Bốn xu hướng xác định tính sống còn của chủ nghĩa đa phương trong năm 2021

Đại dịch COVID-19 và tình trạng biến đổi khí hậu - hai cơn địa chấn càn quét hành tinh loài người trong năm 2020 - đã buộc thế giới nhìn nhận mức độ cấp bách của việc phải tăng cường hợp tác quốc tế.

Đợt tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên đang mang lại hy vọng rằng con người có thể đánh bại đại dịch mặc dù con đường tới đích đó vẫn còn rất xa.

Tạp chí The World Politics Affairs đã có bài phân tích, trong đó nhận định rằng với việc Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cam kết đưa Mỹ trở lại con đường ngoại giao truyền thống và Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra vào tháng 11/2021 ở Glasgow (Anh), năm 2021 sẽ là năm bản lề mang tính sống còn đối với chủ nghĩa đa phương.

Thế giới năm 2020 đầy biến động với ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. 
Thế giới năm 2020 đầy biến động với ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. 

Theo TTXVN, thì nội dung bài viết như sau: Tại kỳ họp Đại hội đồng LHQ hồi tháng 9/2020 nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập LHQ, các nước thành viên đã thông qua tuyên bố chính trị trao quyền cho Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đưa ra các khuyến nghị thúc đẩy chương trình nghị sự chung nhằm ứng phó với các thách thức hiện tại và tương lai từ nay đến tháng 9/2021.

Chương trình nghị sự chung gồm 12 chủ đề lớn, bao gồm nỗ lực phục hồi sau đại dịch, ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu khẩn cấp và tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Như vậy, người ta kỳ vọng Tổng Thư ký Guterres sẽ thực hiện quyền lực của mình để vạch ra lộ trình phát huy chủ nghĩa đa phương nhằm đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong thời điểm lịch sử này chứ không chỉ bị cuốn vào những việc lặt vặt liên quan tới thể chế và quy trình của LHQ.

Những khuyến nghị của ông sẽ thúc đẩy những nỗ lực ứng phó đại dịch COVID-19 mà LHQ đang tiến hành, đồng thời làm nổi bật vai trò đầu tàu của LHQ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Trọng tâm và phạm vi những khuyến nghị mà Tổng Thư ký LHQ Guterres đưa ra cũng sẽ phụ thuộc một phần vào mức độ ủng hộ của Mỹ đối với chủ nghĩa đa phương và mức độ các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ khác như Nga và Trung Quốc sẵn sàng đoàn kết đồng thuận tại LHQ.

Đồng thời, những khuyến nghị cũng sẽ dựa trên dữ liệu cuộc khảo sát được thực hiện nhân dịp 75 năm thành lập LHQ, cho thấy người dân thế giới muốn và cần một cơ chế đa phương ngày càng kết nối hiệu quả hơn, bao trùm hơn và bền vững hơn để có thể ứng phó với những thách thức do biến đổi khí hậu đặt ra.

Cuối cùng, các nước đang phát triển, vốn đang phải vật lộn với những hậu quả của đại dịch để tiến tới phát triển bền vững, sẽ quan sát kỹ xem liệu chương trình nghị sự chung có giúp Chương trình phát triển bền vững 2030 của LHQ có trở lại đúng lộ trình được hay không.

Chương trình nghị sự này có thành công hay không trong những năm tới còn phụ thuộc vào 4 xu hướng cần phải theo dõi sát sao trong năm 2021.

Thứ nhất, cộng đồng quốc tế vẫn phải chờ kết quả phép thử hợp tác chống COVID-19 giữa các quốc gia. Việc phát triển thành công vaccine rất đáng khích lệ, song sự hợp tác chặt chẽ sẽ rất cần thiết để đảm bảo sản xuất đủ vaccine cũng như phân phối vaccine tới mọi nơi trên thế giới.

Khoảng cách giữa 500 triệu người được tiêm vaccine đầu tiên và 500 triệu người được tiêm vaccine cuối cùng là rất lớn. Hơn nữa, việc virus lây lan sẽ bộc lộ rõ hơn những bất bình đẳng trong mỗi xã hội và bất bình đẳng giữa các nước do chênh lệch về khả năng tiếp cận vaccine.

Và kể cả nếu vaccine được phân phối tới mọi ngóc ngách của thế giới, những hệ lụy của đại dịch sẽ vẫn còn kéo dài nhiều năm nữa. Nghiên cứu ban đầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại 133 nước trong 2 thập kỷ qua cho thấy những bất ổn xã hội đều tăng vào những năm sau khi xảy ra đại dịch.

Thế giới đang đối mặt với rất nhiều vấn đề. 
Thế giới đang đối mặt với rất nhiều vấn đề. 

Thứ hai, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái và còn lâu mới kết thúc. Theo dự báo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF đưa ra hồi tháng 10/2020, quá trình phục hồi sẽ còn lâu dài và bất ổn.

Hiện số liệu việc làm vẫn ở dưới mức trước đại dịch và người lao động có thu nhập thấp, thanh niên và phụ nữ là những người bị thiệt hại nặng nề nhất. Nhà kinh tế trưởng của IMF đánh giá rằng “người nghèo càng nghèo hơn và khoảng 90 triệu người sẽ rơi vào cảnh bần cùng hóa trong năm nay”.

Năm 2021, tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng ở mức khiêm tốn 5,2% và phần lớn nhờ tăng trưởng của Trung Quốc, còn nhìn chung thế giới sẽ mất khoảng vài năm mới có thể trở lại mức tăng trưởng của năm 2019. Ước tính thiệt hại về kinh tế toàn cầu do đại dịch sẽ lên tới 28.000 tỷ USD tính tới năm 2025 và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mức sống trung bình của người dân thế giới.

Thứ ba, sẽ mất một khoảng thời gian kha khá trong năm 2021 để có thể cảm nhận những thay đổi mà chính quyền mới của Mỹ tạo ra về mặt ngoại giao cũng như tại những điểm nóng trên thế giới. Tổng thống đắc cử Biden đã đề xuất một số chính sách mới, nhưng để những chính sách này trở thành hiện thực cần có thời gian, nhất là trong bối cảnh Quốc hội Mỹ bị chia rẽ như hiện nay.

Thứ tư, Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu ở Glasgow sẽ hướng tới điều gì dường như đang ngày càng trở nên khó đoán định, nhất là khi giới khoa học cảnh báo tốc độ môi trường bị tàn phá ngày càng nhanh trong khi các nước đều chậm chễ trong việc thực hiện những cam kết về giảm khí thải nhà kính theo Hiệp định Paris năm 2015.

Tuy nhiên, mọi thứ sẽ phụ thuộc vào việc những mục tiêu dài hạn này sẽ được chuyển hóa thành các chính sách như thế nào trong thập kỷ tới. Nghiên cứu mới đây của Viện Tài nguyên Thế giới cho thấy nếu muốn đạt mục tiêu toàn cầu chỉ ấm lên không quá 1,5 độ C, thế giới cần phải chuyển sang sử dụng các loại năng lượng sạch với tốc độ nhanh gấp 6 lần hiện nay, chuyển sang dùng các phương tiện giao thông chạy điện nhanh gấp 22 lần hiện nay và chấm dứt tình trạng phá rừng.

Năm 2021 sẽ là năm quan trọng đối với tất cả các nước thành viên LHQ và với hệ thống chủ nghĩa đa phương, bởi chính năm 2021 sẽ quyết định thế giới đi về đâu trong thập kỷ tới, thoát khỏi đại dịch và phục hồi như thế nào và hồi sinh khả năng hợp tác quốc tế trong nhiều lĩnh vực.

MY MY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương