Chứng khoán Mỹ tăng trở lại sau khi giảm sâu

Thị trường chứng khoán thế giới 14/5, chứng khoán Mỹ đảo chiều đi lên, trong khi đó, chứng khoán châu Á đi xuống trước lời cảnh báo của Chủ tịch Fed.

Tại thị trường chứng khoán Mỹ , chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 377 điểm, tương đương 1,6%, và kết phiên ở 23.625 điểm, chấm dứt chuỗi ba phiên liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ. Giữa phiên 14/5, có lúc chỉ số này mất hơn 450 điểm.

S&P 500 và Nasdaq Composite cùng kết phiên tăng điểm, lần lượt 1,15% và 0,9%. Đầu phiên, cả hai chỉ số đều giảm trên 1%. 

So với đáy ngày 23/3, S&P 500 đã hồi phục hơn 30%, Dow Jones cũng tăng hơn 29% nhờ diễn biến tích cực của cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn.

Ảnh: Minh họa
Ảnh: Minh họa

Cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu đà hồi phục của thị trường chứng khoán Mỹ. Bank of America và JPMorgan Chase cùng tăng hơn 4%. Citigroup tăng 3,6% trong khi Wells Fargo nhảy vọt 6,8%.

Trước đó vào phiên 13/5, thị trường chứng khoán Mỹ giảm sâu sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell cảnh báo nền kinh tế lớn nhất thế giới cần thêm nhiều biện pháp hỗ trợ nữa để vượt qua suy thoái do COVID-19 gây ra.

Trong khi, thị trường chứng khoán châu Á có phiên giao dịch ảm đạm,  chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo giảm 1,7% xuống 19.914,78 điểm, trong khi chỉ số Hang Seng tại Hong Kong để mất 1,5% xuống 23.829,74 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải lùi 1% và khép phiên với 2.870,34 điểm.

Các thị trường Đài Bắc, Singapore và Bangkok cũng đều giảm từ 1% trở lên, trong khi thị trường Mumbai để mất hơn 2%. Các thị trường Seoul và Jakarta lần lượt giảm 0,8% và 0,9%.

Thị trường Sydney giảm 1,7% sau số liệu cho thấy gần 600.000 người Australia đã mất việc làm trong tháng Tư và Thủ tướng Scott Morrison đã cảnh báo về những khó khăn kinh tế sắp tới. Trong khi đó, mức giảm trên thị trường Wellington lại yếu hơn khi Chính phủ New Zealand công bố một ngân sách trị giá 30 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế.

Những cáo buộc của Mỹ rằng Trung Quốc tấn công mạng nghiên cứu về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của nước này đã làm gia tăng tâm lý bi quan trên các sàn giao dịch chứng khoán, giữa lúc đà khởi sắc kéo dài nhiều tuần qua đã có dấu hiệu kết thúc. Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo COVID-19 “có thể sẽ không bao giờ biến mất”.

(Nguồn: TTXVN/KT&TD)

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương