Chứng khoán chiều 4/5: VN-Index mất gần 7 điểm, châu Á chìm trong sắc đỏ

Trong phiên chiều hôm nay (4/5), áp lực bán gia tăng khiến thị trường nhuộm sắc đỏ, VN-Index về mức thấp nhất khi để mất gần 7 điểm.

Diễn biến phiên giao dịch chứng khoán chiều, thị trường không có thêm thông tin hỗ trợ. Áp lực bán tiếp tục gia tăng và ngày càng mạnh hơn khiến VN-Index nới rộng biên độ giảm. Trên bảng điện tử, số mã giảm gấp tới hơn 2 lần số mã tăng, trong đó nhóm bluechip cũng có gần 2/3 số mã giao dịch dưới mốc tham chiếu, đã đẩy VN-Index về mức thấp nhất của phiên chiều.

Càng về cuối phiên, áp lực bán tăng cao trở lại đã khiến cho một vài cổ phiếu như POW giảm sàn xuống 9.820 đồng/cp, SAB giảm 4,9%, BVH giảm 4,5%. Các cổ phiếu khác như MWG, HPG, VNM… nới rộng đà giảm gây áp lực không nhỏ lên các chỉ số. Ngoài ra, một số cổ phiếu như FRT, HBC, LCG… giảm sàn.

Lực đỡ đến một số cổ phiếu như VHM tăng 2% lên 64.900 đồng/cp, VRE tăng 1,5%, GAS, TCB, CTG… giữ được sắc xanh đến cuối phiên.

Ảnh: ĐTCK
Ảnh: ĐTCK

Kết phiên giao dịch hôm nay, VN-Index đóng cửa ở mức 762,47 điểm, giảm 6,64 điểm (-0,86%). Toàn sàn có 110 mã tăng, 251 mã giảm và 48 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 1,12 điểm (-1,05%) xuống 105,72 điểm. Toàn sàn có 59 mã tăng, 92 mã giảm và 56 mã đứng giá. Các cổ phiếu nổi bật như PVS, SHB, VCS… đều giảm giá.

UPCoM, SIP giảm 5,9% xuống 75.000 đồng/cp, ACV giảm 2,4%, VIB giảm 1,4%, MPC giảm 5,3%... khiến cho UPCoM-Index giảm 0,31 điểm (-0,59%) xuống 51,91 điểm. Toàn sàn có 76 mã tăng, 96 mã giảm và 42 mã đứng giá.

Thanh khoản toàn thị trường đạt 4.5000 tỷ đồng, xấp xỉ so với phiên trước. Khối lượng giao dịch tương ứng hơn 341 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại giảm bán ròng còn 120 tỷ đồng trên cả 3 sàn, tập trung vào các cổ phiếu như PVS, HUT, STB, PVD…

Trên thế giới, các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm mạnh trong phiên 4/5, sau làn sóng bán tháo trên phố Wall do lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tái diễn liên quan đến trách nhiệm của Trung Quốc về sự bùng phát đại dịch COVID-19. 

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1.029,79 điểm, hay 4,18%, xuống 23.613,8 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 52,19 điểm, hay 2,68%, xuống 1.895,37 điểm. Các thị trường Thượng Hải và Nhật Bản đóng cửa nghỉ lễ.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định đại dịch COVID-19 khởi phát từ một phòng thí nghiệm tại Vũ Hán, Trung Quốc đã "lấn át" tác động tích cực từ việc tốc độ lây lan của dịch bệnh tiếp tục chậm lại và số ca tử vong giảm.

Tổng thống Trump ngày 1/5 đe dọa sẽ áp thuế mới lên hàng hóa của Trung Quốc do cách ứng phó của nước này trước đại dịch, đồng thời khẳng định ông có bằng chứng về sự liên quan giữa một phòng thí nghiệm tại Trung Quốc với sự bùng phát của dịch bệnh.

Lời đe dọa của Tổng thống Mỹ đã gây lo ngại về nguy cơ tái diễn bất đồng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, điều đã từng khiến các thị trường toàn cầu điêu đứng trong năm ngoái, trước khi hai nước đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào tháng 12/2019.

Nhà phân tích Stephen Innes tại AxiCorp cho rằng, ông Trump đang ủng hộ cuộc chiến thương mại và khi thị trường đã lường trước việc mức độ toàn cầu hóa sẽ giảm sút trong giai đoạn đầu hồi phục sau đại dịch, diễn biến mới này có thể khiến bất kỳ sự cải thiện nào về kinh tế cũng sẽ khó khăn hơn. 

Các thị trường chứng khoán trên khắp châu Á giảm điểm khi giới đầu tư quay trở lại sau kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài và sau khi cả ba chỉ số chính trên phố Wall giảm khoảng 2,6-3,2%, dù khép lại tháng Tư với mức tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ.  

Các nhà phân tích cảnh báo sau khi tăng mạnh trong tháng Tư nhờ sự lạc quan rằng giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch đã đi qua, các thị trường chứng khoán có thể trải qua tháng Năm đầy biến động khi các báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp và các chỉ số kinh tế cho thấy mức độ thiệt hại mà đại dịch gây ra. 

(Nguồn: TTX/NĐH/ĐTCK)

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương