Chứng khoán Tiên Phong, Rồng Việt thi nhau lỗ nặng

Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong - TPS (mã chứng khoán: ORS) vừa công bố kết quả kinh doanh ảm đạm quý II với khoản lỗ hơn 160 tỷ đồng.

TPS là một trong những doanh nghiệp thành viên thuộc hệ sinh thái của TPBank. Hiện TPBank sở hữu gần 10% cổ phần TPS, đồng thời Phó chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Anh Tú cũng đang là Chủ tịch HĐQT TPS.

Tương tự một số công ty chứng khoán cũng báo lỗ trong quý II như Rồng Việt (VDSC), SHS, nghiệp vụ khiến TPS thua lỗ là hoạt động tự doanh, đặc biệt là việc đầu tư trái phiếu.

Theo báo cáo tài chính của TPS, công ty lỗ 250 tỷ đồng từ hoạt động mua bán tài sản tài chính (tự doanh). Trong đó, TPS lỗ 135 tỷ đồng từ việc mua bán trái phiếu chưa niêm yết.

Riêng việc mua bán trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn R&H, một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có trụ sở tại Hà Nội, khiến TPS lỗ gần 100 tỷ đồng. Ngoài ra, TPS cũng lỗ gần 90 tỷ đồng do hoạt động tự doanh cổ phiếu, riêng khoản đầu tư vào cổ phiếu SSI khiến công ty lỗ 24 tỷ đồng.

Ngoài ra, nghiệp vụ môi giới chứng khoán của TPS cũng không có lợi nhuận khi doanh thu đạt 18 tỷ đồng nhưng chi phí lên tới 24 tỷ đồng.

Hoạt động mang lại lợi nhuận lớn nhất cho công ty chứng khoán này là tư vấn tài chính khi thu lãi hơn 160 tỷ đồng. Ngoài ra, nghiệp vụ cho vay (margin) cũng mang về cho TPS gần 50 tỷ đồng.

Tổng cộng trong quý II vừa qua, tổng doanh thu của TPS đạt hơn 660 tỷ đồng nhưng tổng chi phí hoạt động lên tới gần 700 tỷ đồng. Thêm vào đó, các chi phí trả lãi vay, chi phí vận hành đều tăng lên so với cùng kỳ. Hậu quả là TPS lỗ hơn 160 tỷ đồng trong quý II. Khoản lỗ này khiến TPS tạo kỷ lục buồn khi có quý kinh doanh bết bát nhất từ ngày lên sàn chứng khoán.

Chứng khoán Rồng Việt cũng chạy theo

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý II mới được công bố, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ghi nhận doanh thu hoạt động giảm đến 55% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt gần 146 tỷ đồng.

Trong kỳ, phần lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) là âm 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ mức lãi này lên đến 143 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn do chênh lệch tăng đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL ghi âm hơn 63 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 83 tỷ đồng).

Lỗ từ FVTPL của VDSC tăng vọt lên mức gần 270 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2021 con số này chỉ vỏn vẹn 14 tỷ đồng. Lỗ từ bán tài sản tài chính FVTPL tăng từ 2 tỷ đồng của cùng kỳ lên hơn 60 tỷ đồng ở quý II năm nay. Chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL lên đến 209 tỷ đồng.

Như vậy, công ty lỗ ròng khoảng 290 tỷ đồng từ các tài sản tài chính FVTPL trong quý II và lũy kế 6 tháng con số lỗ là 216 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý II, tổng danh mục FVTPL mà VDSC nắm giữ là gần 856 tỷ đồng tăng 47% so với đầu năm. Trong đó, danh mục cổ phiếu chiếm phần lớn với hơn 607 tỷ đồng.

VDSC "cầm" nhiều nhất là cổ phiếu DBC của Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam với giá trị 129 tỷ đồng. Các cổ phiếu được VDSC nắm giữ giá trị lớn còn có CTG của VietinBank (95 tỷ đồng), TCB của Techcombank (94 tỷ đồng), ACB của Ngân hàng Á Châu (62 tỷ đồng), HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (55 tỷ đồng)… Tất cả khoản đầu tư này đều giảm đáng kể so với giá mua.

Quý II và rộng hơn là 6 tháng đầu năm nay, với việc thị trường chứng khoán biến động tiêu cực đã khiến hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu lao dốc. Riêng DBC đã mất 45% giá trị trong quý II và 44% trong nửa đầu năm. Tương tự, CTG giảm 19% trong quý II và 23% trong nửa đầu năm…

Tuy nhiên, VDSC cho rằng với danh mục đầu tư gồm các cổ phiếu thuộc những doanh nghiệp đầu ngành, hoạt động hiệu quả cao như ngân hàng, chuỗi sản xuất ngành chăn nuôi, sản xuất công nghiệp… Do đó, công ty này tin tưởng hoạt động đầu tư sẽ có kết quả tích cực hơn trong các tháng cuối năm.

Mảng môi giới doanh thu cũng giảm 22% từ mức 81 tỷ đồng xuống còn 63 tỷ đồng. Mảng lãi từ cho vay và phải thu đóng góp lớn nhất vào doanh thu kỳ này và đạt 94 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ.

Tổng Hợp