Bác sĩ Nhật Bản hướng dẫn “Thuật thôi miên trong giao tiếp” qua sách

Cuốn sách “Thuật thôi miên trong giao tiếp” sẽ hướng dẫn bạn những kiến thức và kỹ năng sử dụng tiềm thức để đạt thành công trong việc giao tiếp. Đồng thời, xây dựng các mối quan hệ trên nền tảng gầy dựng thiện cảm, giúp bạn trở nên “hay ho” trong mắt mọi người.

Khi phần lớn thời gian trong ngày, chúng ta sinh sống và làm việc bằng tiềm thức nhiều hơn là ý thức. Chẳng hạn, mỗi ngày, chúng ta không phải dụng công suy nghĩ cho những việc như lái xe đến cơ quan, pha một tách cà phê vào buổi sáng. Hay giờ tan ca, trên đường đi về, nếu ta gặp chuyện gì khó chịu thì tâm trạng hôm đó sẽ xấu đi. Dù trong đầu cố nghĩ chuyện đằng nào cũng xảy ra rồi nhưng trong lòng vẫn cảm thấy bực bội… Tại sao lại như vậy? Đó là vì tiềm thức chúng ta đang “cầm vô-lăng” điều khiển mọi thứ.

Tiềm thức tồn tại một cách “âm thầm” bên dưới vỏ bọc những ý thức thông thường của con người, giống như phần chìm của tảng băng trôi. Tiềm thức là chìa khóa đem đến thành công trong giao tiếp. Những người giao tiếp giỏi là người đã hiểu và thông thạo những cách thức hoạt động của tiềm thức thông qua những trải nghiệm của bản thân và cuộc sống.

Vấn đề đặt ra là, việc ta tiếp cận tiềm thức như thế nào mới phù hợp? Có một phương pháp để thực hiện việc này, đó chính là cách thức thôi miên. Khi nhắc đến thôi miên và tiềm thức, thoạt nghe, nhiều người sẽ liên tưởng đến những “trò bịp” trên truyền hình, phim ảnh… Nhưng trên thực tế, thôi miên được sử dụng thường xuyên và là công cụ hữu ích trong việc tác động trực tiếp lên tiềm thức con người.

Cuốn sách thuật thôi miên trong giao tiếp. 
Cuốn sách thuật thôi miên trong giao tiếp. 

Là một bác sĩ trị liệu và một nhà nghiên cứu về thôi miên trị liệu, Hiroyuki Ishii đã trình bày các vấn đề thôi miên theo trật tự logic, dẫn chứng ví dụ minh họa dễ hiểu… Từ đây, độc giả nhận ra kiến thức về “thôi miên”cũng có thể dễ “thẩm thấu”. Trước hết, tác giả đã lần lượt điểm qua các kiến thức cơ bản một cách ngắn gọn mà đầy đủ: Hoạt động của tiềm thức, ý thức, bản chất của thôi miên…

Tiếp đến, tác giả phân loại cho người đọc hai kiểu người chính: Người thiên về cảm giác cơ thể (Physical) và người thiên về lý trí, logic (Emotional). Từ đây, Hiroyuki Ishii gợi mở cho độc giả cách xây dựng thiện cảm, giúp bạn trở nên “hay ho”, là tuýp người dễ mến trong mắt mọi người. Phần cuối quyển sách mở ra nội dung trọng tâm, tổng hợp các kỹ thuật thôi miên để giúp bạn đạt hiệu quả giao tiếp trong các mối quan hệ xã hội.

Dựa vào những chứng cứ khoa học, những trải nghiệm từ chính bản thân và vô số những trường hợp bệnh nhân mà vị bác sĩ Hiroyuki Ishii tiếp xúc và trị liệu tâm lý, tác giả đã đưa ra kết luận rằng: “Trạng thái bị thôi miện diễn ra thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày. Và cũng chính vì vậy mà không ai nhận ra”.

