Có nên sử dụng dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng?

Hiện nay, các dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng, rút tiền mặt từ thẻ tín dụng được quảng cáo, mời chào rầm rộ trên internet. Vậy đáo hạn thẻ tín dụng là gì? Có nên sử dụng dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng?

Đáo hạn thẻ tín dụng là gì?

Theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 19/2016/TT-NHNN, thẻ tín dụng (credit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ.

Hiểu đơn giản, khách hàng sẽ được cho vay tiền trong hạn mức tín dụng này để chi tiêu trước, sau đó thanh toán lại cho ngân hàng toàn bộ khoản vay hoặc trả góp hàng tháng.

Nếu không thanh toán toàn bộ khoản vay (trả góp) trong khoảng thời gian nhất định, khách hàng sẽ phải trả thêm lãi, đồng thời có thể bị ghi lịch sử nợ xấu trên Trung tâm tín dụng CIC gây ảnh hưởng đến các khoản vay sau này. Vì thế, nhiều người tìm đến dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng để không gặp phải những hậu quả này.

Cụ thể, đáo hạn thẻ tín dụng là dịch vụ cung ứng tiền để trả nợ thẻ tín dụng cho ngân hàng khi tới hạn nhưng không có khả năng thanh toán. 

Theo đó, các công ty dịch vụ sẽ nạp tiền vào tài khoản của chủ thẻ để ngân hàng tính toán và cắt nợ. Sau đó, khi ngân hàng cấp lại hạn mức cho chủ thẻ, bên làm dịch vụ sẽ cà thẻ qua máy POS để thu nợ và thu phí dịch vụ. Việc thu nợ được thực hiện dưới hình thức mua hàng hóa (nhưng thực chất không mua hàng).

dao han the tin dung

Dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng (Ảnh minh họa)

 

Có nên sử dụng dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng?

Trên thực tế, các bên cung cấp dịch vụ đáo hạn thường quảng cáo là có mức phí dịch vụ thấp hơn phí rút tiền thẻ tín dụng tại cây ATM ngân hàng. Tuy nghiên, chúng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Về bản chất, đáo hạn thẻ tín dụng là một hình thức vay nóng, được thực hiện bởi các cá nhân, tổ chức không chính thống.

Khi sử dụng dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng, bên cung cấp dịch vụ sẽ giữ lại thẻ tín dụng cho tới khi cà thẻ rút tiền và thu phí. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lộ, mất thông tin thẻ tín dụng, dễ khiến thẻ bị hack và phát sinh những rủi ro không đáng có.

Bên cạnh đó, việc rút tiền sau khi được cấp lại hạn mức là cung cấp hóa đơn dịch vụ khống cho ngân hàng, bởi khách hàng không mua đồ mà chỉ sử dụng dịch vụ rút tiền mặt. Đây là những giao dịch không hợp lệ và bị ngân hàng cấm.

Ngày 07/1/2021, Ngân hàng Nhà Nước đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN, trong đó có yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ và tổ chức thanh toán thẻ có nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, rà soát các giao dịch thẻ nhằm ngăn chặn các giao dịch thanh toán khống (không phát sinh việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ) với mục đích rút tiền mặt, giao dịch thẻ không phù hợp quy định của pháp luật …

Nếu phát hiện sẽ chấm dứt hợp tác và có biện pháp xử lý phù hợp đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, đơn vị chấp nhận thẻ có hành vi sử dụng thẻ ngân hàng không đúng quy định pháp luật.

Như vậy, dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng chỉ là cách giải quyết khó khăn tài chính trước mắt nhưng nó không phải là giải pháp an toàn và bền vững nên lựa chọn.

(Tham khảo từ luatvietnam.vn)

P.V (t/h)