Cơ hội và thách thức của khu vực Bắc Mỹ trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Với Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), phiên bản cập nhật thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7, khu vực Bắc Mỹ đang khởi đầu một trang mới về thương mại, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là cuộc khủng hoảng hiện nay do đại dịch COVID-19 gây ra.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2017, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc đẩy các chính sách bảo hộ, gây căng thẳng thương mại với các đối tác thương mại chính, và điều này ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại và chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai cường quốc trên thế giới, việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) cũng đã tạo ra căng thẳng ở Liên minh châu Âu và toàn cầu, nhưng "giọt nước làm tràn ly" là đại dịch COVID-19.

Đại dịch COVID-19 là một thách thức phi truyền thống. Thế giới đã triển khai hàng loạt biện pháp để ngăn chặn như cách ly, phong tỏa, giới nghiêm, đóng cửa biên giới và đóng cửa các hoạt động kinh tế, qua đó dẫn tới một cú sốc về cung và cầu. Dự báo, kinh tế toàn cầu trong năm 2020 sẽ giảm 3% và có thể còn trầm trọng hơn nữa. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ước tính thương mại thế giới sẽ giảm từ 13-32% về khối lượng và tại khu vực Bắc Mỹ, xuất khẩu có thể giảm từ 17-41%.

Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, GDP toàn cầu dự kiến giảm 5,2% trong năm 2020 do đại dịch Covid-19. Ảnh Internet.
Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, GDP toàn cầu dự kiến giảm 5,2% trong năm 2020 do đại dịch Covid-19. Ảnh Internet.

Thứ trưởng Phụ trách Ngoại thương của Bộ Kinh tế Mexico, Luz Maria de la Mora, cho rằng hiệp định khởi động trong bối cảnh đầy thách thức, nhưng cũng đầy cơ hội. USMCA là một công cụ rất mạnh để vượt qua khủng hoảng, vì trên hết, hiệp định mang đến sự chắc chắn, với  các quy tắc rõ ràng, cam kết duy trì thương mại tự do và duy trì sự hội nhập của Bắc Mỹ.

Kenneth Smith Ramos, người tham gia đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), đánh giá USMCA là tích cực đối với Mexico, Mỹ và Canada bởi các điều khoản mới bổ sung các quy tắc cần thiết cho nền kinh tế toàn cầu hiện nay và nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực. USMCA gồm 34 chương, trong đó có 10 chương thuộc "thế hệ mới" dành riêng cho hải quan và thuận lợi hóa thương mại, thương mại kỹ thuật số, lao động, môi trường, doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh, chống tham nhũng, thực tiễn quản lý tốt và chính sách kinh tế vĩ mô. Trong số các khía cạnh tích cực, chuyên gia này nhấn mạnh có thể duy trì và tăng cường các cơ chế giải quyết tranh chấp, điều này sẽ mang lại sự chắc chắn về mặt pháp lý. USMCA sẽ đóng vai trò như một mô hình cho các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai.

Chủ tịch Hội đồng Nông nghiệp Quốc gia Mexico (CNA), Bosco de la Vega, nhấn mạnh rằng nông nghiệp là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong thời đại NAFTA và hy vọng sẽ duy trì xu hướng này với USMCA. Khi NAFTA bắt đầu, xuất khẩu nông sản của Mexico chỉ đạt 4,2 tỷ USD/năm, nhưng hiện đã tăng lên 37 tỷ USD/năm, trong đó 78% đến từ Bắc Mỹ.

Hình ảnh trang trại nông nghiệp tại Mexico. Nguồn: Dupont.
Hình ảnh trang trại nông nghiệp tại Mexico. Nguồn: Dupont.

Trong kỷ nguyên USMCA, khu vực có thể có cơ hội sản xuất các sản phẩm hiện đang nhập khẩu từ châu Á, đặc biệt là trong lĩnh vực phụ tùng ô tô. Quy tắc xuất xứ trong lĩnh vực ô tô đã được sửa đổi, trong vòng ba năm, 75% hàm lượng của một chiếc ôtô phải đến từ khu vực Bắc Mỹ. Điều này sẽ tạo ra lợi thế, vì cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay đã phơi bày các vấn đề trong chuỗi giá trị và cung ứng.

Ngay từ khi kết thúc đàm phán và ký kết USMCA, các quan chức của Mỹ, Mexico và Canada đều đánh giá đây là một hiệp định “cùng thắng”, đem lại lợi ích chung và nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực. USMCA, phiên bản nâng cấp của NAFTA, sẽ kết nối gần nửa tỷ người tiêu dùng trong một thị trường chung chiếm tới khoảng 27% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới. Theo số liệu thống kê, giá trị giao thương giữa ba nền kinh tế Mỹ, Canada và Mexico đã đạt mức 1.200 tỷ USD vào năm 2019.

Theo TTXVN

NGỌC CHÂU (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương