Trong những đợt bùng phát dịch Covid-19, đã có rất nhiều mô hình thông minh, mới mẻ ra đời nhằm hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, những đối tượng yếu thế vượt qua cơn bĩ cực. Những mô hình tiêu biểu và thành công có thể kể tới như: ATM gạo, ATM Oxy, Siêu thị 0 đồng, Bản đồ hỗ trợ người khó khăn, Tủ lạnh cộng đồng…
1. ATM Gạo
Chiếc máy “ATM Gạo” xuất hiện lần đầu tiên tại địa chỉ 204B đường Vườn Lài, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh vào tháng 4/2020. Chiếc máy do anh Hoàng Tuấn Anh - CEO Công ty PHGLock (Q.Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) tận dụng máy móc có sẵn của công ty chế tạo, với mục đích hỗ trợ hỗ trợ người lao động nghèo, khó khăn do dịch COVID-19.
Chiếc máy hoạt động như cây ATM, chỉ cần nhấn nút, gạo sẽ tự động tuôn ra, mỗi lần được 1,5kg gạo. Số gạo này đủ cho 2-3 người ăn trong khoảng 1 tuần.
Một địa điểm đặt ATM phát gạo miễn phí cho người nghèo tại TP.HCM |
Tại địa điểm đặt máy ATM gạo còn được thiết kế thêm các khu vực đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và các làn đường riêng cho từng người. Các lực lượng như: Đoàn viên, thanh niên trên địa bàn quận có nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ để đảm bảo khoảng cách giữa những người đến nhận gạo.
Bên cạnh đó, còn có những khu vực ưu tiên nhận gạo mà không phải xếp hàng dành cho người già yếu, người khuyết tật và phụ nữ mang thai ở phía trước cổng và bố trí nước uống phục vụ cho người dân khi đến nhận gạo.
Sau khi ra đời, “ATM gạo” đã được người dân đồng lòng hưởng ứng còn các mạnh thường quân khắp nơi đã tích cực chở gạo tới hỗ trợ người nghèo.
Tính đến tháng 6/2021, anh Hoàng Tuấn Anh đã triển khai 100 cây “ATM gạo”, đặt ở nhiều tỉnh, thành Việt Nam và cả nước ngoài như Campuchia, Myanmar, Đông Timor… Đồng thời huy động hơn 3.000 tấn gạo giúp đỡ người dân khó khăn.
Mới đây, anh Hoàng Tuấn Anh đã cải tiến “ATM gạo” cố định thành lưu động (đặt chiếc máy “ATM gạo” này trên xe bán tải) nhằm đưa “ATM gạo” đến được với nhiều người hơn, kể cả những khu phố, con hẻm nhỏ, đồng thời giảm bớt tụ tập, xếp hàng.
2. ATM Ôxy
Ngày 2/8 vừa qua, anh Hoàng Tuấn Anh – cha đẻ ATM gạo cùng với nhóm tình nguyện viên PHGSmarthome và Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Thành đoàn TP.HCM bắt đầu triển khai thêm mô hình “ATM Oxy” tại TP.HCM.
Với thông điệp “Trao oxy-nối dài sự sống”, ATM - Oxy hoạt động theo phương thức: cung cấp máy oxy, bình oxy hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe cho hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế được thuận lợi hơn, giúp bệnh nhân đang điều trị Covid-19 sớm hồi phục.
Thời gian tiếp nhận thông tin của người bệnh sẽ liên tục 24/24, nhưng việc vận chuyển tới nhà người bệnh chỉ được các tình nguyện viên thực hiện từ 8h sáng đến 17h hàng ngày, cũng tuân theo thời gian thành phố cho phép ra đường.
Đội ngũ tình nguyện viên của Thành Đoàn tham gia hỗ trợ giao bình oxy đến tận nơi cho người dân bất kể ngày đêm. |
“ATM-Oxy cũng triển khai đổi bình oxy miễn phí tại nhà cho bệnh nhân, các F0; hỗ trợ đổi bình oxy miễn phí cho các bệnh viện; cho các bệnh viện mượn máy thở”, anh Tuấn Anh khẳng định.
Hiện nay, một số trạm ATM-Oxy đặt trụ sở của quận đoàn tại 6 quận, huyện đã đi vào hoạt động: quận 7, quận 8, quận 9, quận Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Trong thời gian tới, nhóm tình nguyện viên PHGSmarthome sẽ cùng Thành đoàn TP.HCM lập trạm ATM-Oxy miễn phí tại tất cả quận, huyện và TP. Thủ Đức. Hội doanh nhân trẻ sẽ đứng ra huy động 900 bình oxy.
Ngoài việc hỗ trợ bệnh nhân, các F0 tại nhà, trong giai đoạn 2, ATM-Oxy dự định hỗ trợ đổi bình oxy miễn phí cho các bệnh viện với số lượng dự kiến là 5.000 đến 10.000 bình.
Giai đoạn 3, ATM-Oxy có thể hỗ trợ các tỉnh thành khác trên cả nước.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) đánh giá: việc triển khai mô hình ATM- Oxy này là rất tốt, giúp cho người bệnh trong trường hợp cấp thiết khi họ chưa kịp đến các cơ sở y tế hoặc lực lượng y tế chưa thể tiếp cận.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cần phải có nhân viên y tế đi kèm để thực hiện các thao tác y tế trong việc hỗ trợ người bệnh lắp hệ thống oxy thở và kiểm tra hoạt động.
Siêu thị 0 đồng
“Siêu thị 0 đồng” xuất hiện đầu tiên vào tháng 4/2020 tại Hà Nội. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình Siêu thị Hạnh phúc 0 đồng trên cả nước (gồm tám siêu thị ở Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Huế, Phú Yên), do Tập đoàn Apec Group và Quỹ Khai trí đứng ra tài trợ để chung tay hỗ trợ cộng đồng đẩy lùi dịch Covid-19.
Đến với siêu thị đặc biệt này, mỗi người dân có hoàn cảnh khó khăn sẽ được lựa chọn năm sản phẩm khác nhau như: gạo, đường, lạc, nước mắm, muối, dầu ăn, thuốc men... với tổng giá trị cho mỗi lần “mua sắm 0 đồng” là 100.000 đồng. Mỗi người được mua tối đa 2lần/tuần. Đơn vị triển khai đã tiến hành ghi số chứng minh thư, địa chỉ… nhằm bảo đảm không có tình trạng lấy hàng về nhà rồi lại quay lại xếp hàng lấy tiếp. Đồng thời sàng lọc các trường hợp đặc biệt khó khăn để giúp đỡ.
Mỗi mặt hàng đều được đề giá tượng trưng dao động từ 15.000 – 40.000 đồng, và được đơn vị tổ chức tính toán làm sao, mỗi người có thể mua được đồ dùng cần thiết trong giới hạn 100.000 đồng/người. Trong đó, có những chiếc quần, áo có mức giá cả trăm nghìn đồng nhưng vẫn được đề giá rất thấp, để bảo đảm bất cứ ai cũng có thể lấy được thêm 1-2 đồ nhu yếu phẩm khác như dầu ăn hay bột canh.
Người có hoàn cảnh khó khăn ở TP.HCM đang mua đồ thiết yếu tại "Siêu thị 0 đồng" |
Nhờ tính thiết thực và ý nghĩa nhân văn, mô hình được nhiều đơn vị học tập và nhân rộng tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre…. góp phần giúp bà con có hoàn cảnh khó khăn và người lao động phổ thông, sinh viên có được nhu yếu phẩm dùng trong thời gian giãn cách xã hội.
Bản đồ hỗ trợ người khó khăn SOS map
Đây là ứng dụng do anh Phạm Thanh Vi và cộng sự phát triển giúp định vị vị trí những nơi đang cần giúp đỡ khẩn cấp. Ứng dụng được ra đời sau những trăn trở trong chuyến anh Vi đi từ thiện cho đồng bào lũ lụt miền Trung năm 2020.
Trong đợt dịch Covid-19 lần này, anh Phạm Thanh Vi đã cho tái khởi động lại bản đồ định vị này với chương trình “Yêu thương mùa Covid”.
