Cổ phiếu ngành thép bị định giá chưa đúng giá trị thực?

Thị trường nào cũng có những Cổ phiếu (CP) ngành thép bị định giá chưa đúng giá trị thực trong kỳ nào đó. Nhà đầu tư khôn ngoan là người tìm được những CP đang bị thị trường định giá thấp dưới giá trị nội tại (thực).

Ngành thép Việt Nam sắp bước vào thời kỳ hoàng kim do nhu cầu thế giới và trong nước tăng cao, nhưng nguồn cung bị hạn chế nên giá bán cao, tỷ lệ lãi tốt và tăng trưởng lãi EPS vượt trội so với các ngành khác nhưng CP lại đang được thị trường định giá thấp với P/E chỉ từ 3,3-7,9 lần, thấp hơn rất nhiều so với 3 năm gần nhất là 12,5 lần.

Phân tích 4 CP tiêu biểu ngành Thép gồm HPG, HSG, NKG và SMC. Cả 4 CP này đều có thương hiệu nổi tiếng trong ngành thép của VN. Các CP này đều có các quỹ đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 15-30%. Nghĩa là nó đã được các quỹ đầu tư thẩm định và lựa chọn. Các CP này có tỷ lệ lãi trên vốn chủ sở hữu (VCSH) ROE 4 quý gần nhất cao vượt trội từ 58% đến 68%. Nghĩa là đầu năm C.ty có VCSH 100 đ thì trong năm có lãi 68đ. Lãi sau thuế quý 3.2021 và 4 quý gần nhất đều tăng trưởng xuất sắc so với cùng kỳ từ 196%-1.690%. 4 CP này đều đã tăng giá tốt trong 12 tháng gần đây, nhưng tốc độ tăng giá thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng EPS 4 quý từ 1,81-15,69 lần, dẫn đến P/E trượt 4 quý của các CP này chỉ từ 3.3-7,9 lần, thấp hơn nhiều so với trung bình 3 năm gần nhất, với bình quân ngành 12,5 lần và toàn thị trường là 16,3 lần. P/B ngày 26/10 cũng thấp từ 1,33-2,99 lần so với ngành 2,6 lần như biểu đồ dưới.

Thực trạng công ty thép Việt Nam

CP Tập đoàn Tôn Hoa Sen (HSG): HSG là tập đoàn số 1 về tôn mạ VN và Đông Nam Á. Trong giai đoạn đại dịch Covid 19, HSG đã đẩy mạnh xuất khẩu sang EU và Mỹ. Tỷ lệ tôn xuất khẩu tháng 8 của HSG đạt đến 83% tổng lượng bán. theo VCBS, HSG có đủ đơn hàng để chạy hết công suất đến nửa đầu năm tới. Tỷ lệ lãi gộp của HSG cao 20-23%. HSG ngoài bán các sản phẩm Tôn, Thép, Ống nhựa của mình, HSG còn làm thương mại chiếm gần ½ doanh thu. HSG đã và đang phát triển chuỗi siêu thị hàng nội thất khắp Việt Nam. HSG ước kết quả quý 3 (tức quý 4 theo năm tài chính của HSG kết thúc vào 30.9) là 950 tỷ và cả năm tài chính là 4.324 tỷ, do vậy EPS là 8.762 đ/CP. P/E hiện chỉ là 5,4 lần. Với ROE cao 66%, tỷ lệ lãi giữ lại cao, thị trường còn rất nhiều cơ hội, nên khả năng tăng trưởng EPS năm tới dự kiến tối thiểu là 19%.

CP Tập đoàn Thép Hòa Phát (HPG): HPG với quy mô 8 triệu tấn thép thô/năm là nhà sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á. HPG mới đưa vào vận hành tổ hợp nhà máy thép Dung Quất lớn, đồng bộ và hiện đại từ nguyên liệu quặng sắt ra các SP, có cảng nước sâu bên cạnh. Với lợi thế quy mô lớn giúp HPG có giá thành thấp hơn so với các đối thủ khoảng 5-7$/tấn thép. Hơn nữa và việc có mỏ quặng sắt ở Úc và VN giúp HPG ổn định nguồn nguyên liệu và giá thành cạnh tranh hơn. HPG sản xuất thép HRC và nhiều loại thép chất lượng cao mà trước đây Việt Nam phải nhập khẩu làm cho biên lãi gộp của HPG tốt hơn trước nhiều. HPG đang chuẩn bị xây dựng tổ hợp thép lớn thứ 2 ở Dung quất bên cạnh nhà nhà máy hiện hữu. Hơn nữa HPG đang phát triển mạnh ngành điện gia dụng và thùng Container. HPG đạt lãi sau thuế Q3 là 10.350 tỷ đ và 4 quý đạt 31.687 tỷ đ. Do vậy EPS trượt 4 quý là 7.084 đ/CP. Với giá 56.300 đ, P/E của HPG chỉ mới 7.94 lần, thấp hơn nhiều so với bình quân ngành 3 năm qua là 12,5.

CTCP Đầu tư và thương mại SMC. SMC là nhà sản xuất và thương mại thép và các SP thép. SMC có nhiều nhà máy trải dài cả nam, trung, bắc và hệ thống phân phối rộng khắp, xuất khẩu chiếm khoảng 12-15%. Tổng doanh thu 4 quý gần nhất của SMC đạt 19.644 tỷ đ. Lãi sau thuế quý 3.2021 đạt 129 tỷ đ tăng 12,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Lãi 4 quý gần nhất đạt 976 tỷ cao gấp 16,9 lần so với cùng kỳ. EPS trượt 4 quý là 16.028 đ/CP. P/E hiện chỉ là 3,3 lần so với bình quân 3 năm gần nhất là 5.3 lần, thấp hơn nhiều lần so với trung bình ngành 12,5 lần. SMC đang xây dựng 3 nhà máy chế biến các SP thép tại Phú Mỹ, Bà Rịa trong đó có liên doanh với Samsung để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cho Samsung và các tập đoàn khác.

Tôn Nam Kim (NKG) là tập đoàn tôn lớn thứ 2 của VN, sau HSG, sản xuất tôn và ống thép với doanh thu 4 quý gần nhất hơn 1 tỷ Đô la Mỹ. Từ khi dịch Covid 19, NKG đã chủ động tăng mạnh xuất khẩu sang EU và Mỹ. Doanh thu xuất khẩu quý 3 chiếm hơn 80%. Với việc giá bán xuất khẩu cao, tỷ lệ lãi gộp của Công ty tăng mạnh. Lãi sau thuế quý 3 của NKG ước đạt 780 tỷ đ, tăng gấp 9,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế 4 quý là 2.100 tỷ tăng 15 lần so với cùng kỳ. EPS trượt 4 quý đạt 9.615 đ/CP. NKG đang chạy hết công suất máy, ít nhất hết nửa đầu năm 2022. NKG đang xúc tiến dự án giai đoạn 1 tăng 33% công suất lên 1,6 triệu tấn/năm.

Ngành thép tăng trưởng vượt trội nhưng đang được định giá thấp. Các tạp chí ngành thép thế giới đều đánh giá ngành thép bên ngoài Trung Quốc (TQ) sắp bước vào thời kỳ phục hưng. Theo FiinPro, 9 tháng đầu năm, ngành tài nguyên cơ bản thép Việt Nam tăng trưởng lãi 195% so với cùng kỳ năm trước, vượt trội so với các ngành khác như Chứng khoán tăng 92,3%, ngân hàng tăng 34,6%. Ngành Thép lại đang được thị trường định giá thấp nhất, ở mức P/E là 11,1 lần so với bình quân 3 năm gần nhất là 12,5 lần và so với trung bình của thị trường là 16,3 lần hay so với ngành chứng khoán P/E 15,5 lần, Ngân hàng là 11,8 lần.

Nhật Hạ

(Tổng Hợp)