Trong khi đó, Đức - quốc gia sử dụng nhiên liệu từ Nga nhiều nhất - đưa ra cảnh báo về nguồn cung khí đốt tự nhiên và kêu gọi người tiêu dùng tiết kiệm năng lượng trước dấu hiệu leo thang căng thẳng kinh tế ở châu Âu do cuộc chiến của Nga ở Ukraina.
Ba Lan là nước có kế hoạch nhanh nhất trong số các quốc gia châu Âu nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, Thủ tướng Mateusz Morawiecki cho biết.
Trước đó, vào hôm 29/3, Ba Lan cho biết họ cấm nhập khẩu than của Nga và theo Thủ tướng Morawiecki, dự kiến nhập khẩu than từ Nga sẽ kết thúc vào tháng Năm.
Ba Lan sẽ thực hiện các bước để trở nên “độc lập” với nguồn cung cấp của Nga và đang kêu gọi các quốc gia Liên minh châu Âu khác “rời xa” nguồn nhiên liệu hóa thạch của Nga. Ba Lan lập luận rằng, tiền từ xuất khẩu dầu và khí đốt đang thúc đẩy cỗ máy chiến tranh của Nga và điều đó nên dừng lại, theo Thủ tướng Mateusz Morawiecki.
Ngoài ra, Thủ tướng Morawiecki cũng kêu gọi Ủy ban châu Âu áp thuế đối với tất cả các sản phẩm hydrocacbon nhập khẩu từ Nga để làm cho thương mại ở châu Âu trở nên “công bằng” hơn.
Một nhà máy khí hóa lỏng đã được xây dựng ở Swinoujscie và hiện đang được mở rộng việc nhận hàng từ Qatar, Mỹ, Na Uy và các nhà xuất khẩu khác. Trong khi đó, một đường ống từ biển Baltic mới được xây dựng sẽ đưa khí đốt từ Na Uy vào Ba Lan sẽ được khởi động vào cuối năm nay.
Tại Đức, chính phủ đã đưa ra cảnh báo về nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên và kêu gọi người tiêu dùng tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh lo ngại rằng Nga có thể cắt giao hàng trừ khi nó được thanh toán bằng đồng RUB.
Các quốc gia phương Tây đã bác bỏ yêu cầu của Nga về việc thanh toán bằng đồng RUB và cho rằng điều đó sẽ làm suy yếu các lệnh trừng phạt áp mà phương Tây đã áp đặt đối với Moscow do cuộc chiến ở Ukraina.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết, động thái này là một biện pháp phòng ngừa vì cho đến nay, Nga vẫn đang thực hiện các hợp đồng của mình. Tuy nhiên, ông đã kêu gọi các công ty và hộ gia đình ở Đức bắt đầu giảm lượng tiêu thụ khí đốt của họ.
Ông nói với các phóng viên ở Berlin: “Đã có một số bình luận từ phía Nga rằng nếu điều này (thanh toán bằng đồng RUB) không xảy ra, thì nguồn cung cấp sẽ bị ngừng lại”. Để chuẩn bị cho tình huống này, hôm nay tôi đã kích hoạt mức cảnh báo sớm, ông nói thêm.
Ông Habeck, Bộ trưởng năng lượng kiêm phó Thủ tướng của Đức, cho biết đây là mức cảnh báo đầu tiên trong ba mức cảnh báo và yêu cầu thành lập một nhóm xử lý khủng hoảng để tăng cường giám sát tình hình cung cấp khí đốt.
Hiệp hội công nghiệp năng lượng của Đức (BDEW) đã hoan nghênh động thái của chính phủ.
“Mặc dù không thiếu nhưng tất cả những người liên quan cần có một lộ trình rõ ràng trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn”, Chủ tịch BDEW Kerstin Andreae nói.
“Điều này có nghĩa là chúng ta cần chuẩn bị cụ thể ngay bây giờ cho các giai đoạn khẩn cấp, bởi vì nếu nguồn cung bị gián đoạn thì mọi thứ phải diễn ra nhanh chóng”, ông cho biết thêm.
Liên minh châu Âu vẫn chưa thông qua lệnh cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga.
Ngoài thực tế là họ phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch từ Nga để phát triển kinh tế ra, nhiều nước thành viên và các quan chức EU lo ngại rằng lệnh cấm vận có thể phản tác dụng vì Nga có thể bán sản lượng dầu của mình cho các nước thứ ba.
Tuy nhiên, Đức, giống như các nước khác trong khối, đã thực hiện các bước trong những tuần gần đây để giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch từ Nga.
“Trung bình Đức nhập khẩu 55% lượng khí đốt từ Nga trong những năm gần đây, và con số này hiện đã giảm xuống còn 40%”, Habeck nói. Berlin đã ký kết các thỏa thuận với một số nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng LNG mới. Nguồn này sẽ được vận chuyển đến các nước châu Âu và sau đó được đưa sang Đức.
Ông Habeck cho biết, các kho chứa khí đốt của Đức hiện đang được lấp đầy khoảng 25% công suất.
Ông nói: “Câu hỏi về khí đốt sẽ tồn tại trong bao lâu về cơ bản phụ thuộc vào một số yếu tố (chẳng hạn như) mức tiêu thụ và thời tiết".
Ông nói thêm rằng, Đức đã chuẩn bị cho việc Nga ngừng cung cấp khí đốt đột ngột, nhưng cảnh báo rằng, điều này sẽ có "tác động đáng kể" và kêu gọi người tiêu dùng đóng vai trò trong việc ngăn chặn sự thiếu hụt bằng cách giảm nhu cầu.
“Chúng tôi đang ở trong một tình huống mà ở đó, tôi phải nói rõ điều này, mỗi kilowatt năng lượng tiết kiệm được sẽ giúp ích cho bạn. Và đó là lý do tại sao tôi muốn kết hợp việc kích hoạt mức cảnh báo với việc kêu gọi các công ty và người tiêu dùng giúp đỡ Đức, giúp Ukraina, bằng cách tiết kiệm khí đốt hoặc năng lượng nói chung”, ông Habeck nói.
Mức cảnh báo thứ hai sẽ yêu cầu các công ty trong ngành khí đốt thực hiện các biện pháp cần thiết để điều tiết nguồn cung. Mức cảnh báo thứ ba đòi hỏi sự can thiệp hoàn toàn của nhà nước vào thị trường khí đốt để đảm bảo rằng những người cần khí đốt nhất - chẳng hạn như bệnh viện và các hộ gia đình tư nhân - nhận được nó, Habeck cho biết.