"Trào lưu 10 năm" trên Facebook có an toàn?

Nhiều người lập luận rằng những bức ảnh trên đã xuất hiện từ trước, nên đăng lại cũng không vấn đề gì, suy nghĩ này liệu có an toàn?

Tác giả Kate O’Neill, tạp chí Wired, cho rằng việc mọi người vui vẻ đăng ảnh chân dung hiện tại và 10 năm trước có thể được khai thác để huấn luyện các thuật toán nhận dạng khuôn mặt người dùng và sự lão hóa của họ. Kate O’Neill muốn nhấn mạnh việc khai thác hình ảnh khuôn mặt trên Internet sẽ là xu hướng mà mọi người cần chú ý.

Nhiều người cho rằng ảnh đã có từ 10 năm trước hiện đăng lại cũng là bình thường nhưng hãy tưởng tượng rằng bạn muốn huấn luyện một thuật toán nhận diện khuôn mặt và dự đoán sự lão hóa. Dữ liệu quan trọng nhất chính là ảnh chân dung của một người qua từng giai đoạn tuổi tác. Chúng sẽ giá trị hơn nếu có khoảng thời gian xác định, ở đây là 10 năm theo tên gọi "thử thách 10 năm".

Giới trẻ đang rất hào hứng với
Giới trẻ đang rất hào hứng với "trào lưu 10 năm". Ảnh: Getty Images

Kate O’Neill chia sẻ: "Nói thêm về những bức ảnh đại diện trên Facebook, ngày đăng ảnh không phải lúc nào cũng trùng ngày chụp. Tuy nhiên qua trào lưu này, nhiều người đã tự thêm ngày (năm) chụp vào bài viết. Nói cách khác, trào lưu này đã tạo ra bộ dữ liệu về ảnh chân dung người trong 10 năm một cách chính xác và chi tiết.

Bên cạnh đó, không phải ai cũng thường đăng ảnh chân dung lên Facebook, hoặc bức ảnh đó không theo thứ tự thời gian. Vậy nên trào lưu 10 năm là cơ hội để có những bức ảnh chân dung “sạch”, đơn giản của nhiều người".

Một số ý kiến cho rằng, nhiều bức ảnh không có giá trị nhưng thực tế là các thuật toán nhận dạng ảnh tinh vi sẽ đủ phức tạp để lọc và chọn ra hình ảnh có khuôn mặt người

Về phía Facebook, họ khẳng định không can thiệp hoặc giúp tạo ra trào lưu 10 năm. “Facebook không thu lợi gì từ trào lưu này”, phát ngôn viên Facebook khẳng định.

Theo Kate O’Neill, mấu chốt ở đây là cách tiếp cận, khai thác dữ liệu của họ trên quy mô lớn. Có 3 kịch bản với mức độ nghiêm trọng khác nhau về cách những dữ liệu này được khai thác.

Trước hết, công nghệ nhận diện khuôn mặt, đặc biệt là dự đoán sự lão hóa có thể dùng để tìm kiếm trẻ mất tích. 

Khả năng thứ 2, xác định tuổi sẽ có hữu ích trong quảng cáo nhắm mục tiêu. Các màn hình quảng cáo có thể tích hợp camera hoặc cảm biến để hiện nội dung cho phù hợp với từng độ tuổi. Nếu được kết hợp với theo dõi hành vi, địa điểm và sở thích mua hàng, các nhà quảng cáo sẽ có thêm nhiều dữ liệu để kiểm soát chúng ta.

Thứ ba là khả năng mang đến hậu quả nghiêm trọng. Xác định tuổi có thể ảnh hưởng đến việc đánh giá mức bảo hiểm.

Cách đây 4 năm,  Amazon giới thiệu dịch vụ nhận diện khuôn mặt thời gian thực và đã bán dịch vụ này cho chính quyền và cơ quan chính phủ. Điều này làm nhiều người lo ngại về quyền riêng tư khi cảnh sát có thể sử dụng dữ liệu để theo dõi mọi người. Amazon bị nhiều cơ quan, cổ đông yêu cầu ngừng bán dịch vụ này.

Kate O’Neill cho rằng, dù là mục đích ra sao thì người dùng cần nắm rõ hơn cách chia sẻ dữ liệu, ai là người được truy cập. Đối với những trào lưu đăng ảnh thu hút nhiều người tham gia, đó chính là nguồn dữ liệu phong phú cho các công nghệ mới nổi.

Thanh Mai

 Facebook gia hạn lệnh cấm quảng cáo chính trị trên nền tảng của mình thêm 1 tháng

Facebook gia hạn lệnh cấm quảng cáo chính trị trên nền tảng của mình thêm 1 tháng

Ngày 11/11, mạng xã hội Facebook thông báo có thể gia hạn thêm 1 tháng lệnh cấm quảng cáo chính trị sau bầu cử.