Con sáo

Những ngày hè êm ả trôi đi. Chú ve sầu bí ẩn đâu đó trên vòm cây cứ ru hoài một điệu ru bất tận...

Tuổi của Tèo gấp đôi tuổi con sáo. Một hôm, Tèo nghe má nói vậy. Còn đối với Tèo, con sáo như có từ ngày xửa, ngày xưa. Chỉ biết rằng khi Tèo bắt đầu biết nói thì đã có nó rồi. Con sáo có bộ lông đen mượt, cái mỏ vừa dài, vừa nhọn lại vàng ươm. Cặp chân nó bé bằng que tăm mà chẳng chịu đứng yên tý nào, cứ nhảy lên, nhảy xuống liên tục trong lồng. Hai mắt nó nhỏ xíu, tròn xoe như hai giọt nước đen bóng, lung linh. Thích nhất là nó đã biết nói. Ba Tèo bảo nuôi sáo đến biết nói là công phu lắm.

Từ lâu, nó đã trở thành bạn của Tèo rồi. Buổi sáng, nó như chiếc đổng hồ báo thức. Tèo đã quen thức dậy khi nghe tiếng gọi của nó: “Tèo dậy! Tèo dậy!”. Chiều chiều, vừa thấy bóng ba má đi làm đồng về, nó đã liến thoắng: “Chào ba má! Chào ba má!”. Buồn cười nhất là nó không tách riêng tiếng ba, tiếng má ra được. Có khi chỉ một mình ba hoặc một mình má, nó cũng cứ: “Chào ba má! Chào ba má!” như một cái máy nói vậy. Đấy là toàn bộ vốn liếng từ ngữ của nó do ba Tèo dạy. Còn bây giờ, nó đang bập bẹ học thêm câu: “Anh Tèo ơi! Anh Tèo ơi” do chính Tèo dạy nó.

Tèo vừa học xong lớp một. Ba bảo hè này là hè đầu tiên trong đời học sinh của Tèo. Ba sẽ cho Tèo nghỉ ngơi, vui chơi thoải mái trong một tháng không động đến sách vở. Có ôn tập hè hay học thêm gì thì sau đó sẽ tính. Trước khi nghỉ hè, Tèo được cô giáo thưởng cho một quyển truyện tranh vì Tèo được đoạt giải: “Người kể chuyện hay nhất lớp”. Không hiểu từ đâu, Tèo bỗng dưng nghĩ được câu chuyện ấy. Bây giờ, mỗi khi nhớ lại tràng vỗ tay của cả lớp, Tèo vẫn còn nóng bừng mặt lên. Cả ba má khi nghe Tèo kể lại cũng thích lắm. Ba bảo Tèo có năng khiếu trở thành nhà văn. Ba tuyên bố sẽ có phần thưởng, nhưng thưởng bằng cái gì thì ba chưa nói.

Tranh minh họa: Đỗ Dũng
Tranh minh họa: Đỗ Dũng

Chuyện Tèo kể thế này: “Trong lớp học của các gà con, gà nhép là cô gà láu táu nhất. Mỗi khi cô giáo bồ câu đặt câu hỏi, dù biết hay không, gà nhép vẫn cứ nhanh nhảu: “Thưa cô, em!”. Một lần, cô bồ câu nói: “Hôm nay chúng ta sẽ thi xem ai có tài vẽ tranh nhất nhé”. Theo thói quen, gà nhép lập tức giơ tay: “Thưa cô, em!”. Không ngờ, cô gọi gà nhép lên bảng thật. Bấy giờ gà nhép mới thấy hoảng. Lúng túng một lát, gà nhép hỏi: “Thưa cô, vẽ cái gì ạ?” – cô giáo nói: “vẽ gì cũng được, miễn giống như thật”. Nào gà nhép có biết vẽ bao giờ đâu. Song đã trót xung phong rồi, và cả lớp lại đang chăm chú theo dõi.

Gà nhép miễn cưỡng cầm viên phấn đi lại góc bảng. Nó ngập ngừng một lát rồi khoanh một vòng tròn như chữ O. Rồi chợt nghĩ ra điều gì, cô ta kẻ xung quanh chữ O ấy một cái khung hình vuông. Thế là xong bức tranh. Cô bồ câu hỏi: “Em vẽ cái gì đấy, nói cho cả lớp nghe nào?” – gà nhép đáp, vẻ tự tin: “Thưa cô, em vẽ… em hồi còn bé đấy ạ”. Cả lớp gà con cười ồ lên thích thú. Cô bồ câu cũng cười, cô hỏi: “Có giống không các em?”. Cả lớp đồng thanh: “Thưa cô, giống ạ”. Cô bồ câu kết luận: “Đây là chân dung của tất cả chúng ta hồi còn bé”. Cô bồ câu vừa nói đến đó thì ở phía cuối lớp, bỗng có tiếng kêu “ộp ộp” loạn cả lên. Cả lớp quay đầu lại nhìn, thì ra là bạn cóc tía. Bạn ấy phản đối kết luận của cô bồ câu, vì quả trứng không phải là chân dung của bạn ấy hồi còn bé.

Gà nhép nhìn cóc tía, suy nghĩ một lát rồi quay lên bảng, nó cầm viên phấn vẽ loằng ngoằng thêm một nét vào quả trứng. Cả lớp lại reo ầm lên: “Quả trứng có đuôi, quả trứng có đuôi... đúng rồi, đúng rồi. Đó là… con nòng nọc, chân dung của bạn cóc hồi còn bé”. Bấy giờ cóc tía mới thôi “ộp ộp”. Câu chuyện chỉ có thế, má nghe thì thích lắm. Riêng ba, ba gật gù, mủm mỉm cười ra vẻ bí hiểm, hình như chỉ có má hiểu, còn Tèo thì không hiểu. Ba lại còn hỏi thêm: “Thế nhỡ quả trứng mà gà nhép vẽ là trứng ung thì sao?”. Má nguýt ba, bảo ba đùa ác thế, đối với các cô cậu gà con, “trứng ung” là một từ kiêng kị, xui xẻo không được nói đến.

Tèo rất hãnh diện với đám trẻ trong làng vì có con sáo. Nhất là thằng Tý học cùng lớp. Nhà nó ở xóm bên, cách nhà Tèo một cái ao và một con đường nhỏ. Ngày nào nó cũng sang nhà Tèo chơi. Nó mê con sáo lắm. Nó bảo ba nó cũng sắp mua cho nó một con. Con sáo mà ba nó sẽ mua còn biết nói nhiều hơn con sáo của Tèo, thậm chí còn biết chữ nữa. Tèo nghe nó khoe mấy lần rồi mà có thấy con sáo nào đâu. Ba nó nguyên là cán bộ trên huyện, mỗi tuần về nhà một lần. Có lẽ hễ lên đến huyện là ba nó lại quên chuyện mua con sáo cho nó. Vì thế Tèo cứ phải nghe đi nghe lại chuyện con sáo tương lai ấy.

Những ngày hè êm ả trôi đi. Chú ve sầu bí ẩn đâu đó trên vòm cây cứ ru hoài một điệu ru bất tận. Không gian ngập tràn tiếng ve và ánh nắng. Cho đến một hôm không thấy Tý sang chơi như thường lệ. Hay là Tý bị bệnh? Chiều hôm ấy, Tèo quyết định sang thăm Tý. Vào đến cổng, Tèo thấy Tý đang chơi với một thằng bé lạ mặt ở giữa sân. Thằng bé chắc nhỏ hơn Tèo và Tý một vài tuổi. Trông nó trắng trẻo, bụ bẫm và dễ thương quá. Tèo nhớ ra rồi, có lần Tý khoe có thằng em con ông chú ở trên thành phố. Đây chắc là thằng ấy chăng? Dân thành phố có khác. Nó vừa trắng trẻo, vừa sạch sẽ, nom mũm mĩm như con búp bê. Xung quanh nó và Tý bày la liệt đồ chơi mà vừa nhìn thấy, Tèo đã sướng mê đi.

Khẩu súng nhựa to bằng nửa người Tèo, bắn pằng pằng, chíu chíu!, đèn chớp lập lòe. Chiếc xe tăng điều khiển từ xa bằng nút bấm chạy rào rào, vừa chạy vừa bắn đại bác inh ỏi. Rồi ô tô, máy bay, rồi những căn nhà cao tầng đầy đủ màu sắc… Đây là lần đầu tiên Tèo được nhìn thấy chúng. Chả bù cho Tèo và Tý, xưa nay chỉ biết nặn ô tô bằng đất, phơi khô đi rồi cột dây chuối kéo rong khắp xóm. Cậy mình là bạn thân của Tý, Tèo cứ tự nhiên sà vào, cầm ngay lấy khẩu súng bóp cò liên tục. Thằng bé kia vội sấn đến, trợn mắt giằng ra. Bị hẫng, Tèo ngoảnh sang nhìn Tý. Lạ chưa? Thằng Tý mới hôm qua thân thiết là thế, hôm nay thái độ khác hẳn. Nó cũng khinh khỉnh chẳng nói chẳng rằng. Không những thế, nó còn nhìn Tèo ra vẻ hãnh diện, làm phách. Tèo thấy quê quá, ngượng đến đần mặt ra. Hai thằng kia chẳng thèm để ý tới, cứ tiếp tục trò chơi, như thể muốn trêu thèm một kẻ vốn không có số may được sung sướng như chúng.

