Quyết định trên được HĐND TP.HCM khóa X thông qua sáng 12/7. Kinh phí từ ngân sách thành phố, thực hiện trong giai đoạn 2023-2025, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp.
Nơi làm việc của chính quyền TP.HCM được xây dựng năm 1889, hoàn thành năm 1909 do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế, mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền bắc nước Pháp.
Thời Pháp, tòa nhà có tên là Hotel de ville hay còn gọi là Dinh xã Tây. Đến thời Việt Nam Cộng hòa, tòa nhà có tên là Tòa đô chánh Sài Gòn. Sau năm 1975, nơi này trở thành trụ sở UBND TP HCM. Đây cũng là công trình có tính biểu tượng của thành phố.
Theo đó, chi phí sửa chữa, cải tạo trụ sở HĐND và UBND TP.HCM là gần 190 tỷ đồng từ nguồn tăng thu của thành phố. Dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2023-2025.
Trong tờ trình gửi HĐND, UBND TPHCM cho biết, tòa nhà số 86 Lê Thánh Tôn (quận 1) được xây dựng và đưa vào vận hành hơn 100 năm. Hiện trạng tòa nhà hiện nay đang bị xuống cấp, hư hỏng, ngoài ra, một số phòng làm việc được cải tạo từ các phòng cũ đã xuống cấp, diện tích chưa đảm bảo điều kiện làm việc.
Cụ thể, mặt tiền tòa nhà B xuất hiện vết nứt, sơn nước hoen ố, bong tróc xuống cấp, hệ thống các cửa gỗ cũ, hư hỏng gây mất thẩm mĩ, bậc cấp các lối vào, thang bộ bị sứt mẻ. Cùng với đó, hệ thống đèn phòng và đèn hành lang lâu năm, hay hư hỏng, thẩm mĩ thấp, gạch lát nền cũ, bong tróc, chưa đồng bộ gây mất thẩm mỹ.
Khi dự án được triển khai, khối nhà A sẽ được bố trí lại, bổ sung trang thiết bị nội thất cho các phòng làm việc. Khối nhà B sửa chữa, cải tạo các công trình hiện hữu, sân đường nội bộ trong khuôn viên.
Cùng với Nhà hát Lớn, Bưu điện, Tòa án nhân dân... trụ sở UBND thành phố là một trong những di sản kiến trúc Pháp còn lại của TP HCM. Năm 2020, tòa nhà được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, trụ sở HĐND và UBND TP HCM đón hơn 50 đoàn với gần 1.500 khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Sở Du lịch cũng đã đề xuất mở cửa đón khách tham quan vào một số dịp trong năm.
Cũng tại kỳ họp, HĐND TPHCM đã thông qua nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư 30 dự án khác trên địa bàn TPHCM ở nhiều lĩnh vực. Trong đó có các dự án như xây dựng bờ bao và cống ngăn triều trên rạch Cầu Sập (quận 8); xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Phú Nhuận; Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 146 Trạm Y tế tuyến xã; Nâng cấp, gia cố cấp bách hệ thống thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn (huyện Hóc Môn).
Xây dựng Nhà thiếu nhi quận Phú Nhuận; xây mới và chống ngập Trung tâm hỗ trợ xã hội; nâng cấp cải tạo rạch Bến Mương; Dự án cải tạo rạch Hóc Môn; xây dựng doanh trại Đồn Biên phòng Thạnh An; xây dựng bổ sung và cải tạo Trung tâm Công tác xã hội – Giáo dục dạy nghề Thiếu niên TPHCM; xây dựng mới Trung tâm chuyên sâu bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1.
(Nguồn: Tổng hợp)