Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức thẩm định Hồ sơ và thẩm định thực tế Đề án thành lập Trường Đại học Tâm Anh tại tỉnh Long An theo quy định của pháp luật về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và các quy định pháp luật có liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Dự kiến năm 2024, Trường Đại học Tâm Anh sẽ được triển khai xây dựng tại tỉnh Long An. Trường Đại học Tâm Anh sẽ là trường đại học tổng hợp, bao gồm nhiều lĩnh vực đào tạo, trong đó tập trung các ngành nghề y tế, chăm sóc sức khỏe và các ngành nghề quan trọng khác.
Theo thông tin từ Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là đối tác, cơ sở nghiên cứu lâm sàng thuốc, vaccine của nhiều tập đoàn dược phẩm lớn trên thế giới như AstraZeneca, Abbott, Sanofi… thuận lợi cho việc hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học quy mô quốc tế.
Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh được thành lập từ năm 2007 và đến 9/2016, Bệnh viện Tâm Anh mới đi vào hoạt động. Bệnh viện có địa chỉ tại 108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội, với quy mô 10.000 m2 và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tọa lạc tại đường Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình.
Ông Ngô Chí Dũng (sinh năm 1974) một đại gia trong lĩnh vực dược phẩm, chăm sóc y tế tuy nhiên kín tiếng trên thị trường; ông là người đứng sau hệ thống bệnh viên này. Ông Ngô Chí Dũng còn là chủ hệ thống VNVC, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Eco Pharma, và bệnh viện Tâm Anh. Ngoài ra, vào tháng 7/2019, ông Ngô Chí Dũng cùng vợ (bà Hà Thu Nga) và một người thân là bà Nguyễn Thị Tập góp vốn sáng lập CTCP Dinh Dưỡng NutriHome (NutriHome).
Theo danh sách cổ đông được Bệnh viên Tâm Anh công bố gần nhất vào cuối năm 2016, ông Ngô Chí Dũng sở hữu 50% vốn của bệnh viện này. Công ty Đầu tư Tài chính Thành Phát, một pháp nhân có cùng địa chỉ với ông Dũng tại phố Đào Tấn, phường Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội - sở hữu 30%. Những người giữ vai trò quản lý tại Tài chính Thành Phát hầu hết là người nhà ông Ngô Chí Dũng: Ngô Thị Ngọc Hoa (SN 1975), Ngô Chí Cấp (SN 1944).
So với những thành viên khác trong hệ sinh thái y tế khác như Eco Pharma hay VNVC, Tâm Anh có mức lợi nhuận khiêm tốn hơn. Cụ thể, chỉ trong bốn năm gần nhất, từ 2017 đến 2020, doanh thu của Bệnh viện Tâm Anh tăng từ 160 tỷ lên hơn 745 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trong hai năm gần nhất chỉ quanh ngưỡng 1 tỷ đồng. Tỷ suất sinh lời thấp so với lĩnh vực y tế tư nhân.
Trong khi đó, nếu xem xét về tỷ suất hoạt động trực tiếp, biên lợi nhuận gộp của Tâm Anh không hề thấp. Tỷ lệ này đạt 19-28% trong bốn năm gần đây, với chỉ tiêu lợi nhuận gộp đều hơn trăm tỷ đồng.
Đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Bệnh viên Tâm Anh đạt hơn 1.150 tỷ đồng, gấp hơn ba lần so với quy mô cuối năm 2017. Dù vậy, phần lớn tài sản của bệnh viên này hình thành từ nguồn nợ phải trả. Trong khi đó, quy mô vốn chủ sở hữu trong ba năm gần nhất giữ nguyên ở mức trên 230 tỷ đồng.
Ở lĩnh vực bệnh viện, ông Ngô Chí Dũng khá kín tiếng so với Eco Pharma, NutriHome hay VNVC. Tuy nhiên theo Giấy đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 1/12/2016, bên cạnh tỷ lệ sở hữu 50% cổ phần trực tiếp đứng tên, tầm ảnh hưởng của ông Dũng ở Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh còn bao trùm qua cả phần tỷ lệ sở hữu 30% của một cổ đông sáng lập khác.