Bị nhân viên giễu cợt vì không thể mua chiếc áo 12 triệu đồng, chàng trai có cách đáp trả khiến dân mạng hả hê

Đi mua sắm mà bị nhân viên bàn ra nói vào về mình, bạn sẽ làm gì?

Khoảng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2024, một chàng trai ở Sơn Đông (Trung Quốc) đã dẫn mẹ đi trung tâm thương mại mua quần áo.

Vào cửa hàng bán áo ấm, nhân viên giới thiệu một chiếc áo lông cừu để người mẹ mặc thử. Vì đã đi dạo rất lâu nên chàng trai đã uống một cốc cà phê nằm trong phần dịch vụ khách hàng miễn phí của cửa hàng quần áo. 

Thử một chiếc áo lông rất vừa ý, nhưng khi nhìn giá, anh đã không muốn mua nữa vì giá thành cao hơn bình thường, 3.500 NDT (hơn 12 triệu đồng). Mẹ anh cũng không ủng hộ việc con trai mua quần áo đắt tiền cho mình nên cùng con nhanh chóng rời khỏi cửa hàng để sang chỗ khác.

Thế nhưng hai mẹ con còn chưa bước ra khỏi khu vực cửa hàng quần áo ấy, nhân viên đã bắt đầu bàn ra nói vào. Thậm chí một nữ nhân viên còn diễn tả biểu cảm và nhại giọng của hai mẹ con.

“Họ nói khách hàng khác đến mua không cần nhìn giá, còn hai mẹ con tôi lại không thể mua nổi cái áo hơn ba nghìn tệ. Nếu không có khả năng thì đừng vào thử đồ, mất công họ tiếp đón và uổng một cốc cà phê”, chàng trai đăng video chia sẻ.

Bị nhân viên giễu cợt vì không thể mua chiếc áo 12 triệu đồng, chàng trai có cách đáp trả khiến dân mạng hả hê

Thật ra, làm trong ngành dịch vụ, việc nhân viên có một vài cảm xúc tiêu cực đối với khách hàng rồi chia sẻ với nhau cũng là chuyện thường tình. Nhưng đừng biểu hiện một cách thái quá, đặc biệt là để khách hàng nghe thấy. Theo đó, các nhân viên ở cửa hàng quần áo này đã phạm một sai lầm rất lớn trong nguyên tắc của ngành dịch vụ.

Nghe nhân viên nói xấu sau lưng mình, chàng trai quay người trở lại cửa hàng, nói với đám người: “3.500 NDT cho một chiếc áo lông, tôi thấy nó đắt cũng là ý kiến và cảm nhận của tôi. Quan niệm tiêu dùng của tôi không thể chấp nhận giá thành này. Thế mà các cô lại lấy chuyện của khách hàng ra để làm trò cười, vậy có đúng không?”.

Bị khách hàng bắt tại trận hành vi không nên có của mình, nữ nhân viên nói: “Tôi không cười cợt”.

Chàng trai càng tức giận hơn: “Vậy tại sao cô lại nói chuyện này với họ. Tôi vừa mới bước ra khỏi cửa, cô liền nói cười với họ. Cô nói tôi đã uống cà phê của cửa hàng, không cần biết nó miễn phí hay không, bây giờ tôi sẽ trả lại cho cô”.

Sau đó, chàng trai lập tức đến quầy đồ uống gần đó mua một cốc cà phê để trả lại cốc cà phê hòa tan rẻ tiền mà anh đã uống trong lúc mẹ thử đồ ở cửa hàng quần áo.

“Trả lại cô cốc cà phê, xem như tôi không còn nợ gì các người nữa, vậy được chưa?”, chàng trai nói với nữ nhân viên.

Nhân viên muốn trả lại cốc cà phê cho chàng trai nhưng anh đã kéo mẹ đi mất.

Đoạn video của chàng trai đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Nhiều người lên tiếng chỉ trích nhân viên bán hàng vì có thái độ không tốt, cách hành xử cực kém gây ảnh hưởng đến cửa hàng.

“Làm dịch vụ mà không biết giữ ý tứ và lịch sự. Nếu khách hàng làm lớn chuyện thì chỉ có bản thân cô ta và cửa hàng chịu thiệt mà thôi. Chàng trai có cách xử lý rất đúng”.

“Thật ra nếu không bằng lòng với khách hàng thì tốt nhất nên giữ trong lòng hoặc bàn luận kín đáo. Việc bàn tán và hành xử không đúng mực công khai như vậy thì không đúng một chút nào”.

Đến ngày 17/2, chàng trai đã gỡ video khỏi nền tảng mạng xã hội, sau đó chia sẻ rằng anh hy vọng chuyện chấm dứt tại đây.

Từ nội dung của bài đăng mới nhất, chàng trai không muốn chuyện này bị truyền tải rộng rãi, cũng chừa lại “đường làm ăn” cho cửa hàng quần áo ở trung tâm thương mại. Còn về việc phía cửa hàng quần áo có động thái nào khác hay gửi lời xin lỗi đến mẹ con chàng trai hay không hiện vẫn chưa rõ.

Nguồn: 163

Trung Hạ