Các biện pháp phòng chống dịch Covid mới tại Hồng Kông mới đã có hiệu lực vào thứ Hai (26/9).
Theo quy định mới, thay vì phải cách ly trong phòng khách sạn với chi phí cao trong ba ngày đêm, khách du lịch và người đi công tác trở về hòn đảo này có thể trở về nhà hoặc đến chỗ tùy thích, miễn là họ phải theo dõi sức khỏe của mình trong ba ngày, bao gồm thực hiện các xét nghiệm nhanh Covid-19.
Với quy định này, nhu cầu đến Hồng Kông đang tăng vọt khiến các hãng hàng không tìm cách quay trở lại.
Cathay Pacific (CPCAY), hãng hàng không hàng đầu của Hồng Kông, đã thiết lập một "phòng chờ" ảo để hành khách truy cập vào trang web của mình. Khách hàng được thông báo rằng họ có thể "xếp hàng" để được đưa đến nền tảng đặt vé của Cathay, sau đó họ sẽ có 30 phút để mua vé.
Hôm thứ Sáu, Cathay cho biết hãng sẽ bổ sung hơn 200 dịch vụ bay trong tháng 10 tới các điểm đến trong khu vực và đường dài, đặc biệt là các đường bay đến các thành phố Tokyo, Osaka và Sapporo của Nhật Bản.
Tin tức này mang lại lợi ích rất cần thiết cho hãng vận tải, vốn đã buộc phải cắt giảm công suất xuống chỉ còn 2% so với mức trước đại dịch. "Với tư cách là hãng hàng không nội địa của Hồng Kông, chúng tôi cam kết xây dựng lại các kết nối", hảng này cho biết trong một tuyên bố.
Hãng hàng không Lufthansa cũng nói với CNN Business hôm thứ Hai rằng họ sẽ tăng tần suất các chuyến bay từ Hồng Kông, với dịch vụ hàng ngày giữa thành phố này, đến sân bay quốc tế của Đức, Frankfurt bắt đầu từ mùa Đông năm nay.
"Chúng tôi ưu tiên sự thoải mái cho du khách. Điều này hoàn toàn sẽ làm tăng nhu cầu đến và đi từ Hồng Kông", Christoph Meyer, Tổng giám đốc kinh doanh của Lufthansa tại Hồng Kông, Macao và Nam Trung Quốc, cho biết trong một tuyên bố.
Nhưng ông cảnh báo rằng "các hạn chế đối với phi hành đoàn không có trụ sở tại địa phương vẫn còn", đề cập đến vấn đề yêu cầu nhân viên không làm ở trụ sở tại Hồng Kông vẫn phải cách ly trong các khách sạn.
Meyer mô tả yêu cầu này là "mối quan tâm lớn" đối với các hãng hàng không muốn tăng chuyến bay đến Hồng Kông.
British Airways và Japan Airlines (JAPSY) cũng có kế hoạch tăng cường dịch vụ đến thành phố phía Nam Trung Quốc. Vào thứ Sáu, BA đã thông báo rằng "chuyến bay chở khách đầu tiên của họ từ London đến Hồng Kông kể từ tháng 12/2021 sẽ cất cánh vào ngày 5/12 tới".
"Chuyến bay sẽ hoạt động bốn chuyến mỗi tuần cho đến ngày 18/12, tiếp theo là một chuyến một ngày kể từ đó trở đi", công ty cho biết trong một tuyên bố.
Hãng hàng không này đã đình chỉ dịch vụ đến Hồng Kông vào năm ngoái vì các yêu cầu kiểm dịch gắt gao đối với phi hành đoàn.
Japan Airlines sẽ tăng cường tần suất bay giữa Tokyo và Hong Kong, bắt đầu từ ngày 31/10.
Con đường phục hồi
Hơn hai năm hạn chế biên giới đã làm tê liệt vai trò trung tâm hàng không toàn cầu của Hồng Kông.
Tuần trước, Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế Willie Walsh cho biết chính sách zero-Covid của Trung Quốc đã "tàn phá" Hồng Kông.
Ông nói: "Hồng Kông đã đánh mất vị thế là một trung tâm toàn cầu và sẽ phải vật lộn để giành lại nó vì các trung tâm khác đã và đang tận dụng lợi thế này".
Tin tức hôm thứ Sáu đã đưa Hồng Kông trở lại "đúng hướng", Tiến sĩ Kam Hung Ng, trợ lý giáo sư kỹ thuật hàng không tại Đại học Bách khoa Hồng Kông cho biết.
Ông nói với CNN Business rằng Hồng Kông vẫn có những lợi thế có thể cho phép ngành hàng không của họ phục hồi trở lại như trước đại dịch, hoặc thậm chí hơn thế nữa".
Vị trí của Hồng Kông cho phép nó hoạt động như một cửa ngõ hậu cần và trung chuyển quốc tế cho nhiều điểm đến châu Á, cũng như Trung Quốc đại lục.
Hung Ng cho biết: "Đây không phải là điều có thể dễ dàng thay đổi, và lưu ý rằng thành phố này cũng là một phần quan trọng của Khu vực Vịnh Lớn của Trung Quốc, một khu kinh tế kết nối tỉnh Quảng Đông với các vùng lãnh thổ khác.
Sau khi các hạn chế đi lại được gỡ bỏ hoàn toàn, "nhu cầu sẽ quay trở lại", ông dự đoán.
Nhưng vẫn còn hai rào cản lớn ở phía trước đối với các hãng vận tải.
"Ngay cả khi những nhân viên của hãng hàng không quay trở lại làm việc, họ sẽ cần được đào tạo lại, có thể mất hai hoặc ba tuần cho mỗi người", ông nói thêm.
Sau đó, có nhu cầu "phủi bụi" máy bay cũ theo đúng nghĩa đen. Ông Ng. "Nó cần có thời gian".
Ông nói rằng điều đó có nghĩa là cần thời gian khoảng sáu tháng để một số hãng hàng không kiểm tra tất cả các máy bay của họ và sẵn sàng bay trở lại.
Vẫn còn một chặng đường dài phía trước
Đó là lý do tại sao nhiều hành khách sẽ không thể thấy chuyến bay trở lại bình thường trong khoảng thời gian ngắn.
Qantas của Úc (QABSY) hôm thứ Hai cho biết họ sẽ không thay đổi kế hoạch khởi động lại các chuyến bay đến Hồng Kông vào tháng 1/2023.
Korean Air nói với CNN Business rằng họ đã tăng tần suất các chuyến bay giữa Seoul và Hồng Kông vào tháng 7, khi các biện pháp kiểm dịch trước đó ở thành phố Trung Quốc được giảm bớt. Người phát ngôn của hãng cho biết thêm hãng này có thể sẽ duy trì mức hiện tại trong tương lai gần.
Người phát ngôn của Singapore Airlines nói với CNN Business rằng hãng sẽ linh hoạt trong bất kỳ điều chỉnh nào đối với dịch vụ hai chuyến bay khứ hồi hàng ngày đến Hồng Kông.
Tương tự, American Airlines (AAL) cho biết "chúng tôi liên tục xem xét mạng lưới toàn cầu của mình, nhưng không có bất kỳ tin tức nào để chia sẻ về việc nối lại dịch vụ Hồng Kông."
United Airlines nói với CNN Business hôm thứ Ba rằng họ đang "đánh giá nhu cầu thị trường và môi trường hoạt động để xác định thời điểm thích hợp để chúng tôi tiếp tục hoạt động các chuyến bay đến Hồng Kông".
KLM, hãng hàng không Hà Lan, cho biết hãng chưa bao giờ ngừng bay đến Hồng Kông, mặc dù hãng hiện chỉ khai thác một chuyến bay đến mỗi tuần qua Bangkok. Mùa Đông năm nay, con số đó sẽ tăng lên hai chuyến bay mỗi tuần, cũng kết nối qua thủ đô của Thái Lan, hãng nói với CNN Business.
Người phát ngôn cho biết: "Chúng tôi đang xem xét các khả năng bay thẳng" đến Hồng Kông.
Xie Xingquan, Phó chủ tịch khu vực Bắc Á của IATA, hoan nghênh việc dỡ bỏ kiểm dịch ở Hồng Kông nhưng cảnh báo về những thách thức phía trước đối với các doanh nghiệp.
"Toàn bộ chuỗi giá trị hàng không ở Hồng Kông cần được chuẩn bị cho sự gia tăng du lịch do nhu cầu bị dồn nén, tương tự như những gì chúng tôi đã thấy ở các thị trường khác ngay khi các biện pháp kiểm dịch được dỡ bỏ", ông nói trong một tuyên bố chia sẻ với CNN Business.
"Có đủ nhân lực cần thiết là chìa khóa để tránh những vấn đề thường thấy ở các sân bay châu Âu và Hoa Kỳ", ông nói thêm.
Đã có những cảnh hỗn loạn trong những tháng gần đây tại các sân bay ở châu Âu và Hoa Kỳ, với các chuyến bay bị hủy, hoãn chuyến nghiêm trọng và hàng dài hành khách. Vấn đề phần lớn là do nhu cầu đi lại cao và nhân viên không đủ, và trong một số trường hợp, các sân bay buộc phải cắt giảm tần suất chuyến bay.
(Nguồn: CNN Business)