5 dự án hạ tầng nghìn tỷ sắp được triển khai tại Đồng Nai

Sân bay Long Thành, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP. Biên Hòa hay dự án quốc lộ ven sông Cái, đường trục trung tâm thành phố hứa hẹn tạo tiền đề phát triển cho tỉnh trong thời gian tới

Trong năm 2021, nguồn vốn để Đồng Nai đầu tư các công trình, dự án quan trọng là 44.800 tỷ đồng. Trong đó, nhiều dự án quan trọng có vốn đầu tư lớn là sân bay Long Thành, đường ven sông Đồng Nai, hương lộ 2, nâng cấp đường ĐT 763, cải tạo đường ĐT 768, chống ngập suối Cải, hệ thống thoát nước khu vực suối Nước Trong.

Công trình có vốn đầu tư lớn nhất là sân bay Long Thành, nằm trên địa bàn 6 xã gồm Long An, Bình Sơn, Cẩm Đường, Suối Trầu, Bàu Cạn, Long Phước của huyện Long Thành. Năm 2021, nguồn vốn trung ương phân bổ cho Đồng Nai 30.600 tỷ đồng để đầu tư các dự án quan trọng của quốc gia, riêng chi phí thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành là 22.800 tỷ đồng.

phoi-canh-san-bay-long-thanh-4-6486-1313-1593832640.jpg
Phối cảnh dự án Sân bay Long Thành.

Đầu tháng 1/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức phát lệnh khởi công sân bay Long Thành sáng và nhận định đây là một trong 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới.

Giai đoạn 1 dự án (2019 – 2025) được chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Miền Nam phụ trách, đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty tư vấn sân bay Nhật Bản (JAC), xây dựng 1 đường băng, 1 nhà ga và các hạng mục phụ trợ.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, khi hoàn thành xây dựng, cơ cấu phục vụ hành khách của sân bay Long Thành dự kiến gồm 80% là khách quốc tế (bao gồm cả khách quá cảnh) và 20% khách quốc nội. Còn sân bay Tân Sơn Nhất sẽ chủ yếu phục vụ các chuyến bay quốc nội.

Dự án hệ thống thoát nước (HTTN) và xử lý nước thải (XLNT) TP. Biên Hòa, với tổng mức đầu tư khoảng 6.610 tỷ đồng. Đây là dự án duy nhất trên địa bàn tỉnh hiện sử dụng nguồn vốn ODA vay từ Chính phủ Nhật Bản và thực hiện theo tiến độ hiệp định.

images2304096_7d.jpg
Trạm xử lý nước thải thuộc dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP. Biên Hòa, giai đoạn 1 tại phường Tam Hiệp. Ảnh: Báo Đồng Nai.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, giai đoạn 1 dự án đã được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) ký với Chính phủ Việt Nam Hiệp định Vay vốn ODA vào năm 2017.

Trong giai đoạn 1, dự án sẽ triển khai thi công hơn 120 km đường ống và 1 trạm XLNT công suất 39 ngàn m3/ngày đêm tại phường Tam Hiệp. Tuyến cống thu gom nước thải được đặt dọc theo đường Nguyễn Văn Trị, sau đó theo sát bờ sông Cái và đi vào trạm xử lý.

Tính đến năm 2020, Đồng Nai đã được Trung ương cấp hơn 161 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA cho dự án này.

Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 6.610 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay ODA là hơn 5,3 ngàn tỷ đồng và nguồn vốn đối ứng của UBND tỉnh là hơn 1,2 ngàn tỷ đồng. Dự án được thực hiện trong thời gian từ năm 2016 - 2026.

Dự án đường ven sông Cái có vốn đầu tư lớn thứ ba, từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản (TP. Biên Hòa) với tổng vốn đầu tư khoảng 3.960 tỷ đồng.

Cụ thể, dự án đường ven sông Cái có chiều dài gần 4,6km với vốn đầu tư gần 3.960 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng khoảng 527 tỷ đồng, bồi thường giải phóng mặt bằng 3.247 tỷ đồng, tư vấn đầu tư xây dựng 72 tỷ đồng và chi phí dự phòng 114 tỷ đồng.

Dự kiến sau khi hoàn thành, dự án đường ven sông Cái sẽ là một trong những tuyến đường trục chính của TP.Biên Hòa. Đồng thời, đường ven sông Cái cũng tạo cảnh quan, điểm nhấn cho đô thị và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Đây là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Đồng Nai dự kiến sẽ thực hiện trong 5 năm (từ 2020 -2024).

duong-ven-song-cai-16059292824321819075529.jpg
Phối cảnh dự án đường ven sông Cái.

Cũng trong giai đoạn từ 2020 - 2024, Đồng Nai sẽ xây dựng đường trục trung tâm TP. Biên Hòa đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn có tổng vốn đầu tư 3.130 tỷ đồng.

Đây là dự án nhóm A và là công trình đô thị cấp II có cầu vượt qua sông, dài hơn 5 km. Trong đó, chi phí xây dựng trên 1.500 tỷ đồng, bồi thường giải phóng mặt bằng gần 1.150 tỷ đồng, 478 tỷ đồng để dự phòng và các chi phí khác.

Ca ba dự án HTTN và XLNT, đường ven sông Cái, đường trục trung tâm TP.Biên Hòa đều do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư.

Dự án đường ven sông Đồng Nai (TP. Biên Hòa) đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu có tổng vốn đầu tư 1.290 tỷ đồng, chủ đầu tư dự án là UBND TP.Biên Hòa.

Theo quy hoạch, tuyến đường ven sông Đồng Nai rộng từ 19 - 34 mét, dài hơn 5 km nằm trên địa bàn phường Bửu Long. Hai bên đường được quy hoạch đất dự án, đất thương mại dịch vụ, giáo dục, đất ở, đất cây xanh,…

Năm 2021, tỉnh sẽ bố trí khoảng 494 tỷ đồng để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và khởi công xây dựng.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh kỳ vọng 4 trong 5 dự án lớn trên nằm ở TP. Biên Hòa nên khi hoàn thành có thể tạo điểm nhấn cho đô thị loại I, góp phần phát triển các dự án bất động sản, thương mại dịch vụ và bảo vệ môi trường.

THUẬN TIỆN