Chân dung người phụ nữ quyền lực nhất châu Âu

Là Chủ tịch Ủy ban châu Âu, sự nghiệp bà Ursula von der Leyen trải qua nhiều khó khăn và thăng trầm.

Mùa đông năm ngoái, khi các quan chức tối cao của Liên minh châu Âu E.U làm việc căng thẳng tại Thủ đô Brussels, Bỉ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu - bà Ursula von der Leye đã có một dự cảm lạ thường: rằng mọi chuyện rồi sẽ trở nên tốt đẹp. Chỉ hơn hai năm từ khi bà Ursula von der Leyen trở thành Chủ tịch Ủy ban châu Âu, với việc quân đội Nga tập trung dọc biên giới Ukraine, công việc của bà là phối hợp với các quốc gia thành viên EU về các biện pháp trừng phạt Nga. “Chúng tôi làm việc ngày đêm, nhưng hy vọng sẽ không bao giờ phải áp dụng chúng”, bà nói.

Thời điểm đó, người đàn bà quyền lực nhất châu Âu này đã quen với cuộc sống tại văn phòng. Bất cứ khi nào bà không có lịch đi công tác hay những dịp hiếm hoi về thăm gia đình tại Đức, bà Von der Leyen thường ngủ tại căn phòng rộng 25m2 ngay bên chiếc bàn làm việc, dù công việc của bà không bắt buộc phải làm việc đó. Và thói quen đó trở nên hợp lý hơn khi vào ngày thứ 102 từ khi bà nhậm chức, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã tuyên bố đại dịch Covid-19 vào tháng 3/2020. Khi đó EU dường như có thể tan rã với những bất đồng gay gắt về việc đóng cửa biên giới và những cuộc đàm phán căng thẳng về một gói giải cứu kinh tế. “Đó là một chế độ khủng hoảng”, bà nhớ lại.

Bà Ursula von der Leyen (ảnh: internet).
Bà Ursula von der Leyen (ảnh: internet).

Có lẽ đó không phải những gì bà Von der Leyen mong chờ khi trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử - và người Đức đầu tiên trong hơn 50 năm- lãnh đạo Ủy ban châu Âu (nơi có chức năng như cơ quan hành pháp của EU và cũng là cơ quan duy nhất có khả năng đề xuất các luật mới). Công việc hàng ngày của một Chủ tịch là khiến hội đồng ủy viên – đại diện của 27 quốc gia thành viên EU – đồng ý về các chính sách và ngân sách của EU và đề xuất đạo luật. Khi nhậm chức tháng 12 năm 2019, trọng tâm của bà là tập trung vào các chính sách xanh và kỹ thuật số, cũng như về bình đẳng giới.

Tuy nhiên thay vào đó, chương trình nghị sự đã hoàn toàn bị đảo lộn bởi chiến tranh và dịch bệnh. Và khi dịch bệnh chỉ vừa bắt đầu giảm – số thiệt mạng vì đại dịch Covid-19 đã vượt quá 2 triệu người- thì khủng hoảng tiếp theo lại bắt đầu, khi Nga tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine ngày 24/2. “Đó là một cơn ác mộng, nhưng chúng tôi đã chuẩn bị, và thực sự có thể hành động nhanh chóng”, bà nói.

Chỉ trong vòng 1 tuần xâm chiếm, Brussels (Bỉ) đã thực hiện 3 gói trừng phạt chống lại Nga, tấn công tất cả phương diện từ các ngân hàng của Nga tới các cơ sở truyền thông do Điện Kremlin kiểm soát. Lần đầu tiên, EU cho biết sẽ gửi vũ khí tới một quốc gia đang bị tấn công. Diễn biến trên lục địa thay đổi nhanh chóng, với việc Đức từ bỏ chủ nghĩa hòa bình trong nhiều thập kỷ để gửi vũ khí hạng nặng tới Ukraine, còn Phần Lan và Thụy Điển từ bỏ quan điểm trung lập lâu đời để xin gia nhập NATO.

Trong đại dịch, bà Von der Leyen đã chứng tỏ “khả năng của bà giống như một “fixer-leader” với những giải pháp kết nối và kiếm tìm sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên”, bà Susi Dennison – thành viên chính sách cấp cao tại Hội đồng châu Âu về Quan hệ đối ngoại cho biết. Những người khác lại thấy bà không chỉ là người xây dựng sự đồng thuận, mà còn là tiếng nói của sự minh bạch về đạo đức.

