gợi sáng tạo và giúp doanh nghiệp có đất phát triển hay chưa? Về phía doanh nghiệp, không phải vàng chờ thử lửa mới sáng, mà cần mạnh dạn làm, mạnh dạn sáng tạo, đổi mới để chứng minh những sáng kiến như trên không chỉ là nhất thời mà đây là thế mạnh, là nội lực của Việt Nam”

Thanh Mai

TP.HCM sắp ra mắt Không gian sáng tạo và trải nghiệm chuyển đổi số

TP.HCM sắp ra mắt Không gian sáng tạo và trải nghiệm chuyển đổi số

Lễ ra mắt Không gian sáng tạo và trải nghiệm chuyển đổi số TP.HCM sẽ được tổ chức vào ngày 12/10/2020 tại TP.HCM.