Hồi học hệ trung cấp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam), lứa học sinh chúng tôi đều luôn ngưỡng mộ Nguyễn Cương - bởi sự khỏe khoắn của một người có vóc dáng thư sinh cao ráo và mái tóc xoăn bồng nhẹ, cùng phong độ khá lãng tử, pha chút phớt đời - nét đặc trưng của những gã trai ở vùng gốc quê luôn được đón sớm những làn gió biển ầm ào nơi đất Cảng Hải Phòng.
Nhưng trái với vẻ ngoài đó, Nguyễn Cương - chàng sinh viên lớp trưởng khi ấy - lại khá lành hiền, luôn thân thiện với mọi người, luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật, bởi cái vốn năng khiếu bẩm sinh hát múa hay và thạo văn thơ. Căn tính yêu thương dễ mến đó đã theo họa sĩ/cựu binh Nguyễn Cương suốt cuộc đời cho tới khi ông rời cõi trần.
Họa sĩ Nguyễn Cương có vẻ mặt đậm chất lãng tử của một người có nhiều trải nghiệm. |
Họa sĩ Nguyễn Cương (tên đầy đủ là Nguyễn Văn Cương) sinh năm 1943 tại Hải Phòng trong một gia đình thợ thuyền nghèo, sống ở khu Dư Hàng Kênh. Thuở nhỏ đi học ở quê nhà, rồi tới năm 1962 nhập ngũ, gắn bó với binh chủng thông tin. Năm 1968, được sự động viên của người bạn, Nguyễn Cương bắt đầu đến với hội họa với các ký họa về cuộc sống bình dị xung quanh.
Ngay năm sau đó, Nguyễn Cương đã được cử đi học chính quy về hội họa tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, khóa 13 (1969 - 1974), và bài thi tốt nghiệp đạt cấp độ thủ khoa chính là bức tranh sơn mài “Xưởng đóng tàu Hải Phòng”, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Đức Nùng - một trong những bậc thầy về tranh sơn mài. Tác phẩm này đã được chọn vào bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, được xếp vào di sản của xu hướng nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đồng thời tạo nên tên tuổi của Nguyễn Cương trong giới mỹ thuật.
Tác phẩm "Xưởng đóng tàu Hải Phòng" đã làm nên tên tuổi của họa sĩ Nguyễn Cương. |
Sự độc đáo của “Xưởng đóng tàu Hải Phòng” ở chỗ: Tuy bức tranh được vẽ với kích thước trung bình - khổ tranh thường thấy ở các bài thi trong nhà trường, nhưng lại toát lên vẻ đẹp thực hào hùng khung cảnh công nhân lao động công nghiệp, mang dấu ấn xu hướng hội họa hiện thực hàn lâm. Đồng thời, tác giả cũng không đi theo xu hướng thể hiện quen thuộc của các tác giả vẽ tranh sơn mài thường sử dụng những màu mạnh như đỏ, vàng, đen; mà ngược lại, đã mạnh dạn “biến tấu” thành một hòa sắc dịu êm hơn, nhưng vẫn đủ để diễn tả những khối hình hoạt động công nghiệp vững chắc và giản dị, đầy sức gợi cảm.
Dù được thể hiện bằng chất liệu nào, tạo hình trong tranh Nguyễn Cương đều chắc khỏe. |
Sau khi tốt nghiệp đại học, Nguyễn Cương trở lại quân ngũ, là trợ lý hội họa Phòng Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Thông tin - vừa sáng tác, vừa làm công tác phong trào (mở các lớp huấn luyện hội họa quần chúng). Nhịp quân hành của Nguyễn Cương đã đặt chân tới nhiều vùng đất của tổ quốc, tới nhiều đơn vị bộ đội ở trong nước và quốc tế, ghi chép được nhiều tư liệu dành cho những bố cục sáng tác lớn sau này.
Tới năm 1980, đã đánh dấu bước ngoặt trong đời họa sĩ Nguyễn Cương: Tác phẩm “Những cô gái thông tin” được tặng Huy chương Đồng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, đồng thời, ông được cử đi học cao học tại ĐH Mỹ thuật Budapest (Hungary). Tại đây, Nguyễn Cương đã có một triển lãm nhỏ và thật vinh dự cho một tài năng trẻ là toàn bộ các tranh trưng bày đã được các nhà sưu tập nghệ thuật mua hết. Sau thời gian tu nghiệp ở nước ngoài, phong cách sáng tác của Nguyễn Cương đã có sự biến chuyển trong khuynh hướng sáng tác, tân tiến hơn và có thể thấy, phong cách hội họa của ông trải dài từ hiện thực đến biểu hiện, siêu thực với sự rộng mở các chủ đề, chất liệu, cũng như cách biểu đạt.
Tác phẩm "Những cô gái thông tin" - sơn mài, sáng tác năm 1980. |
Tiếp đó, lại thêm một dấu mốc nữa đến trong đời họa sĩ Nguyễn Cương ở năm 1984: Ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Lâm - cán bộ công tác tại Cục Xuất bản (Bộ Văn hóa) và bức tranh sơn dầu “Vật kỷ niệm của một người bạn” được nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Hai người con gái của họ (Thảo Yên và Đan Sa) nay đã trưởng thành, sau khi tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Công nghiệp và ĐH Văn hóa Hà Nội.