Trong tháng Tư, bà là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên đến thăm Ukraine sau cuộc xâm chiếm của Nga, gọi Tổng thống Zelensky là “Volodymyr thân yêu” và trao ông những đề nghị để gia nhập EU. “Cuộc chiến của ông là cuộc chiến của chúng tôi”, bà nói. Tại thành phố Strasbourg (Pháp) tháng sau đó, bà yêu cầu giải trình trách nhiệm với các tội phạm chiến tranh Nga, nhấn mạnh rằng Tổng thống Vladimir Putin phải “trả một giá rất đắt” cho sự tàn bạo của ông. Bà thậm chí từ chối khi nghĩ về những ấp ủ tương lai với Moscow: “Nếu không có sự thay đổi trong lãnh đạo, tôi không thấy được sự cải thiện trong mối quan hệ. Niềm tin hoàn toàn bị phá vỡ”, bà chia sẻ.

Ngày 8/4, Bà Von der Leyen trở thành nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên đến thành phố Bucha, Ukraine (Ảnh: AP).
Ngày 8/4, Bà Von der Leyen trở thành nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên đến thành phố Bucha, Ukraine (Ảnh: AP).

Giới phê bình cho rằng Brussels vẫn có thể làm được hơn thế, rằng các quốc gia thành viên EU đang trả tổng cộng khoảng 1 tỷ đô mỗi ngày cho dầu và khí đốt của Nga, điều đó đồng nghĩa với việc “tài trợ” cho sự tàn bạo của Tổng thống Putin. Dù vậy, nhiều người thừa nhận tốc độ làm việc phi thường của khối. “Chúng tôi đã chứng minh rằng nền dân chủ có thể mang lại hiệu quả”, bà Von der Leyen cho biết.

Sinh ra năm 1958 tại Brussels (Bỉ), bà Von der Leyen lớn lên coi nền dân chủ như một điều hiển nhiên. Cha của bà, ông Ernst Albrecht làm việc cho một tổ chức là tiền thân của Liên minh EU. Bà đã trải qua tuổi thơ trong một thế giới ưu tú, theo học một trường học châu Âu ở thủ đô của Bỉ, và cưỡi ngựa vào những lúc rảnh rỗi. Là con thứ ba trong một gia đình bảy người con – và bản thân bà cũng là người mẹ của bảy con, bà trở thành một chuyên gia trong việc cân bằng các lợi ích cạnh tranh. “Điều tôi học được từ rất sớm là tôi sẽ làm tốt nhất nếu nhóm vẫn ổn. Tôi là một người tin sâu sắc vào những cuộc đàm phán”, bà nói.

Năm 1971, gia đình bà chuyển tới một đất nước Đức bị chia cắt. Cha của bà sau đó được bầu vào quốc hội với tư cách chính trị gia của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) trung hữu. Thậm chí giờ đây, bà Von der Leyen vẫn có thể nhớ lại nỗi sợ hãi mà bà đã cảm nhận khi đi từ Tây Đức tới Berlin. “Chúa ơi, bạn chỉ sợ rằng mọi điều đều có thể xảy ra. Bạn cảm thấy như không có sự bảo vệ nào đến từ pháp quyền”, bà nói.

Bà Von der Leyen, có thể nói thông thạo tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Pháp, bà được giáo dục một cách chuẩn mực với những tiêu chuẩn của châu Âu thời hậu chiến. Nhưng trong một vài giai đoạn, người ta có thể thấy bà ở một quán rượu Soho hay buổi nhạc punk, thay vì kết giao với con cái của các chính trị gia. Năm 1978, khi cha bà phải đối mặt với đe dọa bà sẽ bị bắt cóc, bà đã lấy bút danh “Rose Ladson” và đi học tại Trường Kinh tế London. “Tôi đã sống nhiều hơn những gì tôi đã học”, bà chia sẻ với tờ Die Zeit năm 2016. Sở thích nhạc punk của bà giờ cũng dần chuyển sang theo hướng nhạc cổ điển, và đặc biệt là nhạc Adele.

Bà Ursula von der Leyen bên 7 người con vào năm 2003 (Ảnh: Getty Images).
Bà Ursula von der Leyen bên 7 người con vào năm 2003 (Ảnh: Getty Images).

Bà cũng từng trở lại Đức, nơi bà gặp bác sĩ Heiko von der Leyen - người sau này là chồng của bà, trong dàn hợp xướng của Đại học Göttingen. Họ kết hôn năm 1986, ngay sau đó bà tốt nghiệp trường Y Hannover và bắt đầu làm bác sĩ phụ khoa. Năm 1992, cặp đôi chuyển đến California (Mỹ) cùng ba con khi ông Heiko được mời một vị trí trong khoa của trường Đại học Stanford. Bà Ursula khi đó đã bỏ việc, nhưng ngạc nhiên khi trường Stanford sẵn sàng hỗ trợ họ trong việc chăm sóc trẻ. Trong khi đó khi trở lại Đức, với những quan điểm một người mẹ tốt thì phải ở nhà chăm sóc con cái (Sự kỳ thị đó vẫn tồn tại cho tới ngày nay. Năm 2019, 2/3 số phụ nữ Đức có con dưới 18 tuổi thường làm bán thời gian, thay vì toàn thời gian). “Tư tưởng ấy rất hiện đại và những gì tôi mang về nhà là: sẽ không ai khiến tôi cảm thấy tồi tệ về việc vừa muốn có con, mà vẫn muốn làm việc”.

Sau khi về Đức vào năm 2006, bà tham gia vào chính trị địa phương cho CDU. Dù không thích bị so sánh với cha mình. Năm 2005, bà Angela Merkel (cựu Thủ tướng Đức) đã bổ nhiệm bà làm Bộ trưởng Liên bang về các vấn đề gia đình, công dân cao cấp, phụ nữ và thanh niên. Bà von der Leyen đã trở thành một ngôi sao đang lên ở Đức và chứng tỏ được là một lực lượng cấp tiến bất ngờ cho đảng trung hữu. Bà giới thiệu chương trình nghỉ phép có lương cho phụ huynh, thêm hai tháng cho những người cha đã nghỉ phép, và tăng số lượng trung tâm giữ trẻ ban ngày do nhà nước tài trợ cho những trẻ dưới 3 tuổi. Khi sự nghiệp phát triển, chồng của bà đảm nhận các trách nhiệm chăm sóc con. Bà luôn chịu áp lực giải thích cách làm của mình. “Tại sao chẳng có một ai hỏi một nam bộ trưởng rằng: bạn đang xoay sở với bảy đứa con ở nhà như thế nào? Tôi ghét điều đó”.

Năm 2013, bà được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng nữ đầu tiên ở Đức, được xem là một công việc khó nhất ở Berlin, chưa kể đến việc vị trí đó vốn được xem là chỉ dành cho nam giới. Người phụ nữ từng được coi là nhà lãnh đạo tiếp theo của Đức này – tiểu sử của bà năm 2015 từng được gắn chức danh “Thủ tướng”, đã rơi vào thế nguy hiểm vào năm 2019 khi bị vấy bẩn bởi hàng loạt các vụ bê bối. Chính Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cứu vãn sự nghiệp của bà, đưa tên tuổi bà đi lên khi các cuộc đàm phán cho vị trí Chủ tịch mới của Ủy ban châu Âu bị chặn. Bà Von der Leyen bất ngờ trở thành người chiến thắng – nhờ vào một thỏa thuận gây tranh cãi đã giúp bà có được một trong những công việc hàng đầu châu Âu khi bà thậm chí còn không tranh cử. Khi đó, bà từng là một nhân vật gây chia rẽ ở quê nhà, đến mức Đức là quốc gia thành viên EU duy nhất bỏ phiếu trắng để đề cử bà.

Giai đoạn đó, bà miễn cưỡng ở lại. “Bạn học được rất nhiều điều khi khả năng lãnh đạo không chỉ được quan tâm bởi sự thành công, mà còn cả khi mọi thứ diễn ra không theo ý muốn”, bà nói. Dù là người phụ nữ đầu tiên giữ vị trí Chủ tịch Ủy ban, bà cho biết cái thế giới quanh bà hiện nay dễ dàng hơn nhiều so với khi ở Bộ Quốc phòng. Dù vậy, bà vẫn không tránh khỏi những phân biệt giới tính trong môi trường làm việc. Năm ngoái, một đoạn video lan truyền trên mạng cho thấy Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Charles Michel và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan đang ngồi trên hai chiếc ghế tại một hội nghị thượng đỉnh, trong khi bà Von der Leyen rõ ràng thấy khó chịu khi phải đứng. Sau đó bà đã có một bài phát biểu đầy hàm ý về phân biệt giới tính về vụ việc này, có tên là “Sofagate”. “Đó là một tình huống mà phụ nữ phải âm thầm đối mặt hàng triệu lần”, bà chia sẻ. Bà học cách đối phó với những “sỉ nhục nhỏ” này, một phần bằng cách quan sát bà Merkel đối mặt với sự kỳ thị nữ giới trong nhiều năm: “Bà ấy luôn là người hiểu biết nhiều hơn trong các chủ đề. Nhưng sau đó, không ai còn hỏi bà nữa”.

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

Và giờ, đó là cách mà bà Von der Leyen áp dụng. Bà thường bình tĩnh một cách khác thường, bất kể mọi thứ xung quanh trở nên khó khăn ra sao. (Với định kiến truyền thông quốc gia, nước Anh còn gọi bà là “nữ hoàng băng giá của Đức”). Bà cho rằng đó là vì tuổi tác, nhưng cũng do kiến thức và kinh nghiệm. Càng đọc nhiều – về sản xuất vaccine, về năng lượng, về kiểm soát nhập khẩu – bà càng thấy dễ dàng để tự tin về vị trí của mình. “Sự bình tĩnh không đến như một món quà, mà đến cùng sự nỗ lực”.

Ngay từ trước khi nhậm chức, bà Von der Leyen biết sẽ phải làm việc vất vả để có thể chuyển đổi EU. Những gì bà đề xuất hồi tháng 9/2019 là một “Ủy ban địa chính trị” mới – một EU mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn trên trường quốc tế, bao gồm việc dẫn đầu về vấn đề khủng hoảng khí hậu và mở rộng vai trò an ninh. Thách thức là EU về cơ bản là một tổ chức dựa trên các quy tắc, khiến nó ít linh hoạt hơn đối với kiểu điều động chính trị mà bà Von der Leyen có thể hình dung. Ví dụ rõ ràng nhất là nỗ lực mới nhất của bà nhằm đưa Ukraine nhanh chóng ra nhập EU – điều mà bà cho là nghĩa vụ đạo đức. Trong chuyến thăm tháng 4 tới Ukraine, bà tuyên bố: “Ukraine thuộc về gia đình châu Âu”. Tuy nhiên với cách khối được thành lập có nghĩa quá trình này sẽ mất nhiều năm.

Chuyên gia nói rằng sau vài va vấp trong đại dịch – gồm cả việc chậm triển khai vaccine Covid-19- bà Von der Leyen nổi lên như một nhà lãnh đạo giỏi trong việc đánh giá những gì châu Âu cần trong một thời điểm nhất định. “Bà ấy thấy thoải mái hơn nhiều trong bầu không khí đa phương này. Bà ấy nhận ra giới hạn của vai trò và đang thực hiện nó hiệu quả”, William Drozdiak, một chuyên gia các vấn đề châu Âu tại Trung tâm Wilson cho biết.

Những giới hạn đó là công việc của bà thường liên quan đến việc có một tầm nhìn táo bạo, cũng như đủ linh hoạt để đạt được một thỏa hiệp – là điều bà yêu thích. “Tôi chỉ dùng quyền lực chừng nào còn tạo ra đa số. Đó là phần khiêm tốn trong các nền dân chủ và cũng là phần tuyệt vời của nó, bởi bạn luôn tìm kiếm các giải pháp tốt cho nhiều người”.

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

Bà Von der Leyen tin câu trả lời cho tất cả điều này là sự gắn kết chặt chẽ hơn bao giờ hết, với câu ẩn dụ phổ biến ở Brussels: “EU như chiếc xe đạp. Nó sẽ đổ nếu đứng yên”. Nếu sự gắn kết dừng lại, tranh luận tiếp diễn, bản thân dự án châu Âu sẽ sụp đổ. Bà chỉ ra rằng việc rời khối của Anh chưa khích lệ các quốc gia khác làm điều tương tự, và ý kiến dư luận về EU ngày càng “ấm lên” trong những năm gần đây. Theo bà thấy, tương lai của liên minh phụ thuộc vào Ukraine. “Những người Ukraine, đã vô cùng dũng cảm, chiến đấu cho các giá trị và nguyên tắc dân chủ của chúng ta. Chúng ta không bao giờ hoàn hảo trong các nền dân chủ, nhưng việc có những nguyên tắc – sự bảo vệ nhóm thiểu số, phẩm giá của con người, tự do báo chí – là điều tuyệt vời”, bà nói.

Những người khác cho rằng nhiệm kỳ của bà Von der Leyen được xác định bởi chủ nghĩa thực dụng của bà hơn là tập trung vào bản sắc châu Âu. Nhà phân tích Dennison trích dẫn cách tiếp cận “ấm áp” hơn của Brussels đối với Ba Lan từ khi chiến tranh bắt đầu, bất chấp nước này vi phạm quyền độc lập tư pháp, như một ví dụ về cách bà Von der Leyen chỉ đơn giản cố gắng đảm bảo số phiếu cần thiết để thông qua các thỏa thuận. “Bà ấy đã góp phần đảm bảo những cơ chế phức tạp có thể hoạt động trong một chuỗi khủng hoảng chưa từng có, nhưng tôi không nghĩ bà ấy có thể trở thành đầu tàu cho sự tái sinh của nền dân chủ châu Âu”, ông nói.

Sự tái sinh này không có vẻ sớm xảy ra. Mỗi ngày là một thử thách mới cho liên minh này. Đối mặt với làn sóng di chuyển lớn nhất của người dân trên lục địa từ Chiến tranh thế giới thứ hai, các quốc gia đang vật lộn để cung cấp nhà cửa và việc làm cho 6,9 triệu phụ nữ và trẻ em Ukraine. Các lệnh trừng phạt bắt đầu có hiệu lực, với chi phí năng lượng và giá thực phẩm tăng vọt, và mức lạm phát khu vực đồng Euro chạm mức cao nhất từ khi đồng tiền ra đời năm 1999. Brussels đã phải miễn trừ Hungary – nơi có nhà lãnh đạo cánh hữu thân thiện với Tổng thống Nga Putin, Viktor Orban, vừa giành được nhiệm kỳ thứ tư- khỏi kế hoạch cấm vận dầu mỏ của Nga.

Bà Von der Leyen trong hội thảo chính sách khí hậu mới của EU tại Brussels, Bỉ tháng 7/2021 (Ảnh: internet).
Bà Von der Leyen trong hội thảo chính sách khí hậu mới của EU tại Brussels, Bỉ tháng 7/2021 (Ảnh: internet).

Dù vậy, bà Von der Leyen vẫn yên tâm khi các ưu tiên mà bà đặt ra khi bắt đầu nhiệm kỳ - số hóa, khả năng phục hồi kinh tế, hành động về khí hậu – vẫn còn cấp bách cho đến ngày nay. Điều này đặc biệt đúng với Thỏa thuận xanh châu Âu, chiến lược bà đưa ra dẫn đến việc tất cả 27 quốc gia thành viên cam kết năm 2020 để giúp EU tạo “net-zero” vào năm 2050. “Cả thế giới, bao gồm cả EU, lẽ ra phải hành động từ ngày hôm qua. Nhưng chúng ta là những nhà lãnh đạo thế giới”, bà nói. Vào tháng 7/2021, EU đã thông qua các đề xuất để đảm bảo các chính sách của khối đặt ra con đường giảm phát thải ít nhất 55% vào năm 2030, so với mức của năm 1990.

Bà Von der Leyen cho biết xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy các chính trị gia thường thờ ơ với khí hậu hành động nhanh chóng. “Một điều chắc chắn là: cuộc chiến này có nghĩa EU đang đa dạng hóa hoàn toàn khỏi nhiên liệu hóa thạch của Nga. Nga đang đánh mất khách hàng lớn nhất của họ”, bà nói. Dù vậy, bà nhận thức được rằng chiến tranh không chỉ có tác động tàn khốc đến khí hậu – tiến hành chiến tranh rất tốn nhiên liệu hóa thạch- mà giá năng lượng cao cũng có thể nhanh chóng xoay chuyển ý kiến dư luận. Theo bà, lý tưởng nhất là giá cao thúc đẩy người tiêu dùng chọn thứ khác, như năng lượng tái tạo. Thế nhưng, các hộ gia đình và doanh nghiệp thu nhập thấp không có sự linh hoạt để điều động như vậy, và chính phủ cần trợ cấp cho họ. “Quá trình chuyển đổi chỉ hoạt động nếu nó cân bằng về mặt xã hội”, bà nói.

Hiện tại, sự cân bằng ở châu Âu dường như khó duy trì. Giữa tất cả những hỗn loạn, bà khó khăn để có một tầm nhìn dài hạn – dù hình dung những tuần hay tháng tiếp theo của cuộc chiến diễn biến thế nào, hay sự nghiệp của chính bà đi tới đâu sau khi kết thúc nhiệm kỳ tại Ủy ban vào năm 2024. Thay vào đó, bà tập trung vào từng ngày. “Mọi thứ căng thẳng và nhiều áp lực. Nhưng bất cứ khi nào tôi thấy như mình không còn chịu nổi thì tôi lại nghĩ: người dân Ukraine không thể nói rằng họ kiệt sức. Tôi ở đây để quản lý cuộc khủng hoảng này. Rồi chúng ta sẽ thấy”, bà chia sẻ.

Minh Nguyễn (theo Time)

Liên minh châu Âu EU muốn kết nạp Ukraine

Liên minh châu Âu EU muốn kết nạp Ukraine

Leyen cho biết điều quan trọng là Kiev "đồng ý với các cuộc đàm phán và các điều kiện đưa ra vẫn ổn", nhưng "niềm tin vào Tổng thống Putin đã mất".