Thế Giới Di Động và FPT Retail kinh doanh ra sao trong mùa COVID-19?

Đối mặt với đại dịch COVID-19, MWG và FPT Retail chọn cho mình hướng đi khác nhau, dẫn đến nhiều nét bất đồng trong kết quả kinh doanh.

Bán lẻ điện thoại vốn đã ở giai đoạn bão hòa từ trước. Theo báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thị trường này tiếp tục gặp khó về tăng trưởng trong ít nhất 2 năm tới. Cú sốc COVID-19 trong 3 quý đầu năm 2020 lại khiến ngành này có nhiều biến chuyển, nhất là với hai đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động ( MWG ) và Công ty Cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT ( FPT Retail ).

MWG có lãi trở lại, FPT Retail vẫn lỗ

Trong quý III/2020, MWG thu về 25.713 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm so với quý trước khoảng 3,3% nhưng lại tăng 2,3% so với quý III/2019. Biên lợi nhuận gộp trong quý đã được cải thiện so với quý trước đó, tăng lên mức 22,3%. Lợi nhuận sau thuế là khoảng 951 tỷ đồng. Mức lãi này tăng khi so với quý trước hay quý cùng kỳ, lần lượt tăng 6,4% và 11,2%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, MWG đạt doanh thu thuần hợp nhất là 81.352 tỷ đồng (tăng 6%), lợi nhuận sau thuế là 2.978 tỷ đồng (tăng 0,05%). Với kết quả này, công ty của ông Nguyễn Đức Tài đã hoàn thành 74% chỉ tiêu doanh thu và 86% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế so với kế hoạch cả năm 2020.

Nếu so luỹ kế 9 tháng, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp bán lẻ này đã được cải thiện đáng kể, lên 21,7% (tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước). Tuy vậy, sự cải thiện này lại không đến từ mảng điện thoại - thiết bị di động mà nhờ “con cưng” thực phẩm và FMCGs.

Trong khi đó, FPT Retail ở quý III/2020 ghi nhận doanh thu giảm 22% so với cùng kỳ nhưng tăng 7,1% so với quý trước, đạt 3.432 tỷ đồng. Lỗ sau thuế gần 7 tỷ đồng, cải thiện hẳn so với khoản lỗ gần 20 tỷ ở quý II/2020. Nhưng so với quý III/2019, lợi nhuận FPT Retail giảm cực mạnh (cùng kỳ doanh nghiệp này báo lãi 72 tỷ đồng).

Tình hình kinh doanh sụt giảm sâu trong quý được Ban Lãnh đạo FPT Retail cho biết do dịch COVID-19 khiến sức mua của thị trường giảm đáng kể đối với các mặt hàng điện tử và mặt hàng giá trị cao. Ngoài ra, đơn vị này phải gánh thêm chi phí mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, FPT Retail đạt 10.729 tỷ đồng doanh thu và 18 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương ứng với mức giảm 14% và 94% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, doanh nghiệp này mới chỉ đạt 8% kế hoạch năm về lợi nhuận và doanh thu đạt 70% so với kế hoạch cả năm.

Về biên lợi nhuận gộp, tính riêng quý III/2020, doanh nghiệp này đạt được 13,9%. Như vậy, biên lợi nhuận đã giảm so với quý liền trước. Tính chung 9 tháng, con số này lại cải thiện đáng kể so với cùng kỳ, đã lên mức 13,8%.

Thế Giới Di Động được nâng cấp, FPTshop đẩy mạnh online

Trong ngành bán lẻ , độ phủ là yếu tố quan trọng để xét rõ độ tương quan và tiềm lực của mỗi doanh nghiệp.

Từ lâu, số lượng cửa hàng đã trở thành “vốn luyến” số 1 của ông Nguyễn Đức Tài trong cuộc chơi bán lẻ điện thoại . Đến cuối tháng 9/2020, MWG có 962 cửa hàng Thế Giới Di Động. Con số này giảm so với tổng 996 cửa hàng hồi cuối năm 2019, chủ yếu do được nâng cấp thành cửa hàng Điện Máy Xanh.

Rất có thể, việc chuyển đổi cửa hàng chỉ thuần bán điện thoại và thiết bị di động sang cửa hàng điện máy sẽ tiếp tục được MWG triển khai. Tuy nhiên, đều này không có nghĩa, số lượng cửa hàng có bán điện thoại và thiết bị di động giảm. Phải hiểu rằng, cửa hàng Thế Giới Di Động sau khi được chuyển đổi chính là cửa hàng bán cả điện thoại, thiết bị di động và điện máy.

Chưa kể, mạng lưới cửa hàng của “đế chế” bán lẻ này còn đặt chân đến “xứ người”. Tính đến cuối tháng 9/2002, chuỗi bán lẻ điện thoại và điện máy của MWG tại Campuchia, Bluetronics, đã cán mốc 20 cửa hàng tại Phnom Penh. Trong giai đoạn tới, MWG đang hướng đến mở rộng lên 50 điểm bán trước cuối năm 2020 để phủ sóng các tỉnh, thành khác như Siem Reap, Sihanoukville,... 

Cửa hàng bán điện thoại và điện máy của MWG đã vươn tới Campuchia. Ảnh: Trúc Nghinh Phong
Cửa hàng bán điện thoại và điện máy của MWG đã vươn tới Campuchia. Ảnh: Trúc Nghinh Phong

Không giống như MWG, FPT Retail chỉ có một mô hình cửa hàng bán điện thoại và thiết bị điện tử, FPTshop. Kết thúc quý III/2020, FPT Retail có tổng cộng 593 cửa hàng FPTshop. Như vậy, sau khi tăng thêm vỏn vẹn 3 cửa hàng hồi quý II thì đến quý III, số lượng cửa hàng của chuỗi này trở về con số cũ.

Ngay trong kế hoạch kinh doanh năm nay, HĐQT cũng không giao mục tiêu mở rộng mạng lưới cho chuỗi này. Thay vào đó, FPT Retail chủ trương sẽ thực hiện nâng cao tỷ lệ thành công và giá trị trung bình của các đơn hàng, đồng thời mở rộng thêm khách hàng liên kết. Ngoài ra, công ty này muốn đẩy mạnh bán hàng online. Trong 9 tháng đầu năm, online đóng góp tới 39% tổng doanh thu cho FPT Retail. Trong khi con số này của MWG chỉ 11%. 

Mặc dù hệ thống cửa hàng đã phủ sóng đỷ 63 tỉnh/thành từ lâu nhưng FPTshop chỉ mới tiếp cận được thị trường thành thị và các tỉnh lị. Trong khi đó, MWG đã có mạng lưới tiếp cận được hầu hết các tuyến đường chính ở các địa phương, không chỉ tỉnh lị mà còn về đến các thị trấn, trung tâm các xã.

Tuy không mở rộng mạng lưới cửa hàng phổ thông nhưng FPT Retail vẫn duy trì hoạt động được 4 cửa hàng chuyên sản phẩm Apple, F.Studio. Mô hình này có mặt tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ, mỗi thành phố có một cửa hàng. Đây cũng được xem điểm bán hàng cạnh tranh của chuỗi bán lẻ này.

F.Studio chuyên sản phẩm Apple được xem là điểm bán hàng cạnh tranh của FPT Retail. Ảnh: FRT
F.Studio chuyên sản phẩm Apple được xem là điểm bán hàng cạnh tranh của FPT Retail. Ảnh: FRT

Hàng tồn giảm mạnh trước mùa mua sắm cuối năm

Hàng tồn kho trong ngành bán lẻ là một khái niệm thú vị. Dãi số này vừa thể hiện điểm mạnh trong công tác trữ hàng, lại vừa phần nào nói lên điểm chưa hoàn thiện trong khâu bán ra. Nhưng trong giai đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đang đứt gãy, hàng tồn kho lại là vấn đề khiến nhà đầu tư lo lắng ở các doanh nghiệp bán lẻ về khả năng duy trì liền mạch lượng hàng bán, nhất là mùa mua sắm cuối năm đang đến rất gần.

Trong kỳ, hàng tồn kho của MWG cũng giảm so với đầu năm. Từ 26.195 tỷ đồng, tổng giá trị đã giảm hơn 31% về mức 18.012 tỷ đồng. Trong đó, nhóm hàng thiết bị điện tử và thiết bị di động giảm rất mạnh. Việc này dễ được giải thích khi các hãng công nghệ hầu như “im hơi” trong suốt thời gian dịch bệnh diễn ra.

Vấn đề hàng tồn đang khiến nhà đầu tư lo lắng khi mùa mua sắm cuối năm đang rất gần. Ảnh: MWG
Vấn đề hàng tồn đang khiến nhà đầu tư lo lắng khi mùa mua sắm cuối năm đang rất gần. Ảnh: MWG

Trong cuộc họp với các nhà đầu tư trong đợt cao điểm dịch vào tháng 4/2020, ông Đoàn Hiểu Em, CEO chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh từng khẳng định trong thời điểm đó doanh nghiệp vẫn chủ động được nguồn hàng.

Đến giai đoạn những tháng cuối năm, sự chủ động này vẫn sẽ được duy trì. “Ở những tháng cuối năm, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chi phí nhân công, nguyên vật liệu có thể tăng lên. Tại thời điểm đó, chúng tôi sẽ xem xét để điều chỉnh giá bán sản phẩm nếu chúng tôi nhập hàng về với giá cao hơn”, ông Hiểu Em từng lưu ý.

Trong khi hàng tồn kho của MWG chỉ giảm gần 1/3 so với cùng kỳ thì FPT Retail ghi nhận mức giảm lên tới 40,1%. Tổng giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp này vào cuối tháng 9/2020 là 2.034 tỷ đồng. Báo cáo tài chính của FPT Retail không thuyết minh rõ cụ thể mà chỉ nêu chung tổng hàng hoá tồn kho là 2.023 tỷ đồng, chiếm hơn 99%.

Về khâu đầu vào hàng hoá, điểm bán hàng cạnh tranh của FPT Retail có thể bị ảnh hưởng ít nhiều trong thời gian tới khi mảng phân phối sản phẩm Apple chính hãng có thêm “tân binh”.

Phân phối sản phẩm Apple chính hãng rất có thể chẳng còn là lợi thế của FPT Retail. Ảnh: FRT
Phân phối sản phẩm Apple chính hãng rất có thể chẳng còn là lợi thế của FPT Retail. Ảnh: FRT

Công ty Cổ phần Thế giới số (Digiworld) sẽ phân phối tất cả dòng sản phẩm của Apple tại Việt Nam. Dự kiến từ tháng 6/2020 tới cuối năm, Digiworld có thể phân phối khoảng 50.000 sản phẩm của Apple.

Ngoài ra, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp dầu khí (PET) cũng công bố trở thành đối tác phân phối uỷ quyền tất cả các dòng sản phẩm chính hãng của Apple. PET dự tính trong thời gian từ tháng 5/2020 đến tháng 8/2021 sẽ tiêu thụ khoảng 100.000 sản phẩm các loại của nhà “táo khuyết”.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương