Bản đồ số hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn

SOSmap - ứng dụng giúp kết nối giữa những người có hoàn cảnh khó khăn với những người có khả năng hỗ trợ có thể "tìm thấy nhau" giữa mùa dịch.

SOSmap.net - là bản đồ cứu trợ giúp định vị vị trí những nơi đang cần giúp đỡ khẩn cấp, được Công ty TNHH Công nghệ XTEK cùng Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Viện Khoa học Công nghệ Phát triển Nông nghiệp nông thôn hợp tác phát triển.

Ứng dụng SOSmap.net khá đơn giản, được chia làm 2 nhóm đối tượng: nhóm muốn nhận và nhóm muốn cho.

Nhóm muốn nhận - Nhóm này được hiển thị trên bản đồ bằng những điểm màu đỏ: Những người dân đang gặp khó khăn có thể “kêu cứu” bằng cách đăng thông tin trực tiếp trên app về các nhu yếu phẩm mong muốn được nhận như: thực phẩm (gạo, mì, sữa, trứng, rau củ…), áo quẩn, khẩu trang, đồ bảo hộ và ghi chú rõ số lượng muốn nhận, số người cần được giúp đỡ... 

Những điểm màu đỏ hiển thị trên bản đồ định vị đại diện cho những trường hợp cần được hỗ trợ. Ảnh: Sosmap.net
Những điểm màu đỏ hiển thị trên bản đồ định vị đại diện cho những trường hợp cần được hỗ trợ. Ảnh: Sosmap.net

Đội ngũ SOSmap sẽ dựa vào thông tin người cần hỗ trợ cung cấp, tiến hành gọi điện xác minh, tìm hiểu rõ nhu cầu thực tế của người nhận, rồi cử tình nguyện viên đưa đồ đến địa điểm cần thiết. Người đã được nhận hỗ trợ sẽ được cập nhật lên ứng dụng bằng những điểm màu xanh lá cây.

Nhóm muốn cho: Những nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện muốn đóng góp nhu yếu phẩm, phương tiện vận tải, quà tặng, tiền mặt cho bà con có thể đăng thông tin lên app. Nhóm này được hiển thị trên bản đồ bằng những điểm màu cam, tổng đài điều phối sẽ dựa vào thông tin người muốn cho cung cấp để liên hệ, tiếp nhận và trao đến cho những bà con đang cần.

Hiện SOSmap đã định vị trên phạm vi cả nước, giúp kết nối nhiều trường hợp gặp khó khăn với nhà hảo tâm.

Tại TP.HCM, SOSmap hiện đã thiết lập được đội ngũ gồm 4 quản trị viên, 21 tổng đài viên phụ trách liên hệ, hơn 70 TNV hỗ trợ nhận hàng và phân phối. Trong vòng nửa tháng, kể từ khi bắt đầu hoạt động đến ngày 7/8, ứng dụng đã hỗ trợ được tổng cộng 625 điểm, mỗi điểm trung bình từ 10 - 20 hộ dân. 

Tại Hà Nội, nhóm phát triển SOSmap.net đang trong giai đoạn chờ xin cấp phép cho các tình nguyện viên đi lại trong Hà Nội, lực lượng tình nguyện viên ở Hà Nội cũng còn mỏng nên chưa thể hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn tại đây.

Sau khi biết tìm hiểu về SOSmap, Chị Huyền – một nhà hảo tâm đã tự tìm kiếm thông tin của các trường hợp khó khăn tại khu vực Hà Nội trên bản đồ để giúp đỡ.

Mình tìm thông tin người cần hỗ trợ trên Sosmap.net và tự gọi điện để tìm hiểu nhu cầu thực tế của mọi người hoặc hỏi thêm một số thông tin như: ngoài những nhu yếu phẩm mọi người đã đăng ký trên app thì cần hỗ trợ gì thêm (bỉm, sữa, lạc, ruốc…) không? Sau khi đã có thông tin, mình tổng hợp trên file excel để nắm được số lượng nhu yếu phẩm mình cần chuẩn bị. Căn cứ vào số lượng các nhu yếu phẩm của bạn bè mình đăng ký gửi tới cũng như file tổng hợp nhu cầu của người nhận, mình sẽ cân đối và mua thêm cho đủ số lượng cần thiết.”

Tại Hà Nội, SOSmap chưa có đội ngũ điều phối, nên chị Huyền tập kết những nhu yếu phẩm như: gạo, mì, trứng, sữa, rau củ… tại Ecopark (Hưng Yên). Do không thể trực tiếp vào nội thành, chị vận chuyển đồ tới chốt giao ở khu vực Đa Tốn và nhờ anh Quang (bạn chị Huyền) vận chuyển từ Đa Tốn tới kho của đơn vị giao nhận Snappy. Và Snappy sẽ giao đồ đến những địa điểm người cần hỗ trợ theo thông tin chị Huyền đã ghi lại. Mặc dù gặp một số khó khăn như: Snappy không nhận đơn hàng quá to và cồng kềnh, một vài đơn bị giao trễ khiến rau bị hỏng, không thể gửi thực phẩm tươi sống… nhưng trong đợt kêu gọi đầu tiên, chị và những người bạn cũng đã hỗ trợ được được hơn 20 trường hợp khó khăn trong nội thành.

Chị Huyền và những người bạn tại KĐT Ecopark đang phân chia và xếp đồ hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong nội thành Hà Nội ngày 5/8. Ảnh: Facebooker Huyền Machi
Chị Huyền và những người bạn tại KĐT Ecopark đang phân chia và xếp đồ hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong nội thành Hà Nội ngày 5/8. Ảnh: Facebooker Huyền Machi

Chị chia sẻ: “SOSmap là một mô hình rất hay, ai cần thì có thể trực tiếp kêu cứu hoặc kêu gọi giúp đỡ cho những người xung quanh. Người muốn cho cũng có được thông tin cụ thể của từng trường hợp để tự tìm hiểu, xác thực hỗ trợ mà không bị “chồng chéo”, khiến người thì được nhận nhiều quá, người lại không được hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, ứng dụng cũng còn có một số lỗi như việc cập nhật địa điểm đã được hỗ trợ còn chậm. Mình cũng đã liên hệ với SOSmap, đưa đề xuất những trường hợp nào đã được hỗ trợ rồi thì nên xóa định vị trên bản đồ. Hi vọng SOSmap sẽ phổ biến hơn để ai cần giúp đỡ cũng có thể lên tiếng, ai cần giúp cũng sẽ được giúp. Nếu bạn không biết dùng điện thoại thông minh, chỉ cần gọi 19006448, các bạn tình nguyện viên sẽ cập nhật lên website giúp bạn."

Chuyến xe chất đầy nhu yếu phẩm thiết yếu do nhóm thiện nguyện của chị Huyền gửi tới người cần hỗ trợ trong vùng dịch. Ảnh: Face booker Huyền Machi
Chuyến xe chất đầy nhu yếu phẩm thiết yếu do nhóm thiện nguyện của chị Huyền gửi tới người cần hỗ trợ trong vùng dịch. Ảnh: Face booker Huyền Machi

Do nhận thấy vẫn còn rất nhiều trường hợp cần giúp đỡ nên ngày 8/8 chị Huyền sẽ tổ chức một chuyến hỗ trợ nữa. Đợt này chị sẽ không tập trung hỗ trợ tại các khu phong tỏa như Chương Dương, Ngọc Hà mà sẽ mở rộng ra các khu vực khác bởi những khu vực đó đã có rất nhiều nhóm thiện nguyện hỗ trợ. Còn tại những vùng tưởng chừng như rất ổn, lại có những trường hợp bị bỏ quên.

Đại diện phát triển ứng dụng SOSmap chia sẻ, nhóm cũng đã rất nỗ lực để hoàn thiện dần ứng dụng này trong thời gian ngắn nhất: "trong vòng 3 ngày để làm xong các chức năng đầu tiên với Golive, đến nay hơn 2 tuần nhóm vừa chạy vừa update các chức năng của ứng dụng".

Hiện tại nhóm phát triển ứng dụng đã xây dựng thêm tính năng hỗ trợ người xung quanh bạn. “Những người ở gần có thể tự hỗ trợ và báo cáo lên map để xác thực." , đại diện SOSmap cho biết. Tại những vùng chưa có đội ngũ điều phối của SOSmap, các nhóm thiện nguyện khác cũng có thể sử dụng SOSmap như một nền tảng để tham gia hỗ trợ như nhóm chị Huyền đã và đang thực hiện.

Diệu Thuần (t/h)

Ứng dụng công nghệ hỗ trợ tích cực cho công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19

Ứng dụng công nghệ hỗ trợ tích cực cho công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19

Những ứng dụng công nghệ hỗ trợ ngăn chặn dịch bệnh lây lan, giáo dục, cảnh báo, trao quyền giúp người dân chủ động trong việc phòng chống dịch bệnh COVID-19.