Chuyện đời hiếm khi kể của nữ Thủ tướng Pháp

Là con gái của tù nhân trại Auschwitz, bà Élisabeth Borne đã tránh đưa quá khứ vào chính trị.

Một buổi tối trời mưa, Thủ tướng Pháp – bà Élisabeth Borne ngồi trong căn phòng trú ẩn của Hội Chữ thập đỏ, lắng nghe câu chuyện của những phụ nữ trẻ kể về sự đói nghèo, không nhà và những khó khăn trong tiếp cận giáo dục.

Bà mỉm cười trấn an và đưa ra những câu hỏi sắc bén, nhưng không nói ra rằng bản thân bà thực sự thấu hiểu được họ.

Tuổi trẻ bà Borne đầy những tổn thương. Cha của bà là người từng sống sót tại Auschwitz-Birkenau, trại tập trung khét tiếng của Đức Quốc xã từng giết chết một triệu người Do Thái. Ông đã tự sát khi bà mới chỉ 11 tuổi, để lại việc kinh doanh phá sản và một người vợ không còn sức sống. Con gái ông được nhà nước bảo trợ và rời nhà khi 16 tuổi.

Thủ tướng Pháp, Élisabeth Borne tại văn phòng của bà ở Paris (Ảnh: NYTimes).
Thủ tướng Pháp, Élisabeth Borne tại văn phòng của bà ở Paris (Ảnh: NYTimes).

Và giờ đây, người con gái ấy đã là người phụ nữ thứ hai trong lịch sử trở thành Thủ tướng nước Pháp, cánh tay phải của Tổng thống Emmanuel Macron và là gương mặt đại diện cho kế hoạch không được lòng dân của ông về đại tu hệ thống lương hưu của nước này, khiến hàng triệu người xuống đường biểu tình.

Quá khứ đau buồn và hành trình đáng chú ý của bà Borne rất có thể là chất liệu thuận lợi cho một chính trị gia Mỹ. Thế nhưng người phụ nữ 61 tuổi này hiếm khi đề cập tới câu chuyện của mình, dù nó khá phù hợp trong căn phòng trú ẩn ấy.

Một phần có thể bởi bà lãnh đạo một quốc gia mà sự tách biệt giữa cuộc sống cá nhân và tính cách công khai của chính trị gia còn mạnh mẽ, và cũng bởi trước khi được ông Macron đưa vào vị trí Thủ tướng, bà đã xây dựng một sự nghiệp như một nhà kỹ trị chăm chỉ và có năng lực.

Chỉ sau khi được bổ nhiệm, bà mới có cuộc bầu cử đầu tiên – cho một chiếc ghế trong Quốc hội – để cử tri có thể điều tra về cuộc sống cá nhân của bà.

Được bầu lần đầu tiên vào mùa hè năm ngoái, bà Borne đã khiến nhiều người ngạc nhiên bởi họ chỉ xem bà là một quan chức đơn thuần (Ảnh: NYTimes)
Được bầu lần đầu tiên vào mùa hè năm ngoái, bà Borne đã khiến nhiều người ngạc nhiên bởi họ chỉ xem bà là một quan chức đơn thuần (Ảnh: NYTimes)

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với vị nữ Thủ tướng tại văn phòng dát vàng trước chuyến thăm chính thức tới nơi trú ẩn, bà Borne thừa nhận có những chi tiết trong câu chuyện của bà được các nhà báo “khai quật” thậm chí còn khá mới với chính bà. Ngay cả bạn bè của bà cũng hiếm khi thấy bà nói về quá khứ đau buồn của mình.

Đó là câu chuyện cá nhân khá đau đớn, nhưng cũng là một lịch sử đem lại cho tôi sức mạnh”, bà nói.

Khi bà chia sẻ, câu chuyện ấy không hiện qua một lăng kính cá nhân về sự kiên trì vượt qua nghịch cảnh, mà là quan điểm chung về cách bà đại diện cho mạng lưới an toàn xã hội của nước Pháp và lý tưởng trọng dụng nhân tài.

Pháp là một đất nước phi thường. Đó là điều tôi thực sự ghi tâm bởi dù có khá nhiều thuyết quyết định luận xã hội trong xã hội Pháp, nhưng kinh nghiệm của tôi cho thấy bạn có thể thành công”, bà nói khi đang hút chiếc thuốc lá điện tử của mình.

Bà Borne là con út trong một gia đình thành đạt ở Paris. Cha của bà, ông Joseph Bornstein, là một trong bốn anh em trong một gia đình Do Thái từ Bỉ sang Pháp vào năm 1939. Năm 1943, ông bị lực lượng cảnh sát Gestapo bắt tại thành phố Grenoble khi tham gia phong trào kháng chiến của người Do Thái. Tại trại giam Auschwitz, cha và em trai ông bị đưa tới phòng hơi ngạt, còn ông và người anh trai được đưa tới làm việc trong một nhà máy sản xuất nhiên liệu tổng hợp.

Hai anh em ông đã gặp bà Marguerite Lescène - mẹ của bà Borne, tại sân ga Orsay ở Paris vào tháng 4/1945. Khi đó là một hướng đạo sinh giúp đỡ những người bị trục xuất trở về, bà đã đưa hai anh em ông về quê nhà ở vùng Normandy và cùng gia đình chăm sóc, giúp đỡ họ trở lại với cuộc sống.

Trại tử thần Auschwitz-Birkenau, nơi một triệu người Do Thái đã bị giết chết, và cha bà Borne là một trong những người còn sống sót (Ảnh: NYTimes)
Trại tử thần Auschwitz-Birkenau, nơi một triệu người Do Thái đã bị giết chết, và cha bà Borne là một trong những người còn sống sót (Ảnh: NYTimes)

Ông Joseph Bornstein đã mô tả lại một số nỗi kinh hoàng bản thân từng chứng kiến trong hai bức thư được đăng trên một ấn phẩm của Pháp chỉ ít lâu sau khi trở về, gồm việc chứng kiến một tên giám thị Đức Quốc xã giết trẻ sơ sinh bằng rìu và cuộc hành quân tử thần giai đoạn cuối cuộc chiến, khi những người ngã xuống vì bị bắn và cả người sống sót đều được chất chung lên những chiếc xe ngựa.

Tôi đã nằm trên thi thể ba người bạn vừa chết của mình”, ông viết.

Theo chị gái bà Borne - bà Anne-Marie Borne, có người cho rằng ông bịa chuyện. “Và thế là ông hoàn toàn khép mình và không bao giờ nhắc về điều ấy nữa”, bà cho biết.

Mẹ của bà Borne, một dược sĩ xuất thân trong một gia đình có truyền thống kinh doanh y tế, đã tiếp quản phòng thí nghiệm dược phẩm của gia đình. Còn cha cô thì điều hành công ty sản xuất cao su.

Bà Anne- Marie cho biết ông không còn chút cay đắng nào sau chiến tranh, thậm chí ông còn thuê nhân viên người Đức. Dù vậy, ông sợ những giấc ngủ bởi khi ấy tâm trí ông lại quay trở về Auschwitz. Ông rơi vào trạng thái trầm cảm – ngay khi việc kinh doanh bắt đầu gặp thất bại.

Năm 1972, ông nhảy khỏi cửa sổ khiến bà Born từ một đứa trẻ vui tươi thành một sinh viên dễ cáu gắt. Bà Borne cho biết bản thân đã “chìm vào một thế giới đầy ngang trái”.

Có một sự trấn an khi nghĩ rằng có những thứ bạn có thể làm chủ. Bạn chỉ cần bám lấy điều ấy, nghiên cứu nó và bạn sẽ tìm thấy đáp án cho phương trình”, bà chia sẻ.

Gia đình bà từ khá giả bỗng trở nên bấp bênh về tài chính sau biến cố ấy. Mẹ của bà sụp đổ và không thể tìm được một công việc ổn định trong nhiều năm. Bà Borne, khi ấy là thiếu niên, đã trở thành “pupille de la Nation” – tên gọi trong Thế chiến I cho những trẻ mồ côi trong chiến tranh (hay những trẻ có một hoặc cả hai cha mẹ qua đời trong hoàn cảnh đặc biệt), nhận được hỗ trợ tài chính và những sự trợ giúp khác.

Thời trung học, bà từng bỏ nhà đến sống với bạn trai và sau này trở thành chồng của bà. Họ có với nhau một con trai nhưng đã ly hôn.

Tờ Temps Présent với hai lá thư có chữ ký của Joseph Borne, cha của nữ Thủ tướng (Ảnh: NYTimes)
Tờ Temps Présent với hai lá thư có chữ ký của Joseph Borne, cha của nữ Thủ tướng (Ảnh: NYTimes)

Bà đã dành hai năm để học cho các kỳ thi đầu vào các grandes école (các trường học cao cấp tại Pháp). Năm 1981, bà được nhận vào École Polytechnique – trường kỹ thuật danh tiếng nhất tại Pháp, nơi có trợ cấp sinh hoạt và một nghề nghiệp đảm bảo. Bà là một trong 22 nữ sinh duy nhất của lớp khóa 325. Bà ra trường với lòng biết ơn, đảm nhận một vài công việc thuộc khu vực công và chính phủ.

Bà Borne cho biết chính các chức danh nghề nghiệp đã giúp bảo vệ bà khỏi sự phân biệt giới tính. Khi còn làm việc cho một công ty nhà nước về xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, một doanh nhân đến ký hợp đồng từng nói với bà rằng anh ta không thuê phụ nữ vì họ mang thai.

Một số phụ nữ từng trải qua nhiều thứ khó khăn hơn nhiều trong sự nghiệp so với tôi, bởi tôi tốt nghiệp bách khoa, kỹ thuật xây dựng dân dụng. Vậy nên mọi người đôi khi quên rằng bạn là một phụ nữ”, bà cho biết.  

Năm 2017, Tổng thống Pháp Macron chọn bà Borne vào nội các, và bà đã đảm nhiệm liên tiếp 3 Bộ trong suốt 5 năm nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

Nữ Thủ tướng đầu tiên của Pháp, bà Édith Cresson, từng phải đối mặt với sự phân biệt giới tính nghiêm trọng khi nắm giữ chức vụ này vào đầu những năm 1990. Trong một cuộc phỏng vấn, bà cho biết đã có chính trị gia từng so sánh bà với tình nhân của Vua Louis XV, và các nhà lập pháp đôi khi còn hò reo các nữ bộ trưởng cởi đồ.

Ba mươi năm sau, bà Borne từng phải đối mặt với “mặt tinh tế” của sự phân biệt giới tính. Sau khi được đề cử, các tờ báo Pháp viết rằng bà hiếm khi cười, ăn thì như chim và khiến nhân viên cảm thấy mệt mỏi.

Những nếu một người đàn ông mà độc đoán và nghiêm khắc thì chúng ta lại nói “Ông ta là một nhà lãnh đạo tuyệt vời”, bà Pascale Sourisse, bạn học với bà Borne tại trường Bách khoa Paris cho biết.

Tổng thống Emmanuel Macron và bà Borne trong cuộc diễu hành quân sự Ngày Bastille vào tháng 7 năm ngoái tại Paris (Ảnh: NYTimes)
Tổng thống Emmanuel Macron và bà Borne trong cuộc diễu hành quân sự Ngày Bastille vào tháng 7 năm ngoái tại Paris (Ảnh: NYTimes)

Lần đầu tiên mọi người nghe bà Borne ám chỉ ngắn gọn về lịch sử gia đình bà là trong bài phát biểu đầu tiên của bà tại Quốc hội với tư cách là thủ tướng. Cho dù khi đó cũng chỉ là một câu duy nhất.

Tôi không hề biết câu chuyện của bà ấy, không một ai biết cả”, bà Anne-Marie Idrac, sếp cũ của bà Borne tại công ty đường sắt quốc gia cho biết.

Trong những năm 2000, bà Borne là người đứng đầu chiến lược dưới thời bà Idrac, khi công ty phải đối mặt với các vụ kiện về vai trò vận chuyển người Do Thái trong Thế chiến 2. Theo bà Idrac, bà Borne không hề tiết lộ về việc cha, ông và các người chú của bà từng bị ép lên những chuyến tàu đó.

Trong tất cả các buổi họp về vấn đề ấy, bà ấy đã không nói bất cứ điều gì”, bà chia sẻ.

Với tư cách thủ tướng, bà Borne tuyên bố sẽ khẩn trương chống lại chủ nghĩa bài Do Thái như những người tiền nhiệm. Thế nhưng khi giới thiệu về kế hoạch chống phân biệt đối xử của chính phủ vào tuần trước, bà không hề đề cập tới lịch sử của gia đình. Trong một cuộc phỏng vấn, bà cho biết việc trộn lẫn chính trị với cuộc sống cá nhân của bà là không phù hợp.

Thế nhưng, sau khi tờ Jerusalem Post vinh danh bà là người Do Thái có ảnh hưởng thứ ba trên thế giới, bà Borne cho biết bản thân vui và tự hào. Dù vẫn còn miễn cưỡng khi nói về quá khứ của mình, ít nhất giờ bà đã quen với việc bị hỏi về điều ấy.

Đó đúng là một câu chuyện mẫu mực. Câu chuyện của bà ấy có thể truyền cảm hứng cho những người khác”, cựu bộ trưởng quốc phòng Florence Parly, từng biết bà Borne khi họ làm cùng nhau trong những năm 1990, cho biết.

Minh Nguyễn (theo New York Times)