Anh Vi chia sẻ: “Để nhận được hỗ trợ về lương thực, rau củ quả, người dân ở khu phong tỏa, cách ly chỉ cần đăng nhập vào sosmap.net để đăng ký phần nhận và các nhà hảo tâm sẽ đăng ký phần cho”.
Giao diện cho người đăng ký "nhận" nhu yếu phẩm qua bản đồ hỗ trợ người khó khăn SOS map |
Sau khi nhận thông tin xin hỗ trợ của người dân, các tình nguyện viên nhanh chóng thẩm định thông tin của người xin hỗ trợ rồi chuyển lương thực, thực phẩm, rau củ tới tận nơi cho họ.
Chỉ sau hơn 1 tuần hoạt động, nhóm đã hỗ trợ gần 1.000 hộ dân ở TP.HCM với hàng chục tấn thực phẩm.
Hiện nay, người dân ở một số tỉnh thành trong cả nước cũng đã biết đến Sosmap.net và đăng ký xin hỗ trợ. Chương trình “Yêu thương mùa Covid” đã giúp đỡ được 100 hộ dân ở Bình Dương.
Tủ lạnh Cộng đồng
Mô hình “Tủ lạnh cộng đồng” xuất hiện đầu tiên tại 100 100 Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh, TPHCM, do anh Nguyễn Tuấn Khởi (Giám đốc Ngân hàng thực phẩm Việt Nam) lên ý tưởng, triển khai.
Mô hình hoạt động bằng cách tận dụng tủ lạnh cũ đặt tại các điểm cộng đồng, người cần thực phẩm có thể đến lấy, người muốn trao tặng thực phẩm cũng có thể gửi tại đây.
Đây là mô hình đã có mặt tại nhiều quốc gia như như Mỹ, Pháp, Thái Lan. Ban đầu mô hình được xem như một ngân hàng thực phẩm mini do cộng đồng tự quản nhằm chống lãng phí thực phẩm. Nhưng sau các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ phòng chống Covid-19 như Quán cơm dã chiến 2002, Bếp yêu thương, bếp tiền phương, Food bank nhận được lượng lớn thực phẩm ủng hộ, nên anh Khởi và nhóm đã nảy ra ý tưởng ứng dụng mô hình “Tủ lạnh cộng đồng” nhằm chia sẻ thực phẩm cho bà con trong mùa dịch.
Bà con cho - nhận thực phẩm trong "Tủ lạnh cộng đồng" tại Quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: Kim Tuyết |
Những ngày đầu, nguồn rau củ trong tủ đến từ các 'mạnh thường quân' thường xuyên của Ngân hàng thực phẩm Việt Nam. Sau đó, nhiều người dân truyền tai nhau, tìm đến đóng góp tùy theo khả năng của mình.
Anh Khởi đã nhờ một số người dân gần đó tham gia giám sát tình nguyện, giúp nhắc nhở mọi người đảm bảo giãn cách, nhận thực phẩm trật tự. Nhiều người già hay phụ nữ có con nhỏ được ưu tiên nhận trước, kèm theo phần sữa, chút gạo với lời nhắn “Cả nhà mình giữ gìn sức khỏe và hạn chế ra ngoài. Nhớ đeo khẩu trang nhé cô chú, anh chị”.
Đến thời điểm hiện tại, “Tủ lạnh cộng đồng” tại quận Bình Thạnh đã hoạt động ổn định, tạo được sự lan tỏa lớn. Anh Khởi mong muốn sớm tìm được những mặt bằng lớn có sẵn lực lượng điều tiết để đặt thêm khoảng 20 “Tủ lạnh cộng đồng” cho người nghèo khỏi di chuyển quá xa, đợi quá lâu.
Giai đoạn tới anh Khởi sẽ nhân rộng mô hình này vào các khu chung cư để hình thành văn hóa “giao lưu, trao đổi thực phẩm”, tạo sự gắn kết, chia sẻ trong cộng đồng.
Hoàng Tuấn Anh “cha đẻ ATM gạo”, từ cậu bé chà toilet đến ông chủ triệu USD
Anh là giám đốc Công ty CP Vũ Trụ Xanh, nhà phân phố độc quyền khóa thông minh của Hãng PHGLock (Australia) ở Việt Nam, người sáng chế “ATM gạo” đình đám.