Bộ trưởng Tư pháp bang Letitia James đã yêu cầu nhà sản xuất nước giải khát giảm số lượng bao bì thải ra sông Buffalo và bồi thường thiệt hại do hạt vi nhựa gây ra cho con người và môi trường.
Theo bà, PepsiCo đã không cảnh báo người tiêu dùng về những rủi ro tiềm ẩn từ nhựa đối với sức khỏe và môi trường trong hơn 100 nhãn hàng của hãng và "đánh lừa" công chúng về những nỗ lực của mình nhằm chống ô nhiễm nhựa.
Bà khẳng định, tình trạng ô nhiễm nhựa này sau khi phân hủy có thể xâm nhập vào nguồn nước uống, qua đó góp phần gây ra những vấn đề về sức khỏe.
Trong số 1.916 mảnh rác nhựa được thu thập từ sông Buffalo thực hiện vào năm ngoái, nhà sản xuất nổi bật nhất mà họ xác định được cho đến nay là PepsiCo, với hơn 17% rác thải. Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald's theo sau với 5,7% và hãng sản xuất kẹo Hershey's chiếm 4,2%.
Vụ kiện PepsiCo là một trong hàng loạt vụ kiện do chính quyền địa phương, các nhóm bảo vệ người tiêu dùng và tổ chức phi lợi nhuận đưa ra chống lại các tập đoàn về tác động của họ đối với môi trường và biến đổi khí hậu.
Đầu năm nay, bang California đã kiện một số công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới, bao gồm ExxonMobil, Shell và BP, với cáo buộc đã đánh lừa người tiêu dùng bằng cách che giấu thông tin về tác động bất lợi của việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
Tuần trước, các nhóm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng châu Âu đã đệ đơn khiếu nại pháp lý chống lại Coca-Cola, Nestlé và Danone vì vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng với các tuyên bố tái chế "gây hiểu lầm".
Một nghiên cứu trên toàn nước Mỹ của tổ chức phi lợi nhuận về môi trường Break Free From Plastic đã đánh giá 2.125.415 loại rác thải nhựa từ 2.373 bộ sưu tập riêng biệt từ năm 2018 đến 2022, đã liên tục ghi nhận PepsiCo là nhà sản xuất rác thải lớn nhất nhì trên tổng số.
Đơn khiếu nại đề cập đến hệ lụy đối với sức khỏe con người từ ô nhiễm rác thải nhựa như tình trạng dậy thì sớm ở trẻ em gái, số lượng tinh trùng giảm, chức năng của cơ thể, cơ quan sinh sản bị thay đổi, dễ dẫn tới béo phì, thay đổi hành vi giới tính, và tăng tỷ lệ mắc một số loại ung thư.
Thông qua vụ kiện này, chính quyền bang New York muốn PepsiCo nhanh chóng có hành động làm sạch môi trường và bồi thường thiệt hại do rác thải nhựa gây ra, cũng như tìm kiếm một phán quyết cấm PepsiCo sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần mà không có cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm môi trường và gây ảnh hưởng đến sức khỏe từ sản phẩm này.
Hiện, PepsiCo chưa có phản hồi nào trước cáo buộc trên.
Pepsi cho biết trong một tuyên bố rằng, họ "nghiêm túc trong việc giảm thiểu nhựa và tái chế hiệu quả, đồng thời minh bạch trong hành trình giảm sử dụng nhựa và đẩy nhanh đổi mới bao bì mới".
Đây là một "vấn đề phức tạp" đòi hỏi sự tham gia của các doanh nghiệp, chính quyền thành phố, nhà quản lý chất thải và người tiêu dùng, đồng thời cho biết thêm rằng họ đã làm việc với các nhóm trên khắp đất nước để cải thiện cơ sở hạ tầng tái chế và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tái chế.
(Nguồn: FT)