Bloomberg: Việt Nam đang trở thành 'nhà vô địch' năng lượng mặt trời

Ngay cả các quốc gia ít quan tâm đến mục tiêu khí hậu cũng đang bị cuốn vào quá trình chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu. Và Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu quá trình này.

Nguyễn Tuấn nhìn mặt trời chiếu xuống trang trại dưa vàng rộng 4 ha của mình và anh nhận ra rằng, nó có thể làm được nhiều việc hơn là giúp cây trồng của anh phát triển.

Thế là người đàn ông 46 tuổi này quyết định đặt 40 tấm pin năng lượng mặt trời trong trang trại ở ngoại thành TP.HCM của mình. Nhờ các khoản trợ cấp từ dịch vụ tiện ích quốc gia, anh không chỉ cắt giảm được hóa đơn tiền điện mà còn kiếm được khoảng 2 triệu đồng (87 USD) mỗi tháng từ việc bán điện thừa cho lưới điện quốc gia.

Việt Nam là một dấu hiệu đáng khích lệ trong việc tiếp cận năng lượng sạch

Trang trại của anh Tuấn chỉ là một phần nhỏ trong sự gia tăng bất thường gấp 100 lần điện mặt trời diễn ra ở Việt Nam trong hai năm qua. 

Theo nhóm nghiên cứu năng lượng sạch BloombergNEF, Việt Nam hiện đứng thứ 7 trên thế giới về công suất điện mặt trời. Và vào năm 2020, chỉ có hai quốc gia lắp đặt nhiều tấm pin mặt trời hơn Việt Nam, là Mỹ và Trung Quốc.

trang-trai.jpg
Anh Nguyễn Tuấn đã lắp đặt 40 tấm pin mặt trời tại trang trại cách TP.HCM 55 km của mình. Ảnh: BB Garden.

Sự gia tăng năng lượng mặt trời không đến từ nỗ lực của chính phủ nhằm cắt giảm ô nhiễm carbon. Trên thực tế, Việt Nam không nằm trong số hơn 100 quốc gia có mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong những thập kỷ tới. Thay vào đó, sự bao trùm của năng lượng mặt trời đang được thúc đẩy bởi các lực lượng toàn cầu. 

Các ngân hàng nước ngoài đang hạn chế tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch. Điều này có nghĩa là các công ty tiện ích của Việt Nam đã phải vật lộn để có được các khoản vay cho các nhà máy than mới. Bên cạnh đó, việc giá tấm pin mặt trời lao dốc, nhiều tấm được lắp ráp trong nước đã tạo ra một giải pháp thay thế rẻ và tiện lợi hơn.

Logan Knox, CEO của UPC Renewables tại Việt Nam, công ty chuyên xây dựng và vận hành các trang trại năng lượng mặt trời trên khắp châu Á, cho biết: "Tôi chưa bao giờ thấy một quốc gia nào bùng nổ như thế này về năng lượng mặt trời. Nó gần như không thể tin được".

Sự chuyển đổi tương tự sang năng lượng sạch cũng phải xảy ra ở nhiều nước đang phát triển hơn, để lượng khí thải trên toàn thế giới được giảm xuống vào giữa thế kỷ — một mốc thời gian cần thiết để tránh hiện tượng trái đất nóng lên thảm khốc. 

Việt Nam là một dấu hiệu đáng khích lệ, cho thấy những nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn cản việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy khả năng tiếp cận các giải pháp thay thế sạch đang có kết quả. 

vnn2.jpg
Nguồn: Bloomberg

Caroline Chua, chuyên gia phân tích của BNEF, cho biết: “ Sự bùng nổ năng lượng mặt trời của Việt Nam cho thấy khả năng của một quốc gia trong việc có thể xây dựng bao nhiêu công suất trong một khoảng thời gian ngắn".

Trên thực tế, Việt Nam đã quá thành công. Các khuyến khích để thúc đẩy việc áp dụng pin mặt trời đang bị tạm dừng hoặc tạm dừng để kiềm chế quá trình xây dựng các dự án mới. Mặc dù hành động này sẽ cắt giảm khối lượng thực hiện vào năm 2021, nhưng tỷ lệ này vẫn sẽ cao hơn rất nhiều so với hầu hết các năm gần đây, dữ liệu của BNEF cho thấy. 

Chính phủ Việt Nam đã chuyển sang ngành công nghiệp năng lượng mặt trời từ một vài năm trước, khi tình trạng thiếu điện ngày càng gia tăng đe dọa đến động lực kinh tế của quốc gia. Những năm tăng trưởng nhanh chóng đồng nghĩa với việc nhu cầu điện tăng vọt để đáp ứng cho các nhà máy được xây dựng bởi các công ty đa quốc gia như Samsung Electronics và các nhà cung cấp cho Apple.

Các kế hoạch xây dựng nhà máy điện than để đáp ứng lượng điện khổng lồ này đã bị chậm tiến độ. Phần lớn là do sự phản đối của các nhà lãnh đạo địa phương, vì lo ngại chất lượng không khí cũng như khó khăn về tài chính khi các ngân hàng toàn cầu ngừng cho vay đối với nguồn năng lượng bẩn nhất.

Thu Vũ, một nhà phân tích tại Viện Kinh tế Năng lượng & Phân tích Tài chính, cho biết: “Chính phủ đã ủng hộ than trong một khoảng thời gian dài nhưng rồi họ nhận ra rằng, than không còn đáng tin cậy nữa. Mặt khác, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng rất nhanh, vì vậy họ phải tìm các lựa chọn khác và đã chuyển hướng sang năng lượng tái tạo”.

vn.jpg

Ngay cả khi không quan tâm đến vấn đề phát thải, nhiều nước đang phát triển cũng có thể bị thúc ép vào "tiến trình xanh" từ các lực lượng thị trường. 

Cụ thể, Bangladesh đang từ bỏ tất cả các nhà máy điện than đã được lên kế hoạch, trừ 5 nhà máy hiện đang hoạt động hoặc đang được xây dựng. Năm ngoái, Philippines cũng tuyên bố ngừng hoạt động đối với các nhà máy nhiệt điện than mới. 

Làm thế nào để đạt mục tiêu giảm phát thải?

Mặc dù đã có sự áp dụng năng lượng mặt trời mạnh mẽ, nhưng không có mục tiêu của chính phủ, Việt Nam vẫn bị các nhà nghiên cứu đánh giá không tốt về hành động khí hậu. Các biện pháp của nước này được Tổ chức Theo dõi Hành động Khí hậu dán nhãn là “không đủ nghiêm trọng”.

Việt Nam đặt mục tiêu giảm lượng phát thải 9% so với "hoạt động kinh doanh như bình thường" vào năm 2030 và có các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng trị giá hàng tỷ USD sẽ giữ nguyên nhiên liệu hóa thạch trong hỗn hợp năng lượng của mình.

Cho đến hiện tại, Việt Nam chỉ thải ra 0,7% lượng phát thải khí nhà kính của thế giới, chiếm ít hơn bình quân đầu người. Và trong khi các quốc gia như Mỹ và Pháp đã có nhiều thập kỷ phải chịu hậu quả của việc gây ô nhiễm trước khi cắt giảm khí thải, thì Việt Nam gần đây mới bắt đầu công nghiệp hóa.

pin-mat-troi.jpg
Giá các tấm pin mặt trời lao dốc, nhiều tấm được lắp ráp ở các nước Đông Nam Á, khiến chúng trở thành một giải pháp rẻ và tiện lợi. Ảnh: Bloomberg

Việc lao vào năng lượng tái tạo quá nhanh cũng mang lại nhiều vấn đề mới. Lê Việt Phú, chuyên gia kinh tế môi trường tại Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết Việt Nam đang gặp vướng mắc giữa điện mặt trời gián đoạn và hệ thống lưới điện chằng chịt. Điều này có nghĩa là một số khu vực có quá nhiều điện năng trong khi các khu vực khác có thể bị mất điện trong mùa hè và những năm tới.

Đôi khi, công ty thuộc sở hữu nhà nước phải trả nhiều tiền hơn cho năng lượng mặt trời hòa vào lưới điện quốc gia so với giá mà nó bán. Công ty phải đưa ra mức giá cao vì các hợp đồng của mình không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu các dự án đồng ý cắt giảm sản lượng chưa thanh toán nếu thấy cần thiết để ổn định lưới điện. Điều này làm dấy lên lo ngại về lợi nhuận tài chính, Knox của UPC, cho biết.

Sự sụt giảm giá lâu dài và ổn định của các tấm pin mặt trời cũng đột ngột đảo ngược trong năm nay, do nhu cầu mạnh mẽ đã làm tăng gấp ba lần giá polysilicon, nguyên liệu chính tạo ra các tấm pin mặt trời. Việc này cũng được xem là một trở ngại cho việc sử dụng nhiều năng lượng mặt trời hơn.

Quy hoạch phát triển điện mới của Việt Nam cần cố gắng giải quyết các vấn đề về mạng lưới. Một bản dự thảo đã được công bố vào tháng 3 với ngân sách 32,9 tỷ USD cho việc mở rộng lưới điện đến năm 2030, cùng với 94,5 tỷ USD để phát điện thêm. Bộ Công Thương dự kiến ​​trình Thủ tướng Phạm Minh Chính bản điều chỉnh quy hoạch trước ngày 15/6.

Đối với Tuấn và trang trại của anh, có tên là BB Garden, việc lắp thêm các tấm pin mặt trời không chỉ mang lại lợi nhuận mà còn giúp tiếp thị tốt. Anh bán khoảng 6 tấn dưa mỗi tháng, mỗi quả đều được dán một nhãn dán mô tả mặt trời chiếu xuống những ngọn đồi và một nhà kính.

Anh nói: “Tôi có thể cho khách hàng của mình thấy rằng, trang trại của chúng tôi là một trang trại sạch, sử dụng công nghệ trồng cây sạch và năng lượng sạch".

NHẬT SANG