Có thể bạn chưa tin, và không cam tâm tin rằng chính bản thân mình thường xuyên bị dẫn dắt thôi miên. Bạn còn đang lấn cấn thôi miên là vấn đề xa vời với cuộc sống đời thường. Nhưng chính những suy nghĩ nghi ngờ đó, đã khiến bạn đôi lần bị dẫn dắt thôi miên lúc nào không hay biết.

Trong “Thuật thôi miên trong giao tiếp”, vị bác sĩ đã giải mã cơ chế hoạt động của thôi miên chỉ đơn giản là cách thức làm tập trung tất cả các suy nghĩ đang phân tán ở nhiều nơi thành một điểm tập trung nhất định. “Dù những “trò thôi miên” trên truyền hình cố tỏ ra thần bí như thế nào thì về bản chất, thôi miên vẫn là một hiện tượng phổ biến trong cuộc sống. Đó có thể, một lần khi bước vào rạp chiếu phim, chúng ta sẽ bị phân tán sự chú ý vào những điều xung quanh như, rác bừa bãi khắp nơi, đệm ghế cứ xê dịch, người ngồi phía sau cứ đá vào thành ghế của bạn… Thế nhưng, một khi phim đã bắt đầu chiếu, những mối quan tâm như rác, ghế ngồi… đều sẽ tự nhiên biến mất và ta sẽ chú tâm vào màn ảnh. Hay trước giờ G diễn ra sự kiện âm nhạc, bạn sẽ đi loanh quanh tìm thức ăn, nước uống. Bỗng trên sân khấu xuất hiện ngôi sao nổi tiếng, bạn sẽ bỏ dở món đang ăn, nước đang uống để tập trung vào phần trình diễn của ngôi sao đó…”, Hiroyuki Ishii giải thích.

Lần giở những trang sách, độc giả sẽ tự nhận ra các kỹ thuật thôi miên đều rất đơn giản đến bất ngờ và đầy thú vị, không khó luyện tập. Tuy vậy, để có thể thôi miên giao tiếp với người khác, tác giả nhấn mạnh, người đọc cần phải có sự tự tin về bản thân cũng như quan tâm chân thành đến đối phương. Thực ra, một người có đủ hai yếu tố trên đã có thể được đánh giá là giao tiếp tốt. Nhưng không thể phủ nhận rằng, thôi miên chính là vũ khí lợi hại, đẩy nhanh quá trình chinh phục người khác, hoàn thành công việc; thậm chí nhờ nó mà bạn thấu hiểu, phát triển bản thân.

Tất cả chúng ta đều có thể trở thành những chuyên gia giao tiếp khi chúng ta nắm được quy tắc này. Đó là con người là những cá thể độc lập và mọi người cần giao tiếp thông qua ngôn ngữ để thấu hiểu, thông cảm nhau. Bạn không thể trốn tránh giao tiếp và nên gạt bỏ suy nghĩ “không cần nói rõ mà đối phương phải tự hiểu”. Với quyển sách này, hãy bắt đầu, từng bước một, rồi bạn sẽ thành thục trong giao tiếp, như tác giả đã từng khuyên nhủ: “Đừng sợ hãi, đừng giận dữ, đừng vội vàng, cũng đừng đè nén cảm xúc, mà hãy bình tĩnh nói lên suy nghĩ của bản thân”. Một thông điệp chân thành của bạn sẽ là chìa khóa mở cửa tâm trí bất kỳ ai, giúp giao tiếp và kết nối hiệu quả các mối quan hệ xã hội trong công việc lẫn cuộc sống…

Hiroyuki Ishii sinh năm 1963 tại Tokyo. Ông là một bác sĩ trị liệu và nhà nghiên cứu về thôi miên trị liệu. Các buổi hội thảo của ông về thôi miên trị liệu và tư vấn tâm lý rất được công chúng Nhật Bản đón nhận. Các tác phẩm thành công của ông có thể kể đến như: Chương trình động lực tháng Sáu, Thuật đọc nguội (cold reading)…

NGUYÊN KHÔI

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương