7-Eleven bán bánh mì Việt Nam tại Nhật Bản, giá 80.000 đồng một ổ

Hệ thống cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tại Nhật Ban đã bán bánh mì Việt Nam với giá gần 80.000 đồng/ổ.

Cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản đang rất hào hứng khi hệ thống cửa hàng thực phẩm hàng đầu nước này 7-Eleven thêm bánh mì vào menu chính thức. Được biết, bánh mì được 7-Eleven bán kể từ ngày 5/8 vừa qua.

7-Eleven là chuỗi cửa hàng tiện lợi nổi tiếng thế giới, thuộc sở hữu của Seven & I Holdings Group (Nhật Bản). Tính đến cuối năm 2016, thương hiệu này đã có mặt tại 17 quốc gia với 61.500 cửa hàng. Trong đó, tại quê nhà, chuỗi này có hơn 15.000 cửa hàng.

Món đặc sản đường phố của Việt Nam được hệ thống cửa hàng tiện lợi này bán với giá 356 yên Nhật (khoảng 78.000 đồng) một ổ. 7-Elenven miêu tả: “Đây là một loại bánh mì Việt Nam kết hợp nhân pate, dưa góp (củ cải, cà rốt), thịt heo, thịt gà, rau mùi”.

7-Eleven dùng đúng tên “bánh mì” trên menu của hệ thống, nhưng được phiên âm ra Nhật ngữ. Hiện tại, chỉ có riêng tại tỉnh Yamanashi bán bánh mì. Đại diện 7-Eleven cho biết, sắp tới sẽ mở rộng ra phạm vi toàn nước Nhật sau giai đoạn thử nghiệm.

7-Eleven dùng hẳn tên
7-Eleven dùng hẳn tên "bánh mì" trên menu. Ảnh: 7-Eleven

Chị T. Uyên, sống gần Kanagawa, tỏ ra rất hào hứng. “Mỗi năm, tôi đều chờ đến lễ hội ẩm thực Việt Nam được tổ chức tại Kanagawa mới có thể ăn được bánh mì quê nhà. Thật sự đi xa mới cảm thấy bánh mì nước mình ngon đến mức nào”, chị chia sẻ.

Chị Uyên cũng mong 7-Eleven sớm đưa bánh mì vào menu của toàn hệ thống,. Khi đó, chị chỉ cần đi bộ vài phút là có thể mua bánh mì ăn ngay.

Theo ý kiến của nhiều du học sinh Việt, mức giá 78.000 đồng/ổ bánh mì là khá rẻ. Tại Nhật Bản, một số quán ăn bán riêng bánh mì Việt Nam do người Việt làm chủ đã có mặt cách đây vài năm. Giá bánh mì bán ra dao động từ 550 - 700 yên Nhật (khoảng 120.000 - 150.000 đồng) cho một ổ. Vì thế, mức giá 7-Eleven đưa ra được nhiều người cho là rẻ

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến bày tỏ sự thất vọng với chất lượng bánh mì Việt Nam được 7-Eleven bán. Anh Hiếu Nghĩa, nhân viên tại một đại lý phân phối gas tại vùng Chubu, đã thử qua món ăn quê nhà tại đất khách. Anh nhận xét: “Mùi vị thật sự rất tệ. Dưa muối ăn kèm rất cứng, thịt bên trong cũng nhạt, hầu như không có gia vị gì. Đây giống như bánh mì Việt Nam được chế biến theo kiểu người Nhật thì đúng hơn”.

Còn anh N. B. Công, sống tại tỉnh Ibaraki, cảm thấy khá thất vọng. “Tôi trông chờ ăn được món ăn quê nhà nhưng đổi lại chỉ là mẫu bánh có mùi vị nhạt toẹt. Đó là điểm chung của thức ăn người Nhật. Bánh mì Việt Nam mà ít gia vị thì còn gì là bánh mì”, anh chia sẻ.

Nhiều người chưa thử qua nhưng vẫn có dự đoán mùi vị tương tự như hai ý kiến trên.

Nguyễn Tưởng, từng du học tại Nhật, không ủng hộ việc 7-Eleven bán bánh mì Việt Nam. “Mình có đọc bình luận của một số bạn đã thử qua và đều chê nhạt nhẽo. Như thế là không tốt. Người nước ngoài khi đến Nhật và dùng thử bánh mì, họ sẽ nghĩ :‘À, hoá ra tưởng bánh mì Việt Nam tưởng ngon lắm mà cũng chỉ thế này thôi sao’. Như thế thì mất hình tượng món ăn nước mình quá chứ!”, anh cho biết.

Bánh mì Việt Nam là sự kết hợp của nhiều loại nguyên liệu và gia vị. Ảnh: Instagram/Ryanfasdaholic
Bánh mì Việt Nam là sự kết hợp của nhiều loại nguyên liệu và gia vị. Ảnh: Instagram/Ryanfasdaholic

Vài năm trở lại đây, bánh mì Việt Nam dần nổi tiếng với du khách Pháp, Mỹ, Australia, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Tháng 3/2011, từ “bánh mì”, nhằm để chỉ món bánh mì kẹp thịt của người Việt Nam, đã có mặt trong từ điển Oxford. Người Mỹ thay vì gọi “Vietnamese sandwich” như trước đây, giờ chỉ dùng từ “bánh mì”.

Báo giới quốc tế không ít lần công nhận rằng bánh mì Việt Nam là một trong những thức ăn đường phố ngon nhất thế giới. Năm 2012, chuyên trang du lịch của tờ The Guardian đã bình chọn bánh mì Việt Nam thuộc 10 món ăn đường phố ngon và hấp dẫn nhất thế giới.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương