Trong những ngày qua, trước sự ra đi của nghệ sĩ Chánh Tín, người ta lại một lần nữa nhắc đến tác phẩm nổi tiếng một thời Ván bài lật ngửa. Bộ phim được đánh giá là thành công vang dội trong nhiều năm qua và cho đến hiện tại, gắn liền với hàng loạt những nghệ sĩ gạo cội hàng đầu của Việt Nam.
Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết Giữa biển giáo rừng gươm của nhà văn Trần Bạch Đằng sáng tác trong những năm đầu thập niên 80 với bút danh Nguyễn Trương Thiên Lý. Nội dung xây dựng hình ảnh người chiến sĩ điệp báo Nguyễn Thành Luân với lòng dũng cảm, sự mưu trí, khôn khéo với nguyên mẫu ngoài đời là Đại tá, Anh hùng LLVTND Phạm Ngọc Thảo.
Chánh Tín trong vai Đại tá Nguyễn Thành Luân. |
Cụm từ “biển giáo rừng gươm” nhằm ám chỉ đến sự nguy hiểm rình rập mọi lúc vào những ngày tháng Đại tá Nguyễn Thành Luân hoạt động trong lòng quân địch như một kỵ sĩ đơn độc nhưng chưa một phút giây lo sợ hay chùn bước.
Tác phẩm Giữa biển giáo rừng gươm từng được đăng dài kỳ trên báo sau đó chuyển thể thành kịch bản của bộ phim điện ảnh 8 tập mang chung tên Ván bài lật ngửa, do đạo diễn Khôi Nguyên (Lê Hoàng Hoa) thực hiện, ra mắt từ năm 1982 (tập 1) đến 1988 (tập 8).
Phim đã làm nên tên tuổi của các nghệ sĩ lừng danh là Chánh Tín trong vai Đại tá Nguyễn Thành Luân, Thương Tín trong vai Thiếu tá Vọng, Lâm Bình Chi trong vai Ngô Đình Nhu, Thúy An và Thanh Lan trong vai Thùy Dung - vợ Đại tá Nguyễn Thành Luân… Hình ảnh nghệ sĩ Chánh Tín tính từ thời điểm đó luôn gắn liền với vai Đại tá Luân của Ván bài lật ngửa cho dù trước và sau đó ông còn tham gia rất nhiều bộ phim khác. Sự lột tả một cách chân thực vai diễn này đã khiến khán giả mãi khắc sâu một Chánh Tín của Ván bài lật ngửa.
Vì bộ phim quá nổi tiếng nên tác giả Trần Bạch Đằng đã quyết định sử dụng tên “Ván bài lật ngửa” thay cho tiểu thuyết của mình khi xuất bản vào năm 1986. Cụm “ván bài lật ngửa” là câu nói trong cảnh Ngô Đình Nhu nói với Nguyễn Thành Luân: "Anh đã thắng tôi trong ván bài mà mọi con bài đều lật ngửa".
|
Trong cuốn tiểu thuyết, ông từng viết: "Tưởng nhớ anh Chín T. và các đồng chí đã chiến đấu, hy sinh thầm lặng". Thời điểm đó để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của vợ con ông Phạm Ngọc Thảo đang sống ở Mỹ, nên tác giả buộc phải viết tắt.
Tác giả Trần Bạch Đằng qua lời kể của cố nghệ sĩ Chánh Tín là người cũng từng tham gia tình báo và có rất giỏi trong việc nắm bắt tâm lý người khác, vì có thời gian gắn bó với ông Phạm Ngọc Thảo nên mọi câu chữ về ông đều rất chân thật và chính xác. Bên cạnh đó ông Trần Bạch Đằng cũng từng là lãnh đạo của Ban tuyên huấn Trung ương Cục, nên nắm rất rõ chi tiết của từng trận đánh.
Bối cảnh chính của tác phẩm là năm 1954, khi nhân vật Nguyễn Thành Luân rời vùng kháng chiến để tham gia tình báo để hoạt động tình báo cho đến năm 1965, khi trong nội bộ chính quyền VNCH có nhiều biến động, thời điểm này đại tá Phạm Ngọc Thảo cũng hy sinh. Tiểu thuyết có 1 phần thứ 9 là Kỵ sĩ và Mimosa (mật danh của Nguyễn Thành Luân và Thùy Dung) không được dựng phim.
Tuy nhiên cái kết của hai tác phẩm lại khác nhau, truyện dừng ở đoạn Đại tá Nguyễn Thành Luân giữ chức Tùy viên báo chí của sứ quán VNCH tại Mỹ đã lên máy bay trở về miền Nam và "mất tích", còn phim thì kết ở đoạn Nguyễn Thành Luân viếng mộ Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu. Sau này, đạo diễn Lê Hoàng Hoa cũng thêm thắt và thay đổi các chi tiết cho mang tính nghệ thuật như việc Khởi động được đổi thành Quân cờ di động. Phần 4, Góp sức với rừng, có tên phim là Cơn hồng thủy và bản tango số 3.
Cái hay của truyện chính là dẫn dắt người đọc như được trải qua một quãng đời thật của người anh hùng cách mạng Phạm Ngọc Thảo, thông qua cuộc đấu trí cam go của nhân vật, cơ quan tình báo và địch, người đọc cảm nhận được sự nguy hiểm cũng như khó khăn mà các chiến sĩ của chúng ta từng phải trải qua. Truyện còn hấp dẫn người đọc với những cuộc chiến đấu trực tiếp như khi Nguyễn Thành Luân dẹp băng cướp Rừng xanh, cuộc chiến giành giật ma túy của Ngô Đình Nhu từ Tam giác vàng về…
Bộ truyện Ván bài lật ngửa do NXB Trẻ phát hành năm 2015. |
Bên cạnh đó, có những trường đoạn khiến người khác phải cân não như kế ly gián đánh vào hai anh em quân sư của thủ lĩnh Bình Xuyên Lại Hữu Sang và Lại Hữu Tài, hai vợ chồng Nguyễn Thành Luân đánh lạc hướng máy nghe lén của đối phương hay Nguyễn Thành Luân thoát khỏi sự đeo bám của tên phản bội Sáu Thưng... Sự trung thành và sẵn sàng hy sinh của hàng loạt các nhân vật dưới trướng Nguyễn Thành Luân cũng mang đến nhiều nước mắt và niềm tự hào cho người dân Việt Nam.
Đạo diễn Khôi Nguyên từng biến một tiểu thuyết cách mạng thành một tác phẩm hành động với vô vàn các cảnh quay chiến đấu vô cùng bắt mắt, một vài chi tiết cũng được hình tượng hóa mà không giữ nguyên bản như khi Nguyễn Thành Luân đã thay đầu đạn đồng bằng ruột bánh mì được nén chặt.
Nhà văn Trần Bạch Đằng là người tạo nên Nguyễn Thành Luân cho Chánh Tín, bởi ông đặt sự tin tưởng của mình vào Chánh Tín ngay cả khi lúc đó đang bị quản thúc vì vượt biên. Cho đến bây giờ, hình ảnh "Đại tá Luân" với gương mặt điển trai, lãng tử nhưng đầy nam tính của Chánh Tín vẫn là vai diễn gây ấn tượng nhất trong lòng khán giả.
Trong số các tiểu thuyết chuyển thể thành phim, Ván bài lật ngửa được coi là tiểu thuyết tình báo chuyển thể thành công nhất.
Diễn viên Chánh Tín, tác giả Trần Bạch Đằng và đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã từ giã cõi đời, thế nhưng tác phẩm Ván bài lật ngửa mà họ để lại mãi mãi ghi dấu trong lòng khán giả và là tác phẩm hay nhất, đáng nhớ nhất.
Hà Nội: Công an tạm giữ các đối tượng trả lương cho công nhân bằng ma túy
Ngày 6/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an quận Thanh Xuân cho biết đã tạm giữ 2 đối tượng để điều tra về việc trả lương bằng ma túy.