Nữ thủ tướng Angela Merkel, sức mạnh từ sự bị coi thường

Di sản thực sự của nữ thủ tướng là bằng chứng cho thấy chính trị hiệu quả không có nghĩa làm mất đi tính nhân văn hay sự kiên định.

*Tạp chí Phụ nữ Mới xin lược dịch bài viết của nhà báo Serge Schmemann về những nhận xét của ông về nữ thủ tướng Đức, bà Angela Merkel.

Gần như các bài viết về nhiệm kỳ Thủ tướng Đức của bà Angela Merkel đều cho thấy một trong những điểm mạnh chính trị của bà chính là việc bà thường bị đánh giá thấp. Về điều này, bà không phải là người duy nhất khi cựu thủ tướng Đức Helmut Kohl, người từng đưa bà vào chính trường và thậm chí dành nhiều thời gian hơn tại văn phòng thủ tướng, đã từng tuyên bố rằng: “Tôi sống bằng việc bị coi thường”.

Có nhiều sự khác biệt giữa bà Merkel và ông Kohl như bà xuất thân từ một gia đình theo đạo Tin lành ở Cộng sản Đông Đức, trong khi ông xuất thân từ Công giáo Rhineland. Nếu như ông Kohl là một chính khách ngay từ khi bắt đầu thì bà Merkel lại là một nhà khoa học trước khi bước vào chính trường. Nhưng đó là sự phản ánh về nền chính trị hiện đại của Đức, và về vị thế của quốc gia này trên thế giới, rằng trải qua hơn 30 năm đầy biến động – khi nước Đức và thế giới được sắp xếp lại- đất nước được lãnh đạo bởi hai nhà lãnh đạo bảo thủ quyết đoán trong phong cách, hành xử và lời nói.

Nữ thủ tướng Đức, bà Angela Merkel (Ảnh: Getty Images).
Nữ thủ tướng Đức, bà Angela Merkel (Ảnh: Getty Images).

Đây có thể một phần do quá khứ phát xít Đức không khuyến khích việc mị dân hay đề cao bản thân trong chính trị. Dù gì thì điều đó hiệu quả đối với quốc gia này. Mặc dù ông Kohl rút khỏi chính trường dưới đám mây của một vụ bê bối tài trợ chính trị - một lối thoát mà bà Merkel đã cho ông một lực đẩy cuối cùng – thế giới đã gán cho ông một vị trí vững chãi  trong lịch sử với tư cách là một chính khách đóng vai trò trung tâm trong quá trình thống nhất hòa bình của Đức và châu Âu.

Bà Merkel, được nhiều người xem như một nhà lãnh đạo thực sự của châu Âu và là người phụ nữ quyền lực nhất trên trái đất, cũng đã thu về những “vòng nguyệt quế” lớn hơn. Chắc hẳn, những câu hỏi tiếp tục xoay quanh cách tiếp cận chặt chẽ của bà trong cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro, việc bà từ chối chuyển đường ống Nord Stream 2 khỏi Nga, việc Đức tiếp tục miễn cưỡng tăng chi tiêu quân sự và việc bà không thực hiện các biện pháp chống lại sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy độc tài ở Trung Âu.

Thế nhưng khi hàng triệu người dân Syria chạy khỏi quê hương bị chiến tranh tàn phá, bà Merkel đã từ chối đóng cửa biên giới. Câu nói tiếng Đức “Wir schaffen das” – tương đương với câu “Yes we can” của tổng thống Mỹ Barack Obama – là cách đặc trưng mà không hề màu mè của bà Merkel để chống lại nỗi sợ hãi về làn sóng tị nạn, một cụm từ đã trở thành phương châm lãnh đạo của bà.

Sẽ có nhiều đánh giá hơn về 16 năm nhiệm kỳ của bà sau cuộc bầu cử xác định người kế nhiệm và những gì tiếp theo, và chúng sẽ tập trung vào những bất ổn mà chính trường Đức và châu Âu phải đối mặt trong thời kỳ hậu Merkel.

Thế nhưng trong thời điểm mà nền dân chủ của Mỹ dường như bị tê liệt bởi sự phân cực sâu sắc, khi các nhà lãnh đạo được bầu tại nhiều nền dân chủ Tây phương bị coi thường và những kẻ chuyên quyền đang gia tăng, thì có thể giá trị khi nhìn vào những gì đã giúp bà Merkel có được sự tán đồng mạnh mẽ và nước Đức tận hưởng mức độ cao của sự thịnh vượng và sự hài hòa chính trị dưới thời của bà.

Một phần là kỹ năng chính trị tài tình ẩn giấu đằng sau sự thiếu quan tâm tới các cảm bẫy quyền lực của bà Merkel. Phong thái của bà có thể bởi sự xuất thân từ một phụ nữ khiêm tốn lớn lên trong một gia đình theo đạo Tin lành, và phong cách thiếu cuốn hút ấy có thể là cách phản ứng khi phải hoạt động trong một đảng chính trị bảo thủ thống trị bởi nam giới. Nhưng sẽ thương thay cho những ai nhầm sự “nhạt nhẽo” ấy với sự yếu đuối, hay trầm lặng vì thiếu sự tính toán.

Bạn bè cho biết bà ẩn chứa một sự hài hước sắc bén. Bà “làm bài tập” với sự tập trung cao độ của một nhà khoa học trước mỗi buổi đàm phán hay hội họp, và chưa từng nao núng trước những trò đùa thô thiển từ những “đối thủ” như Tổng thống Nga Vladimir Putin hay Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bức hình bà Merkel, với các lãnh đạo trong nhóm G7 đằng sau, nhìn chằm chằm một cách mãnh liệt vào vị tổng thống Mỹ đang ngồi là một biểu tượng phản đối sự khoa trương của ông Trump.

Ảnh: AP.
Ảnh: AP.

Sau khi ông Putin biết bà Merkel sợ chó, đã cố tình mang chú chó Lab của ông vào phòng họp, bà đã đưa ra lời giải thích đầy châm biếm: “Tôi hiểu lý do ông ta làm vậy – để chứng minh mình là đàn ông. Ông ấy sợ điểm yếu của chính mình”.

Đó là một trong số ít những câu dẫn có thể dẫn của bà Merkel, nhưng điều đó không phải do thiếu điều để nói. Vài năm trước, bà đã giải thích trong một cuộc phỏng vấn rằng bà chỉ đơn giản không bao giờ tin rằng “một người có thể chạm tới người khác bằng những từ ngữ đến mức mà họ thay đổi ý định”. Vậy nên bà luôn tập trung nhiều vào hành động hơn là lời nói. Bà hầu như không bao giờ trả lời phỏng vấn những hãng tin nước ngoài, và những phỏng vấn mà bà đưa ra cho giới truyền thông Đức thì hiếm khi thú vị. Bà chưa bao giờ cung cấp cho những tờ lá cải dù chỉ một chút scandal.

Những đặc tính của sự trung thực, khiêm tốn, kỷ luật, bền bỉ và kín đáo dường như lạ lẫm ở nơi khác, như thành phố New York. Nhưng khi một người đối mặt với những khó khăn chính trị gần như không thể vượt qua – với tư cách là một phụ nữ, một người Đông Đức, và một nhà khoa học – vươn lên tới đỉnh cao của quyền lực tại Đức và ở đó trong bốn nhiệm kỳ, có một điều gì đó cho nước Mỹ và những nền dân chủ khác, nơi những người tử tế ngày càng xa lánh chính trị, học hỏi và thi đua.

Nhiệm kỳ của bà Merkel không phải là  hoàn hảo, và nước Đức mà bà để lại cho người kế nhiệm tiếp theo sẽ tiếp tục bập bùng trong những khủng hoảng thế giới triền miên. Nhưng di  sản thực sự của bà là bằng chứng cho thấy chính trị hiệu quả không có nghĩa làm mất đi tính nhân văn hay sự kiên định, và việc bị đánh giá thấp có thể là chìa khóa thực sự cho sự trường tồn chính trị.

Tác giả Serge Schmemann gia nhập The Times năm 1980 và làm trưởng văn phòng ở Moscow, Bonn, Jerusalem và tại Liên Hợp Quốc. Ông là biên tập viên của trang báo The International Herald Tribune ở Paris từ năm 2003 đến năm 2013.

Serge Schmemann

Phần Lan bổ nhiệm nữ Thủ tướng trẻ nhất thế giới

Phần Lan bổ nhiệm nữ Thủ tướng trẻ nhất thế giới

Bà Sanan Marin trở thành Thủ tướng trẻ tuổi nhất của thế giới sau cuộc bầu chọn của Đảng dân chủ xã hội.