Trong thời gian từ năm 1987 - 1989, họa sĩ Nguyễn Cương giữ chức Phó giám đốc, rồi Giám đốc Xưởng Mỹ thuật Quân đội, cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1991 với mức lương hàm trung tá. Từ đây, ông chuyên tâm sáng tác hội họa với các đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, chân dung, thiếu nữ, sinh hoạt, phong cảnh, hoa, tĩnh vật, bố cục siêu thực, bán trừu tượng và trừu tượng…
Tác phẩm "Chân dung thiếu nữ" - sơn dầu, sáng tác năm 1996. |
Trong cuộc đời nghệ thuật dài 45 năm của Nguyễn Cương, ông đã vẽ khoảng 500 bức tranh, trong đó có một số tranh sơn mài và hàng trăm tranh sơn dầu. Bên cạnh đó, ông còn sáng tác nhiều tranh tường khổ lớn và có một số thực hành về điêu khắc. Tiếc rằng, khi còn dang dở biết bao dự định trong sáng tác, thì họa sĩ Nguyễn Cương đã đột ngột ra đi vào năm 2014, ở tuổi 71. Có rất nhiều người bạn của anh đã nhận xét: Trong những họa sĩ cùng thời với anh, các hoạ sĩ quân đội, nhất là các hoạ sĩ đồng hương Hải Phòng, tính cách Nguyễn Cương cũng như nghệ thuật của anh là một chân dung đáng nhớ.
Tác phẩm "Sự thăng hoa" - sơn dầu, sáng tác năm 1997. |
Trong năm 2023, nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 80 của ông, sau 4 năm ấp ủ kế hoạch, NXB Mỹ thuật và gia đình đã phối hợp ấn hành cuốn sách hội họa “Nguyễn Cương”, song ngữ Việt - Anh, dày 150 trang. Phần nội dung do nhà phê bình nghệ thuật Quang Việt và Đan Sa - con gái hoạ sĩ Nguyễn Cương - cùng sưu tầm tư liệu để hoàn thành.
Cuốn sách "Nguyễn Cương" được ấn hành năm 2023, nhân kỷ niệm họa sĩ tròn tuổi 80. |
Trong ấn phẩm này, bà Nguyễn Thị Lâm - vợ họa sĩ Nguyễn Cương - đã chia sẻ: “Giống như hầu hết các gia đình khác ở thời kỳ bao cấp và đầu Đổi mới, bước khởi đầu của gia đình chúng tôi cũng không mấy dễ dàng. Hai đứa con gái lần lượt ra đời, lớn lên, đi học, cùng biết bao công việc, lo toan của một người chồng bộ đội và một người vợ cán bộ nhà nước - đã đòi hỏi ở chúng tôi rất nhiều cố gắng và thời gian.
Trên thực tế, có lẽ chỉ từ năm 1991, khi anh Nguyễn Cương nghỉ hưu, sau gần 30 năm phục vụ trong quân đội, anh mới thực sự có điều kiện cần thiết để đi sâu vào sáng tác.
Hạnh phúc lớn nhất đối với chúng tôi là có người chồng, người cha, người ông vừa là một họa sĩ giỏi, vừa là một người đàn ông tốt, có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Chúng tôi đã được sống cùng anh, trong thế giới tâm hồn của anh, hình và sắc trên những bức tranh của anh, và hiện vẫn đang sống hạnh phúc trong thế giới ấy, cho dù anh đã vắng mặt…”.
Tác phẩm "Múa rối nước" - sơn mài, sáng tác năm 2000. |
Và bây giờ, nhân tưởng niệm 10 năm ngày mất của họa sĩ Nguyễn Cương, vào chiều tối 24.5.2024, triển lãm "Nguyễn Cương - 10 năm hoài niệm" đã được khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 phố Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình - Hà Nội). Đây là một nghĩa cử đầy cảm động, bởi lẽ, như tâm tình giãi bày của người vợ họa sĩ, hẳn ở nơi xa ấy, họa sĩ Nguyễn Cương sẽ rất vui, vì ông đã được thỏa ước nguyện trước lúc ra đi - rằng rất mong có một triển lãm cá nhân.
Tác phẩm "Nhận thức" - sơn mài, sáng tác năm 1993. |
Triển lãm giới thiệu 84 tác phẩm thuộc nhiều chất liệu - như sơn mài, sơn dầu, ký hoạ chì, màu nước…, được họa sĩ Nguyễn Cương ghi chép, sáng tác từ năm 1970 đến 2014. Đó là những tác phẩm khi sinh thời họa sĩ yêu thích, ghi dấu những thành công trong sự nghiệp của ông. Đề tài chính trong các tác phẩm là hình tượng người chiến sĩ trong chiến đấu và lao động sản xuất. Bên cạnh đó là một số tác phẩm thể hiện nhân sinh quan của tác giả về cuộc sống, một số tranh tĩnh vật và trừu tượng.
Tác phẩm "Hội họp" - sơn dầu, sáng tác năm 1987. |
Triển lãm "Nguyễn Cương - 10 năm hoài niệm" sẽ mở cửa đến hết ngày 30.5.2024. Đây là dịp để bạn bè trong giới văn hóa nghệ thuật và người thân cùng các đồng đội trong lực lượng vũ trang và người yêu hội họa thưởng ngoạn tác phẩm và nhớ về cựu binh Nguyễn Cương - một họa sĩ tài năng, một con người hiền lành, dễ mến, cả một đời đã hết lòng vì nghệ thuật.
Hoài niệm của người con gái nuôi gốc Việt của cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac
Ngày 26/9 vừa qua, bà Anh Đào nhận tin người cha nuôi của mình - cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac từ trần qua báo chí.