Chuyên gia dinh dưỡng Jian Yuhua (Đài Loan, Trung Quốc) chia sẻ, hầu hết mọi người đều ăn và bảo quản trái cây theo thói quen, sở thích mà ít quan tâm thế nào mới thực sự đúng và tốt. “Ví dụ như có nhiều người thích cắt nhỏ trái cây ngay sau khi mua về, sau đó để ở ngoài nhiệt độ phòng hoặc bỏ vào tủ lạnh ăn dần cho ngon và tiện. Tuy nhiên, đây là thói quen làm giảm một phần dinh dưỡng cũng như tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn từ trái cây” - bác sĩ Jian nói.
Ông cũng đưa ra 4 mẹo khi ăn trái cây giúp tận dụng được tối đa dinh dưỡng nhưng ít người biết, bao gồm:
1. Cắt trái cây thành miếng lớn và ăn ngay sau khi cắt/gọt
Tốt nhất là nên chọn trái cây tươi và ăn chúng ngay sau khi cắt/gọt. Bởi vì quá trình tiếp xúc với không khí hay bảo quản kín trong tủ lạnh đều có thể làm trái cây bị thất thoát chất dinh dưỡng. Nhất là những chất dễ bay hơi, phản ứng với oxy như vitamin C hay carotenoids. Trong khi đây là nhóm chất quý, tốt cho sức khỏe. Quá trình này cũng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và giảm mùi vị của trái cây.
Không nên cắt trái cây thành miếng quá nhỏ và nên ăn ngay sau khi cắt/gọt để nhận tối đa dinh dưỡng, tránh nhiễm khuẩn (Ảnh minh họa) |
Khi cắt trái cây, bác sĩ Jian cũng lưu ý là nên cắt miếng lớn. Bởi vì có thể làm giảm khả năng tiếp xúc bề mặt với oxy và để lại nhiều vitamin hơn. Đồng thời nên sử dụng các dụng cụ sắc và sạch để cắt một cách dứt khoát.
2. Ăn trái cây kèm thực phẩm giàu protein, một số loại dầu
Một số loại trái cây có lượng đường khá cao, khiến lượng đường trong máu tăng cao sau khi ăn. Vì vậy, có thể ăn trái cây với một số thực phẩm giàu protein, chất béo lành mạnh để làm giảm chỉ số đường huyết.
Bác sĩ Jian nói thêm rằng, khi kết hợp trái cây với nguồn protein như các loại hạt dinh dưỡng, hạt ngũ cốc, hạt chi, hoặc sữa chua là tốt nhất. Bởi vừa có thể giúp kiểm soát đường huyết và duy trì cảm giác no lâu hơn do sự kết hợp giữa chất xơ và protein. Hay ăn trái cây gần, cùng lúc với một số loại dầu như dầu hạt lanh, dầu hạt nho... có thể giúp cải thiện hấp thụ các chất dinh dưỡng tan trong dầu như vitamin A, D, E, và K.
3. Nên ăn trái cây theo mùa
Nên ăn trái cây theo mùa vì chúng giàu chất dinh dưỡng tự nhiên để chống lại bệnh theo mùa. Trái cây theo mùa chín tự nhiên dưới ánh nắng mặt trời sẽ tươi, ngon, chất chống oxy hóa cao nhất. Ví dụ như vào mùa đông, cơ thể cần ăn nhiều cam quýt, chứa nhiều vitamin C hỗ trợ cơ thể chống ho, cảm lạnh. Mặt khác, các loại quả mùa hè cung cấp thêm beta-caroten và carotenoid khác giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời.
Ngoài việc trái cây đúng mùa giàu dinh dưỡng và ngon miệng hơn thì các loại trái cây trái mùa còn dễ giảm hương vị, tồn dư nhiều chất hóa học. Bởi thời tiết không phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của chúng, phải thu hái sớm, dùng nhiều thuốc trừ sâu. Trái cây trái mùa cũng thường được bảo quản bằng hóa chất hoặc bảo quản lạnh rất lâu ngày từ vụ này sang vụ khác.
4. Ăn trái cây thay vì ép nước
Một mẹo nữa khi ăn trái cây giúp nhận tối đa dinh dưỡng và giảm nguy cơ nhiễm khuẩn được bác sĩ Jian chia sẻ là nên ưu tiên ăn trái cây nguyên quả thay vì ép nước, làm sinh tố. Bởi vì quá trình nhai nuốt tác động rất lớn tới hấp thụ và tiêu hóa, chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong trái cây. Sẽ càng tốt hơn nếu chúng ta ăn miếng nhỏ, nhai chậm và nhai kỹ. Quá trình ăn trái cây nguyên quả cũng giảm bớt gánh nặng cho hệ tiêu hóa, tăng cường hấp thụ chất xơ.
Ăn trái cây tươi, nhai kỹ khi ăn là cách tận dụng tối đa dinh dưỡng đơn giản nhất (Ảnh minh họa) |
Còn quá trình ép nước dẫn đến hàm lượng chất phytochemical có lợi, chất xơ ăn kiêng thấp hơn. Ngoài ra, chất lỏng trong nước ép được hấp thụ nhanh hơn, dẫn đến những thay đổi đáng kể về lượng đường trong máu và insulin sau khi ăn so với trái cây nguyên quả. Nước ép trái cây nguyên chất có ít vitamin C, chất xơ hơn so với trái cây nguyên trái dù cùng khối lượng trái cây ban đầu.
Nguồn và ảnh: Good Morning Health, Family Doctor
Kiwi được mệnh danh là “siêu trái cây” nhưng có 6 nhóm người nên tránh xa và kỵ với 5 thực phẩm
Mặc dù là “vựa” dinh dưỡng và mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể ăn kiwi, một số thực phẩm cũng không nên kết hợp.