Công ty mẹ của Shopee tìm cách hòa vốn mảng thương mại điện tử

Tập đoàn công nghệ Sea có trụ sở tại Singapore dự kiến sẽ hòa vốn trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của mình vào cuối năm 2023 khi công ty đang thua lỗ và tiến hành một loạt đợt sa thải nhân viên, hạn chế chi tiêu.

Theo Nikkei, Sea kỳ vọng sẽ đạt điểm hoà vốn đối với mảng thương mại điện tử (TMĐT) cho tới thời điểm cuối năm 2023 giữa lúc thực hiện hàng loạt các hành động cắt giảm nhân sự và thắt chặt chi phí.

Trong một họp hôm 15/11, ông Forrest Li, CEO và chủ tịch Sea, khẳng định công ty của ông đã "hoàn toàn thay đổi" cách nghĩ và tập trung vào việc "từ tăng trưởng đến đạt khả năng tự duy trì và lợi nhuận sớm nhất có thể mà không cần dựa vào nguồn vốn từ bên ngoài".

Ông nói, "Chúng tôi đang thích nghi nhanh với môi trường thay đổi". Những thông tin trên được Sea công bố trong bối cảnh công ty này lỗ ròng 569 triệu USD trong quý III, đây là mức lỗ gần như tương đương cùng kỳ năm ngoái là 570 tỷ USD.

Công ty mẹ của Shopee tìm cách hòa vốn mảng thương mại điện tử - Ảnh 1.

Sea có trụ sở tại Singapore đã cắt giảm việc làm, bao gồm cả những người làm việc tại công ty bán lẻ trực tuyến Shopee, để cắt giảm chi phí. Ảnh: Reuters

Tổng doanh thu tập đoàn đạt mốc 3,1 tỷ USD, tăng 17% so với một năm trước đó. Mặc dù doanh thu mảng TMĐT tăng mạnh 51% lên múc 1,97 tỷ USD, doanh thu mảng giải trí số lại giảm 19% xuống 892 triệu USD khi số lượng người dùng trả phí có dấu hiệu giảm mạnh.

Số lượng người dùng trả phí mảng giải trí số của Sea đạt 51,5 triệu người trong quý III, giảm mạnh 45% so với một năm trước đó. Xét theo quý, số lượng người dùng trả phí của "ông lớn" này đã giảm liên tiếp 4 quý.

Theo Nikkei, kể từ đỉnh cao giá trị ghi nhận vào tháng 10/2021, giá trị vốn hoá của Sea đã giảm hơn 80%.

Năm nay, Sea cũng đẩy mạnh việc cắt giảm nhân sự tương tự nhiều công ty công nghệ lớn trên thế giứoi khi lãi suất tăng, khả năng suy thoái và nhu cầu cho các dịch vụ trực tuyến giảm khi các nền kinh tế mở cửa trở lại. Báo cáo gần đây cho thấy Sea có thể đã sa thải tới hơn 7.000 nhân sự, tương đương khoảng 10% định biên nhân sự, trong 6 tháng trở lại đây.

Khi làn sóng tăng trưởng do đại dịch mang lại mờ đi, Sea cũng rời một số thị trường mới ở Châu Âu và Mỹ Latinh.

Theo báo cáo thường niên, Sea có tổng cộng 67.300 nhân sự tính tới thời điểm cuối năm 2021, gần như tăng gấp đôi so với một năm trước đó.

Trong báo cáo hôm 15/11, giám đốc công ty của Sea, Yanjun Wang, cho biết sự thay đổi gần đây về số lượng nhân viên có liên quan đến "việc rút khỏi thị trường và loại bỏ ưu tiên của một số sáng kiến kinh doanh" như một phần của "cuộc tập trận đang diễn ra".

Việc thu hẹp quy mô nhấn mạnh làn sóng sa thải công nghệ đến các thị trường châu Á. Công ty thương mại điện tử Amazon của Mỹ được cho là có kế hoạch cắt giảm khoảng 10.000 nhân viên, trong khi Facebook thông báo cắt giảm 11.000 việc làm trong tháng này và Twitter đã cắt giảm 50% lực lượng lao động toàn cầu, bao gồm cả ở các thị trường châu Á.

Ngay cả khi Sea gấp rút quản lý chi phí, vẫn còn những thách thức đối với hoạt động kinh doanh trò chơi cốt lõi, có thể mất thời gian để kiếm tiền từ một số tựa game mới của mình để nối gót Free Fire nổi tiếng.

Với mảng giải trí số, Sea kỳ vọng doanh thu trong năm 2022 dao động từ 2,6 tỷ USD đến 2,8 tỷ USD, giảm xuống từ mức định hướng trước đó là 2,9 tỷ USD đến 3,1 tỷ USD. Ông Wang thừa nhận Sea sẽ tiếp tục chứng kiến "ảnh hưởng tới tương tác người dùng và số lượng người dùng do các yếu tố bất lợi từ vĩ mô".

Do nhiều yếu tố bất định từ thị trường, Sea nói thêm rằng công ty này "không có ý định đưa ra các con số mục tiêu định hướng kinh doanh trong năm 2023".

"Một khi chúng ta đạt được khả năng tự túc, chúng ta sẽ có thể quyết định tăng tốc tăng trưởng trở lại theo cách bền vững lâu dài và hiệu quả hơn nhiều", ông Li nói.

(Nguồn: Nikkei)

GIA HÂN