Tối hôm ấy Tèo trằn trọc không ngủ được. Tèo giận thằng Tý. Không hiểu sao nó nỡ làm phách, nỡ phân biệt đối xử với Tèo. Sao mình không có anh em, họ hàng ở thành phố nhỉ. Có lần Tèo đã hỏi thì ba bảo: Cả họ nhà mình sinh ra và lớn lên ở làng. Cô dì, chú bác đều ở quê cả, không có ai trên thành phố hết. Thế nghĩa là Tèo không bao giờ hy vọng có một đứa em, và những món đồ chơi như thế để cho thằng Tý biết tay. Tèo buồn lắm, nhất là những món đồ chơi ấy cứ luẩn quẩn mãi trong tâm trí.

Trong giấc ngủ chập chờn, Tèo mơ thấy ba đã quên. Thì ra ông nội còn một người con là em của ba sống ở thành phố. Hôm ấy chú về quê nhận anh em, họ hàng. Chú cũng mang theo một thằng em kháu khỉnh và rất nhiều đồ chơi. Tèo sướng cứ như mê đi. Lại thấy thằng Tý thập thò sang xem trộm. Tuy vẫn còn tức chuyện hôm qua, song Tèo không thèm chấp. Tỏ ra là người cao thượng, Tèo vẫy nó vào cùng chơi…

Giấc mơ dù đẹp thì cũng chỉ là giấc mơ. Sáng hôm sau, Tèo lại thấy buồn và ấm ức y hệt lúc chiều qua. Vẫn không sao dứt ra khỏi tâm trí những thứ đồ chơi hấp dẫn. Tèo chợt nảy ra một ý: Mình có con sáo. Thằng em của Tý chắc chưa biết thế nào là một con sáo biết nói. Tèo sẽ mang con sáo sang trêu tức nó, cho nó cũng phải thèm thuồng, như Tèo đang thèm những đồ chơi của nó vậy. Chỉ sợ ba biết sẽ la. Nhưng nếu không hả nỗi tức nghẹn này thì Tèo không chịu được. Sau một buổi sáng bồn chồn, day dứt, chiều hôm đó, Tèo quyết định.

Quả nhiên khi thấy Tèo xách chiếc lồng có con sáo đang bi bô: “Anh Tèo ơi! Anh Tèo ơi” ngoài cổng, thằng em Tý trố mắt nhìn ra. Tèo hãnh diện xách lồng sáo hẳn vào trong sân. Thằng bé kia đã rời những món đồ chơi ra từ lúc nào. Tèo đứng lại, nhìn thẳng vào nó, ngạo nghễ. Bất ngờ nó nằm lăn đùng ra, chân đạp tứ tung vào những đồ chơi rồi gào lên ầm ĩ. Từ trong nhà, một người đàn bà ăn mặc sang trọng chạy vội ra, rối rít:

- Sao thế Bin? Trời ơi Bin, con yêu của mẹ. Nín đi nào, có gì mẹ đền cho.

Thằng bé (thì ra nó tên là Bin) vừa gào, vừa chỉ tay vào cái lồng sáo. Như đã hiểu ra, người đàn bà đon đả:

- Lại đây cháu. Em nó thích con sáo của cháu đấy. Bán cho cô đi, lại đây cô trả tiền. – Vừa nói, bà ta vừa thò tay vào trong túi rút ra hai tờ giấy bạc xanh lè.

- Cô trả cháu một trăm ngàn. Cầm về mua quần áo đẹp… Hay là cháu chưa vừa ý? Đây, cô trả thêm một tờ nữa. Một trăm rưỡi đấy.

Tèo vẫn đứng im không nhúc nhích. Sao lại có thể bán con sáo được. Không bao giờ. Tèo lắc đầu. Thằng Bin nãy giờ im bặt, hau háu nghe cuộc mặc cả giữa mẹ nó và Tèo. Khi thấy Tèo từ chối, nó lại lăn đùng ra và gào lên, chân tay đạp lia lịa. Tèo bỗng thấy hả lòng quá. Thấy chưa? Đừng tưởng chỉ mày mới có những thứ mà tao thích. Chính tao cũng có những thứ mà mày không thể nào có được. Người đàn bà chợt bắt gặp ánh mắt của Tèo hút vào chiếc xe tăng, bà ta liền nảy ra sáng kiến:

- Thôi thế này vậy. Cháu đổi cho em Bin chơi con sáo. Còn cháu chơi chiếc xe tăng này nhé? Chỉ một lúc là em nó chán ngay thôi, cô biết tính nó rồi. Khi đó cháu lại mang con sáo về.

Giải pháp này xem ra có vẻ hợp lý. Tèo vẫn không mất con sáo, lại được chơi chiếc xe tăng. Vả lại, thế là đã đủ trả cái món nợ cho sự bẽ mặt ngày hôm qua rồi. Thấy Tèo có vẻ ưng ý, người đàn bà liền cầm chiếc xe tăng dúi vào tay Tèo, tay kia nhấc chiếc lồng sáo đưa cho thằng Bin. Chỉ đợi có thế, thằng Bin chồm ngay dậy, vồ lấy cái lồng sáo. Nó ngồi xoay lưng lại và bắt đầu đùa nghịch.

Sau một hồi đập đập vào cái lồng mà con sáo vẫn không hề nói một tiếng. Thằng Bin sốt ruột muốn tóm lấy con sáo. Nó tìm cái cửa lồng, rút then ra và thò hẳn tay vào. Con sáo cuống cuồng bay ép người lên nóc lồng, ngoái cổ lại cảnh giác. Thằng Bin thò tay vào sâu hơn. Con sáo đột nhiên nhảy xuống, mổ một nhát rõ mạnh vào cổ tay nó. Đau quá, thằng Bin vội rụt tay lại và khóc thét lên. Chỉ chờ có thế, con sáo vụt qua lỗ cửa để ngỏ, bay ra khỏi lồng.

Con sáo

Tèo giật mình, hoảng hốt quẳng chiếc xe tăng, chạy vọt theo. Không kịp rồi, con sáo đã bay tít lên cao, mất hút. Làm thế nào bây giờ? Mặt đất như muốn sụp dưới chân, Tèo lặng người vì lo sợ. Người đàn bà lại từ trong nhà chạy ra, cuống quýt dỗ thằng Bin đang kêu khóc ầm ĩ. Bà ta chẳng thèm để ý đến sự lo sợ của Tèo. Cả thằng Tý nữa. Nó nhìn Tèo, ánh mắt căm tức như thể chính Tèo đã phá đám cuộc chơi của nó. Rồi nó chỉ thẳng tay ra cổng, hét lớn:

- Mang cái lồng của mày cút khỏi nhà tao ngay.

Tèo tức quá, nước mắt ầng ậng dưới mi mà không sao khóc lên được, đành bước tới giật lấy cái lồng rồi chạy vụt ra cổng.

Về đến căn nhà bỗng chốc đã trở nên lạnh lẽo, trống trải vì không còn con sáo nữa. Tèo lo lắng, hối tiếc đến bủn rủn cả người. Biết nói sao với ba đây. Chắc chắn ba sẽ la, có khi còn bị đánh đòn nữa. Tèo hối hận quá, giá như đừng mang con sáo đi. Bây giờ, chỉ còn cách nói dối, phải nói dối ba má thôi. Tèo sẽ treo cái lồng vào chỗ cũ, sẽ nói với ba rằng con sáo đã tự tìm được lối ra…

Sau khi chuẩn bị xong mọi thứ, sẵn sàng cho một cuộc nói dối, Tèo lại thấy thương tiếc con sáo. Nằm úp mặt xuống giường, Tèo vừa đau xót, vừa suy nghĩ miên man. Từ nay, sẽ không còn con sáo bi bô đánh thức Tèo dậy mỗi buổi sáng, sẽ không còn tiếng chào ba má của nó vào mỗi buổi chiều… Chính Tèo đã đánh mất tất cả. Chỉ vì cái tính hiếu thắng, chỉ vì mấy thứ đồ chơi chết tiệt…

- Sao lại ngủ vào giờ này, dậy ăn cơm đi con - ba má Tèo đã về từ lúc nào. Má đang lay Tèo. “Hay là con bị bệnh, cho má xem nào?” - má sờ tay vào trán Tèo, “Đầu mát lắm, không có gì. Dậy ăn cơm thôi, ba đang chờ kia kìa”.

Sao không thấy ba nói gì đến chuyện vắng con sáo nhỉ? Tèo lo quá. Hé mắt nhìn ra bàn, Tèo thấy ba đang ngồi bên mâm cơm, tươi cười như không có chuyện gì xảy ra. Chả lẽ ba không biết? Nhưng thôi, trước sau gì việc đó cũng sẽ đến. Tèo uể oải ngồi dậy, đi lại phía mâm cơm mà không dám nhìn về phía treo chiếc lồng sáo. Tèo ngồi ăn cơm mà không sao nuốt trôi được, miếng cơm cứ nghẹn trong cổ họng, chỉ còn biết cúi gằm mặt xuống. Ba má nhìn nhau, ngạc nhiên trước thái độ ấy của Tèo. Ba người im lặng.

Đột nhiên, Tèo nghe thấy có tiếng lạch xạch quen thuộc phía sau lưng. Theo phản xạ, Tèo ngoảnh đầu nhìn lại. Trời đã nhá nhem tối. Ánh đèn từ trong nhà hắt ra ngoài hiên soi rõ cái lồng sáo. Có vật gì đen đen, nhảy nhót trong đó. Trời ơi con sáo. Con sáo của Tèo, nó ở trong đó, con sáo đã trở về. Hay là Tèo vừa trải qua cơn ác mộng? Con sáo chưa bao giờ bay đi? Tất cả, thằng Bin, những đồ chơi bằng nhựa, súng ống, xe tăng… chỉ là cơn ác mộng ấy? Không phải. Đúng là con sáo đã trở về. Tèo sung sướng quá, người nhẹ bẫng như trút được gánh nặng. Hình như ba đã hiểu. Ba bảo:

- Ba quên chưa nói với con rằng, con sáo biết lối tự quay về lồng. Nhưng con vẫn đừng thả nó ra như thế. Có rất nhiều nguy hiểm đang rình rập nó. Chẳng hạn mèo hoặc chó vồ mất thì sao.

Ôi con sáo. Con sáo của Tèo. Tèo biết ơn nó quá. Chính nhờ sự trung thành của nó, mà Tèo đã không trở thành một tên nói dối.

- Ngày mốt - ba nói tiếp - ba má sẽ cho con lên thành phố chơi. Đó là phần thưởng như đã hứa với con hôm trước đấy.

Ôi! Giá như ba nói chiều qua, chắc Tèo đã nhảy dựng lên vì vui sướng. Tèo sẽ được thấy những đồ chơi tuyệt đẹp chắc chắn còn nhiều hơn của thằng Bin… Nhưng hôm nay, điều đó đã không còn ý nghĩa nữa rồi. Tèo cảm thấy những đồ chơi bằng nhựa lòe loẹt kia mới vô nghĩa làm sao. Dù nó có chạy được bằng pin, có lập lòe, kêu la inh ỏi thì cũng chỉ là những vật xa xỉ, vô tri, vô giác và phi lý mà thôi. Làm sao chúng có thể so sánh với con sáo mỏ vàng tình nghĩa và thủy chung của Tèo được.

Thậm chí bây giờ, Tèo còn căm ghét những đồ chơi ấy. Vì chúng mà thằng Tý trở nên ích kỷ, thằng Bin tham lam, còn Tèo, đã nảy sinh sự ghen ghét nhỏ nhen, thèm muốn và suýt nữa trở thành một kẻ dối trá. Vì chúng, Tèo và Tý đã bất hòa với nhau. Không, Tèo muốn quên đi tất cả. Ngày mai, Tèo sẽ sang làm lành với Tý. Nghĩ đến đó, với một tâm hồn thanh thản đến lạ kỳ, Tèo đề nghị:

- Cho con mang theo con sáo ba nhé.

- Tất nhiên rồi, con sáo cũng xứng đáng được thưởng một cuộc du lịch cùng với cả nhà- ba khẳng định.

“…Một truyện ngắn hay đến mức những con chữ như được nén chặt nằm lặng trong cõi hồn ta bất chợt thức dậy, bung ra để vỡ òa cảm xúc. Có một tâm hồn trẻ thơ trong trẻo bên trong thân xác một gã đàn ông. Trong trẻo đến mức người ta phải ứa nước mắt”.

(Lời bình của nhà văn Phạm Ngọc Tiến)

Phạm Lưu Vũ

Nguyện ước cuối cùng

Nguyện ước cuối cùng

Nikolai Nikolaevich còn có một hy vọng, và một ước muốn cháy bỏng như hồi còn trẻ để hy vọng đó thành sự thực. Ông muốn sống đến mùa xuân.