Cái giá khi tham gia cuộc thi hoa hậu

Khoảng 10.000 cô gái tham gia thi hoa hậu ở Mỹ mỗi năm. Họ đầu tư hàng chục nghìn USD váy áo, huấn luyện nhưng kết quả chỉ một người chiến thắng.

 Ngày 17/3, vượt qua 39 người đẹp đến từ khắp thế giới, Karolina Bielawska - đại diện Ba Lan - đăng quang ngôi vị Miss World 2021. Bên cạnh nghĩa vụ mà đương kim hoa hậu phải làm, chiến thắng đã mở ra cho cô gái 23 tuổi vô số cơ hội nghề nghiệp sau này.

Theo Life Style, phần thưởng của Miss Universe 2021 Harnaaz Sandhu bao gồm 250.000 USD tiền mặt, gói quà tặng vài trăm nghìn USD từ thương hiệu trang sức, mỹ phẩm, quần áo, dịch vụ làm đẹp... cùng một năm sống trong căn hộ sang trọng ở New York và đội chiếc vương miện trị giá 5 triệu USD.

Đồng ý rằng vương miện đi đôi với trách nhiệm và áp lực dư luận, nhưng nhìn vào phần thưởng trước mắt, rất nhiều cô gái đã đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc để chạy theo danh hiệu hoa hậu.

Cái giá khi tham gia cuộc thi hoa hậu

 Choáng với bộ váy 3.000 USD

"Những bước catwalk của Hoa hậu Mỹ trông có vẻ không mất bao nhiêu công sức, nhưng đường đến thành công của cô ấy chắc chắn đã ngốn rất nhiều tiền bạc hơn bạn nghĩ", NPR mở đầu bài viết Cái giá khi tham gia đấu trường sắc đẹp.

Theo tờ báo, mỗi năm có khoảng 10.000 phụ nữ tìm kiếm cơ hội tại 15 cuộc thi hoa hậu lớn nhỏ, từ cấp địa phương, tiểu bang đến quốc gia ở Mỹ, nổi cộm nhất là Miss USA và Miss America - đều là Hoa hậu Mỹ nhưng do hai đơn vị tổ chức, tiêu chí cũng khác nhau.

Có thể khẳng định sân chơi sắc đẹp là thương vụ làm ăn lớn của tất cả những người liên quan - từ ban tổ chức, nhà tài trợ đến nhà thiết kế, huấn luyện viên - họ là những người bỏ túi bộn tiền. Tuy nhiên, thí sinh thì không (ngoại trừ cô gái chiến thắng).

Cuộc thi Hoa hậu quận Columbia thu hút 24 cô gái chạy đua đến ngôi vị cao nhất, tranh suất tham gia Hoa hậu Mỹ. Jessica Bermudez, 24 tuổi, là sinh viên mới ra trường hai năm. Cô đến cửa hàng chuyên về váy dạ hội ở Alexandria, tiểu bang Virginia để chọn đồ đi thi trong sự bỡ ngỡ.

Quản lý cửa hàng đưa Bermudez ướm thử mẫu váy xanh dương đậm với điểm nhấn hàng nghìn viên kim cương giả được đính kết khéo léo. Chưa kịp trầm trồ bản thân trước gương thì cô gái trẻ đã choáng váng khi nghe đến mức giá 3.000 USD.

Bermudez không tiết lộ cuối cùng cô chọn bộ trang phục nào, nhưng những thiết kế của thương hiệu Deja Vu có giá dao động khoảng 700 - 4.000 USD.

"Nếu cho rằng cha mẹ Jessica Bermudez đã ký cho con gái một tấm séc, bạn đã nhầm. Cô ấy dùng tiền tiết kiệm kiếm được từ công việc bán thời gian ở Viện Y tế Quốc gia Mỹ để trang trải chi phí thi sắc đẹp", NPR viết.

Được biết, một số doanh nghiệp địa phương đã ngỏ ý tài trợ Bermudez. Đổi lại, cô phải quảng bá sản phẩm cho họ. Đây cũng được coi là thuận lợi của Bermudez so với một số thí sinh khác.

Những khoản đầu tư thông minh

Carl Dunn - Giám đốc điều hành tạp chí Pageantry - nói rằng ở góc độ kinh doanh thì đấu trường nhan sắc cũng như thương trường của những ông chủ, nhà tổ chức trước thương vụ bạc tỷ siêu lợi nhuận.

Jessica Bermudez mặc bộ váy 3.000 USD. Với cô, đây là chiếc váy đắt nhất từng mặc. Ảnh: Coburn Dukehart / NPR.
Jessica Bermudez mặc bộ váy 3.000 USD. Với cô, đây là chiếc váy đắt nhất từng mặc. Ảnh: Coburn Dukehart / NPR.

 "Trước hết, bạn phải hiểu đây là công việc kinh doanh. Hãy nhìn đi, tất cả dù lớn hay nhỏ, đơn vị tổ chức, nhà tài trợ, nhà thiết kế, chuyên gia trang điểm, huấn luyện viên, hỗ trợ viên... đều được lợi trong việc này", Dunn cho biết.

Sau khi giành danh hiệu Hoa hậu Baltimore và Á hậu 3 Hoa hậu bang Maryland, Victory Mohamed trở lại cuộc thi với tư cách huấn luyện viên. Mohamed nói nếu các cô gái muốn cạnh tranh nghiêm túc, hãy chuẩn bị mọi thứ, và quan trọng nhất là tiền.

Hoa hậu liệt kê giá dao động của một bộ váy dạ hội từ 500 đến 2.000 USD, trang phục cho vòng phỏng vấn kín khoảng 200 USD, chưa kể giày dép, trang sức, dụng cụ trang điểm và đồ bơi chiếm gần 300 USD.

 Trong khi đó, International Business Times thống kê đối với các đấu trường cấp quốc gia như Miss USA, thí sinh thường phải đặt nhà thiết kế may trang phục riêng, và cái giá họ phải trả đắt hơn nhiều, từ 8.000 đến 10.000 USD cho một kiểu váy đuôi cá hoặc đính kết sequins.

Bên cạnh diện mạo phải thật lộng lẫy, thí sinh còn tốn chi phí cho việc đào tạo, trau dồi kỹ năng catwalk, tạo dáng. Giá thuê huấn luyện viên vào khoảng 40 đến 300 USD/giờ, tùy trình độ của chuyên gia.

"Giả sử bạn sắm bộ váy 10.000 USD, học với huấn luyện viên trong một tháng, lên lịch làm tóc và trang điểm ba giờ đồng hồ mỗi lần xuất hiện, xịt màu da rám nắng, đội tóc giả đến một trong những cuộc thi uy tín nhất, ít nhất bạn phải thủ sẵn con số 12.325 USD", International Business khẳng định.

Hoa hậu Victory Mohamed cho rằng một cô gái thông minh sẽ bớt đi đôi bông tai, không sắm quá nhiều giày để dành khoản đầu tư vào huấn luyện viên giúp cải thiện cả về hình thể, phong cách ăn mặc và kỹ năng giao tiếp, ứng xử.

"Các bạn sẽ khó có vị trí cao ở Hoa hậu Mỹ hoặc Hoa hậu Hoàn vũ nếu không làm theo cách này", Mohamed nhấn mạnh.

Các thí sinh của cuộc thi sắc đẹp thường sắm nhiều giày để phù hợp với từng loại trang phục. Điều đó khiến chi phí đội lên rất nhiều. Ảnh: Coburn Dukehart/NPR.
Các thí sinh của cuộc thi sắc đẹp thường sắm nhiều giày để phù hợp với từng loại trang phục. Điều đó khiến chi phí đội lên rất nhiều. Ảnh: Coburn Dukehart/NPR.

Theo NPR, Mohamed giành được học bổng giúp cô trang trải chi phí cuộc sống sau khi tốt nghiệp đại học. Cô trích một phần vào những mục đầu tư nêu trên khi quyết định thi hoa hậu. Như Mohamed từng kể, cô đã được một công ty định hình phong cách và cho mượn studio để tập luyện.

"Thi hoa hậu là sự đầu tư tuyệt vời"

Trả lời phỏng vấn NPR, Jessica Bermudez bày tỏ rằng nếu thuyết phục được ban giám khảo chọn mình, cuộc đời cô sẽ sang trang mới. Ngoài giải thưởng tiền mặt hàng nghìn USD và cơ hội cạnh tranh danh hiệu Hoa hậu Mỹ, Bermudez sẽ được nhiều nhãn hàng săn đón, mời làm đại sứ.

Tuy nhiên, ngay cả khi danh hiệu thuộc về người khác, Bermudez vẫn tin đây là trải nghiệm, sự đầu tư tuyệt vời cho tuổi trẻ.

"Bạn tích lũy thêm kinh nghiệm và quan hệ với nhiều người. Hơn nữa, bạn đã có cơ hội mang câu chuyện và thông điệp của mình lan tỏa đến cộng đồng. Thông điệp của tôi là thúc đẩy STEM - nhóm ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) - vốn thiếu nhân lực nữ, tỷ lệ phụ nữ tham gia vẫn chỉ khoảng 37%", Bermudez phát biểu.

Cô gái 24 tuổi nuôi dưỡng sự tự tin từ những trải nghiệm sống. Với cô, việc tranh tài cùng hàng chục, hàng trăm người đẹp khác là cơ hội để chứng minh ai tự tin hơn.

"Tôi luôn bước đi với niềm tin và hy vọng. Tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng nhất có thể, để dù không mang về danh hiệu như kỳ vọng, tôi vẫn cảm thấy bản thân đã cố gắng hết sức", Bermudez chia sẻ thêm.

Quốc Minh

theo Zing News

Sự nguy hiểm của biến chủng Covid-19 mới

Sự nguy hiểm của biến chủng Covid-19 mới

Biến chủng lai Deltacron đã được xác định tại một số vùng ở Pháp và dường như chúng bắt đầu xuất hiện từ đầu năm nay.