Bác sĩ Israel đính chính không tham gia tư vấn phòng chống dịch covid-19 ở Việt Nam

Vị bác sĩ người Israel này cũng cho biết ông không có chủ ý đánh bóng tên tuổi hay quảng cáo cho phòng khám riêng.

Ngày 3/3, Bộ Y tế cho biết đã nhận được bức thư của bác sĩ Rafi Kot người Israel. Ông là nhân vật từng được bài báo What Israel Can Lear from Vietnam on How to Beat the Coronavirus của tờ Haaretz nhắc đến với vai trò quan trọng trong việc tư vấn cách phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam.

Trong thư bác sĩ Rafi Kot ghi:

"Tôi muốn giải trình và xác nhận lại cụ thể như sau:

Bài phỏng vấn được thực hiện qua điện thoại bằng tiếng Do Thái từ Israel về Việt Nam (trong điều kiện đường truyền không được ổn định). Dẫn đến việc tiếp nhận không chính xác một vài thông tin trong nội dung đã được đăng tải. Ngoài ra, nhà báo đã không gửi nội dung để tôi kiểm tra trước khi đăng tải.

Tôi chưa bao giờ phát biểu rằng tôi tham gia tư vấn phòng chống dịch COVID-19 cho các cơ quan chức năng chuyên môn.

"Tôi trân trọng biết ơn sự hỗ trợ, hướng dẫn và lãnh đạo của Bộ Y tế trong giai đoạn dịch bệnh và thành thật gửi lời xin lỗi đến Quý Bộ về những thông tin sai lệch đã xảy ra".

Theo ông Rafi, mục đích ông nhận phỏng vấn là muốn bày tỏ sự tôn trọng và biết ơn các đồng chí lãnh đạo Việt Nam đang đương đầu trong công tác phòng chống dịch và các nước khác nên học hỏi cách làm của Việt Nam.

Thư của bác sĩ Rafi Kot thông tin về bài báo.
Thư của bác sĩ Rafi Kot thông tin về bài báo.

Ông Rafi Kot cho biết đã liên hệ với người viết bài báo và yêu cầu đính chính lại thông tin, đồng thời phải giải trình rõ ngữ cảnh của lời phỏng vấn. Thông tin chính xác phải là ông đã theo sát và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam, chứ không phải với vai trò cố vấn như bài báo đề cập tới.

Trước đó, tờ Haaretz của Israel từng viết ông Rafi có "vai trò bất ngờ như người đưa ra quyết định chủ chốt trong những nỗ lực đối phó với virus corona ở Việt Nam". Điều này gây ra hiểu lầm nghiêm trọng. Trong khi đó, Bộ Y tế khẳng định không tham vấn ý kiến của bác sĩ này mà là tham vấn ý kiến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Dự phòng và kiểm soát dịch bệnh của Hoa Kỳ (US CDC).

Đây là 2 tổ chức với 120 chuyên gia làm việc tại Việt Nam từ nhiều năm, thường xuyên và liên tục phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin trong về dịch bệnh.

Bài báo được đăng tải trước đó của trang Haaretz.
Bài báo được đăng tải trước đó của trang Haaretz.

Bộ Y tế cũng khẳng định có lắng nghe ý kiến của cá nhân, tổ chức nhưng không mời một cá nhân hay tổ chức nào làm cơ quan tư vấn trong quá trình phòng chống dịch covid-19.

Việt Nam có 16 ca mắc virus covid-19, tất cả đã được chữa khỏi và ra viện, không ghi nhận ca nhiễm mới từ ngày 13/2. HIện Việt Nam đang cách ly 75 trường hợp nghi nhiễm (trong đó: số mới trong ngày: 48, số cũ đang theo dõi, cách ly: 27).

Thanh Mai

Những dịch bệnh lớn nhất lịch sử nhân loại đến nay vẫn chưa có lời giải đáp

Những dịch bệnh lớn nhất lịch sử nhân loại đến nay vẫn chưa có lời giải đáp

Nghiên cứu lịch sử các dịch bệnh là cơ hội xác định các yếu tố điều kiện gây ra dịch để hỗ trợ cho ngăn ngừa dịch cho tương lai.