Bộ Tài chính có kế hoạch nâng “room” xử lý của sàn HOSE lên 5 triệu lệnh/ngày?

Kỳ họp thứ ba Quốc hội khoá XV diễn ra trong bối cảnh thị trường cổ phiếu sụt giảm mạnh, rủi ro trên thị trường trái phiếu lộ diện khi cơ quan quản lý xử lý hình sự với số cá nhân sai phạm khiến tâm lý doanh nghiệp và người dân bất an. Thị trường vốn lành mạnh và lời hứa của Bộ trưởng sẽ được thực hiện như thế nào?

Ở cả khía cạnh đạo đức và trình độ quản lý, cán bộ quản lý đã thể hiện sự yếu kém nên mới bị các cá nhân lợi dụng để lũng đoạn thị trường. Vì thế, việc minh bạch hoá, lành mạnh hoá thị trường thời gian tới, nhà đầu tư trông chờ rất nhiều vào động thái quyết liệt nhưng vẫn phải mềm dẻo của ngành tài chính.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Bên cạnh đó, Bộ cũng rà soát đồng bộ từ luật đến các nghị định và văn bản hướng dẫn để tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.

Về hoàn thiện cơ sở pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong đó tập trung vào quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cam kết sẽ xử lý “nút thắt” định giá đất đai – nguyên chính gây chậm trễ các đợt thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, từ đó đẩy nhanh quá trình này, tạo nguồn cung mới cho thị trường chứng khoán. Bộ trưởng cũng cho biết đã tăng cường giám sát và kiểm tra từ dư luận xã hội, phản ánh của các cấp, các ngành, từ việc tự kiểm tra để phát hiện sai phạm… và cam kết xử lý nghiêm.

Thông điệp chính sách chung của Tư lệnh ngành tài chính là hướng đến ổn định, phát triển thị trường vốn Việt Nam minh bạch, lành mạnh, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế đối trọng với kênh tín dụng ngân hàng và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia.

Vì vậy, không khó hiểu khi nhóm vấn đề tài chính được đa số đại biểu Quốc hội chọn làm chủ đề được chất vấn ở nghị trường. Sau hơn nửa ngày đăng đàn, với 72 đại biểu đăng ký chất vấn, 9 đại biểu tranh luận trực tiếp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã làm rõ về nhiều giải pháp Bộ Tài chính đã và đang triển khai nhằm phát triển thị trường chứng khoán.

Theo đó, về nhiệm vụ nâng cấp thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, sau khi xây dựng dự án dùng công nghệ của sàn HNX đưa vào HOSE, đã tăng được “room” xử lý từ 1 triệu lệnh/ngày lên 3 triệu lệnh/ngày. Thừa nhận hệ thống giao dịch KRX hợp tác với Hàn Quốc đã 22 năm chưa thể vận hành, ông Phớc cho biết, Bộ đã có kế hoạch nâng “room” xử lý lên 5 triệu lệnh/ngày.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về giải pháp phát triển thị trường chứng khoán, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, thị trường cổ phiếu, chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao, không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh.

Nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng (điển hình là vụ việc của FLC và Louis).

Tổng Hợp