Theo Bloomberg, Masan đang làm việc với các cố vấn để xem xét việc bán cổ phần của Masan MeatLife cho một đối tác chiến lược, để huy động 1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Masan cũng đang cân nhắc về việc có thể phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đối với đơn vị thức ăn chăn nuôi Masan MeatLife. Ban lãnh đạo công ty tin rằng, Masan MeatLife đang bị thị trường đánh giá thấp.
Nguồn tin giấu tên cho biết, các cuộc thảo luận đang ở giai đoạn đầu và có thể sẽ không thành công. Đại diện của Masan Group đã từ chối bình luận về vấn đề này.
Theo số liệu của Bloomberg, nếu thỏa thuận trị giá 1 tỷ USD này thành công thì đây sẽ là thương vụ lớn nhất của Việt Nam kể từ năm 2017. Khi đó, Vietnam F&B Alliance Investment đã mua 54% cổ phần của Tổng công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn với giá 4,4 tỷ USD.
Theo thông tin niêm yết trên trang web của công ty, Masan MeatLife là một trong những nền tảng kinh doanh thức ăn với mô hình tích hợp chăn nuôi - trang trại - thực phẩm lớn nhất Việt Nam. Năm 2015, công ty hợp nhất hai doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi, gồm Anco và Proconco. Ba năm sau, công ty bắt đầu bán thịt tươi ướp lạnh với thương hiệu MeatDeli.
Theo báo cáo tài chính năm 2020, doanh thu thuần của Masan MeatLife (mã MML) tăng 17%, lợi nhuận thuần sau thuế đạt hơn 492 tỷ đồng, tăng 33%. Tuy nhiên, mảng thịt vẫn lỗ hơn 300 tỷ đồng.
Quy mô lớn với vốn điều lệ hơn 3.200 tỷ đồng nhưng Masan MeatLife hoạt động kém hiệu quả hơn các công ty cùng ngành nghề, cụ thể là Dabaco. Vốn điều lệ của Dabaco là hơn 1.000 tỷ song lợi nhuận sau thuế năm 2020 là 1.400 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với Masan MeatLife.
Được thành lập vào năm 1996, Masan Group do tỷ phú Nguyễn Đăng Quang điều hành. Ngoài mảng thức ăn chăn nuôi, Masan Group còn thâm nhập vào lĩnh vực bán lẻ và khai thác mỏ, cũng như có cổ phần tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam, thường được gọi là Techcombank.