Ai thực sự muốn chiến tranh ở Trung Đông?

Trung Đông đang bùng cháy và các chủ thể cả trong khu vực lẫn toàn cầu đều không làm được gì nhiều để ngăn chặn tình trạng đổ máu này.

Các chính sách bành trướng và bá quyền của Israel ở Palestine và vùng ngoại vi của nước này đã kéo tất cả các chủ thể liên quan vào một cuộc chiến tranh khu vực. Giới lãnh đạo Israel biết rõ rằng, không một chủ thể phương Tây nào dám theo đuổi chính sách răn đe chống lại Israel. 

Ngoài ra, xét đến sự im lặng chết người của Thế giới Arập, không có thế lực nào đủ mạnh để có thể ngăn cản Israel thực hiện các hoạt động quân sự diệt chủng ở Dải Gaza và các chính sách tàn bạo của nước này ở Bờ Tây.

Mỹ chỉ nói suông về cuộc xung đột, trong khi họ cung cấp sự ủng hộ vô điều kiện cho Israel. Mặc dù các quan chức Mỹ tuyên bố rằng họ không ủng hộ một số phát biểu phân biệt chủng tộc của các quan chức Israel, việc Israel nhắm mục tiêu vào trẻ em và phụ nữ không có khả năng tự vệ và các vụ giết người hàng loạt vô nghĩa, nhưng họ ủng hộ tất cả các chính sách của Israel. 

Washington đã gửi vũ khí công nghệ cao và thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ USD cho Israel. Họ cũng đã điều một số tàu sân bay lớn nhất của mình đến khu vực để bảo vệ Israel. Họ đã cảnh báo các nước trong khu vực rằng nếu bất kỳ quốc gia nào tấn công Israel, Mỹ sẽ bảo vệ đồng minh của mình và tham gia vào cuộc chiến mà không do dự. 

Điều đó có nghĩa là chính phủ Mỹ tiếp tục trao cho Israel "một tấm séc trống" và ủng hộ các hoạt động diệt chủng của nước này.

Ai thực sự muốn chiến tranh ở Trung Đông?- Ảnh 1.

Người Palestine kiểm tra thiệt hại tại địa điểm bị Israel tấn công. Ảnh: AFP

Xem xét quá trình bầu cử của Mỹ, không có ứng cử viên tổng thống nào phản đối các chính sách bạo lực của chính phủ Israel đối với người Palestine. Hai ứng cử viên cạnh tranh nhau nhưng đều phục vụ cho chủ nghĩa phục quốc Do Thái. 

Một mặt, mặc dù một bộ phận lớn cử tri của Đảng Dân chủ phản đối các chính sách của Israel, Kamala Harris vẫn tiếp tục đưa ra những tuyên bố ủng hộ nước này. Mặt khác, Donald Trump khẳng định rằng ông là người ủng hộ Israel mạnh mẽ nhất trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình và ông sẽ tiếp tục làm như vậy trong nhiệm kỳ tiếp theo. 

Cả hai ứng cử viên đều tin rằng họ cần sự hậu thuẫn của nhóm vận động hành lang ủng hộ Israel để đắc cử. Điều đó có nghĩa là chính sách của Mỹ đối với cuộc xung đột dường như sẽ không thay đổi.

Đối với Liên minh châu Âu (EU), họ vẫn duy trì sự ủng hộ đối với các chính sách diệt chủng của Israel. EU đã "đóng băng" dự án dân chủ, các diễn ngôn nhân quyền của mình và dừng việc tập trung vào các giá trị phổ quát. 

Các quan chức EU tiếp tục ủng hộ hoàn toàn những hành động tàn bạo của Israel đối với những người Palestine vô tội ở cả Gaza và Bờ Tây. Tương tự như Mỹ, họ cũng chỉ nói suông. Tuy nhiên, lập trường hiện tại của EU liên quan đến Palestine đã gây ảnh hưởng đến chính lục địa này. 

Trong khi nhiều người ủng hộ dân chủ ở châu Âu bắt đầu đặt câu hỏi về tinh thần của EU và mất lòng tin vào chủ nghĩa đa văn hóa, các chính sách kiên định ủng hộ Israel của EU đã góp phần làm gia tăng chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bài ngoại và bài Hồi giáo ở châu Âu. 

Ảnh hưởng nghịch lý này đã khiến chính trị châu Âu trở nên cực đoan hơn nữa và làm suy yếu lập trường của châu Âu trong cuộc chiến tranh Ukraina-Nga. Các chủ thể chính trị châu Âu, bao gồm các thể chế của EU và các nước lớn ở châu Âu như Đức và Pháp, tiếp tục đi theo bước chân của Mỹ trong cả hai cuộc xung đột.

Các cường quốc toàn cầu không phải phương Tây không thể thực hiện các chính sách hiệu quả trong cuộc xung đột Israel-Palestine và vẫn rất kín tiếng. Một mặt, Nga đang rất bận rộn với cuộc chiến chống lại Ukraina. Mặt khác, Trung Quốc tiếp tục thực hiện các biện pháp gián tiếp để đối phó đối với phương Tây.

Thế giới Arập giữ im lặng trước những hành động tàn bạo của Israel. Vì những lý do khác nhau, hầu hết các chính phủ và người dân Arập vẫn thờ ơ với cuộc diệt chủng này. Họ kiên nhẫn chờ đợi toàn bộ người dân Palestine bị diệt chủng và từ đó giúp họ thoát khỏi "gánh nặng" người Palestine. 

Ai thực sự muốn chiến tranh ở Trung Đông?- Ảnh 2.

Lệnh sơ tán của Israel, hiện bao trùm khoảng 90% lãnh thổ, đã đẩy hàng trăm nghìn người đến al-Mawasi, một dãy trại lều tồi tàn dọc bờ biển. Ảnh: Anadolu

Các quốc gia như Qatar và Algeria đang nỗ lực giải quyết tình hình, nhưng ảnh hưởng của họ bị hạn chế, khiến các nước này không thể thực hiện các chính sách có tác động lớn hơn. Tương tự như vậy, các cường quốc khu vực khác, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ, đang đấu tranh cho một sự thay đổi có ý nghĩa. 

Tuy nhiên, sự ủng hộ của thế giới Arập là điều kiện tiên quyết quan trọng cho một lệnh ngừng bắn có hiệu quả. Sự im lặng của họ tiếp thêm sức mạnh cho Israel.

Lực lượng duy nhất có thể ngăn chặn cuộc diệt chủng này và một cuộc chiến tranh khu vực quy mô lớn là lương tâm toàn cầu của con người. Không chỉ Israel mà cả những kẻ đồng lõa của họ đã phần lớn mất đi tính hợp pháp của mình. 

Cuộc intifada toàn cầu sẽ tiếp tục chống lại các chính sách vô nhân đạo của các chính phủ sở tại và bảo vệ phẩm giá con người trước các quốc gia bất hảo và các chính trị gia "côn đồ". Nếu không, một cuộc chiến tranh lớn đang chờ đợi nhân loại và cuộc chiến này có thể dẫn đến sự kết thúc của thế giới.

(Nguồn: TTXVN/Daily Sabah)

CHẤN HƯNG