Cà Mau mưa bão dồn dập, ước tính thiệt hại hơn 30 tỷ đồng

Thiên tai ở Cà Mau gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Hiện tại, theo thống kê ước tính thiệt hại về tài sản hơn 30 tỷ đồng.

Thời tiết cực đoan liên tục xuất hiện trong hơn một tuần vừa qua, gây nhiều thiệt hại trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Thống kê mới nhất từ UBND tỉnh Cà Mau, đã có 2 người dân bị thương do sét đánh; sóng to, gió lớn ngoài biển làm chìm hai tàu cá; một trụ ăng-ten, 156 căn nhà đã bị sập hoàn toàn và 817 nhà dân, một trường học bị tốc mái vì giông lốc.

Ngoài ra, sạt lở đất ven sông (chiều dài 235 m) làm thiệt hại sáu căn nhà; triều cường dâng cao bất thường làm ngập 1.845 căn nhà, một trường học, 471m bờ bao vuông tôm và 2.540m lộ giao thông, ngập úng 108,75 ha lúa hè thu... Ước tổng giá trị thiệt hại về tài sản khoảng 32 tỷ đồng.

Cư dân ven biển Cà Mau mất nhà vì giông lốc.
Cư dân ven biển Cà Mau mất nhà vì giông lốc.

Ngoài thiệt hại về vật chất, chiều 9/8, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh Cà Mau cho biết, 1 người đã tử vong vì nhà sập.

Ngoài vụ việc trên, trong đêm 8/8 và rạng sáng 9/8, dông lốc quét qua địa bàn xã Tắc Vân (TP Cà Mau) làm 27 nhà dân bị sập và tốc mái. Giông lốc còn làm hư hỏng một trường THCS và một trường mầm non, ước thiệt hại hơn 200 triệu đồng.

Thời tiết xấu tiếp tục phương hại đến Cà Mau trong những ngày tới. Theo nhận định của cơ quan chức năng, con số thiệt hại tiếp tục tăng thêm. Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai; tập trung thống kê, rà soát cụ thể về thiệt hại, huy động nguồn lực hỗ trợ người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, dựng lại nhà ở, khôi phục sản xuất…

Ngành chức năng cần nhanh chóng tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, động viên những gia đình hoàn cảnh khó khăn, bị thiệt hại do thiên tai. Chính quyền các địa phương chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, cảnh báo người dân nâng cao ý thức về phòng, chống thiên tai, chủ động bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản người dân.

Trước đó từ ngày 5/8 đến sáng 6/8 trời vẫn mưa rất to và chưa có dấu hiệu dứt, sóng đánh dữ dội khiến lực lượng hộ đê rất lo âu. Tuy nhiên, đoạn đê vừa gia cố vẫn đứng vững trước sóng biển và thủy triều dâng cho đến thời điểm này.

Lực lượng chức năng đang cố ra sức bảo vệ đê biển hôm 4/8.
Lực lượng chức năng đang cố ra sức bảo vệ đê biển hôm 4/8.

Trước cảnh tượng thiên tai chưa từng thấy, nhiều hộ dân sống trong những ngôi nhà xập xệ cạnh chân đê biển Tây chủ động di chuyển đồ đạc đến nơi an toàn, nín thở cầu nguyện cho thiên tai không cướp mất những ngôi nhà của họ.

Bà Nguyễn Thị Ten, một người dân sống cạnh đoạn đê vừa gia cố, bàng hoàng kể lại "gia đình tôi sống hàng chục năm ở đây chúng tôi chưa từng thấy cảnh tượng đáng sợ như vậy, mưa giông vùi dập, sóng đánh ầm ầm cao gần 2 thước, có cảm giác như con đê đang bị nuốt chửng. Chúng tôi chỉ còn cách di chuyển đồ đạc đến nơi an toàn và nín thở cầu nguyện cho đê không bị vỡ. Bằng không hàng loạt ngôi nhà sẽ phải làm mồi cho sóng dữ".

DƯƠNG THỤY (t/h)

theo Tin 24h