Bến xe TP.HCM tấp nập dịp cận Tết
Chiều tối 3 và 4/2 (24 và 25 tháng Chạp) tại Bến xe miền Tây (quận Bình Tân), Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh), Bến xe miền Đông mới (TP Thủ Đức)... rất đông người dân tới bắt xe về quê.
Năm nay, người lao động và sinh viên trên địa bàn TPHCM được nghỉ Tết sớm nên lượng khách đã tăng từ ngày 30/1 (20 tháng Chạp). Dự kiến lượng khách đổ về các bến xe ngày càng đông trong những ngày tiếp theo.
Đại diện Bến xe miền Tây cho biết, lượng khách tại bến sẽ tăng cao vào các ngày cao điểm cuối năm, cụ thể từ ngày 6 - 8/2/2024 (nhằm ngày 27 đến 29/12 tháng Chạp). Dự báo trong dịp Tết này lượng xe tăng trên 7%, lượng khách tăng trên 29% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo dự kiến, 10 ngày trước Tết bến xe cung cấp hơn 15.000 xe và đón hơn 419.000 lượt khách.
Còn tại Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh), lượng khách đổ về bến xe rất đông. Dự báo, lượng hành khách sẽ tăng mạnh cho đến ngày 7/2 (28 tháng Chạp). Theo đó, lượng khách tăng khoảng 10% so với năm trước.
Bến xe miền Đông mới (TP Thủ Đức) cũng tấp nập giống như các bến xe khác ở TPHCM. Lượng khách đi lại thời điểm này cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023.
Theo các lối đi, hành khách dồn về mỗi lúc mỗi đông, người ngồi người đứng, mang theo hành lý, lỉnh kỉnh đồ đạc chờ xe xuất bến. Dù phải mang, vác đồ cồng kềnh hay ngồi đợi chờ xe xuất bến khá lâu thì họ vẫn tươi cười, không giấu nổi sự vui mừng khi về quê đón Tết bên gia đình.
Không chỉ trong các bến xe "nóng" hơn ngày thường mà dọc các tuyến Quốc lộ 1, Xa lộ Hà Nội, Lê Hồng Phong… tình trạng tương tự bởi người dân đứng dọc đường chờ nhà xe đến đón.
Liên tục có sương mù dày đặc tại sân bay Nội Bài, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam họp khẩn
Trong những ngày đầu tháng 2/2024, tại các sân bay khu vực phía Bắc đang xảy ra các hiện tượng sương mù, mây thấp, tầm nhìn giảm dưới tiêu chuẩn khai thác bay gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động bay.
Đặc biệt tại khu vực sân bay Nội Bài, tầm nhìn ngang có thời điểm đã giảm sâu xuống dưới 300 mét, theo thống kê của cơ quan khí tượng trường hợp này chỉ xuất hiện 3 lần trong vòng 10 năm trở lại đây.
Trước thực trạng đó, để đảm bảo an toàn cho các chuyến bay, giảm thiểu tối đa tình trạng tắc nghẽn tại các sân bay khu vực miền Bắc khi xảy ra hiện tượng sương mù, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp trong công tác dự báo thời tiết, quản lý luồng không lưu và điều hành bay.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã áp dụng Phương thức khai thác trong điều kiện tầm nhìn hạn chế (LVP) tại Cảng HKQT Nội Bài.
Bên cạnh đó, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai Quy trình điều tiết luồng không lưu trong điều kiện thời tiết bất lợi. Quy trình này là một trong các biện pháp quản lý luồng không lưu (ATFM) nhằm cân bằng nhu cầu hoạt động bay và năng lực khai thác tại sân bay khi xảy ra các hiện tượng thời tiết xấu.