Liên quan đến sự việc hàng trăm cây cột điện bị đổ gãy khi xảy ra cơn bão số 5, ông Hoàng Mai Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Xây lắp sản xuất thương mại và Điện cơ SDC (một trong số các đơn vị cung ứng cột điện cho Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế), nói rằng chính ông cũng chưa thể lý giải về việc này.
"Người dân có cơ sở nghi ngờ khi bão số 5 không lớn nhưng hàng loạt cột điện bị gãy. Nhà nước nên thành lập hội đồng khoa học để tìm ra nguyên nhân", Giám đốc Công ty SDC nói.
Ông Sơn cho rằng đây là cách để mọi việc được minh bạch, sòng phẳng và cần nhìn nhận sự việc một cách khách quan dựa trên các cơ sở khoa học.
Một cột điện ở Thừa Thiên - Huế bị gãy. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Theo ông Sơn, nghành điện lực hiện đang thống kê số cột điện bị gãy và tìm nguyên nhân. Ở Thừa Thiên - Huế có 4 công ty trúng thầu cung ứng cột điện gồm: Phương Minh (đóng tại Thừa Thiên - Huế), Xây lắp điện Quảng Nam (Quảng Nam), Công ty 504 ở Đà Nẵng và SDC. Từ năm 2017, SDC đã đấu thầu trúng 3 gói cung cấp cột cho Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế. Hiện vẫn chưa nắm rõ số lượng cột điện do SDC sản xuất bị hư hỏng trong bão số 5 vừa qua vì cơ quan chức năng đang kiểm tra.
Ông Sơn đánh giá cột điện được thiết kế theo tiêu chuẩn TCVN 5847:2016 với khả năng chịu được sức gió giật trên cấp 12 trong khi cơn bão vào Thừa Thiên - Huế gió giật dưới cấp 11, việc cột điện bị đổ gãy nhiều là một điều bất thường.
Giám đốc SDC nói: "Thứ nhất, cột gãy là do khi bão đổ bộ có một lực xoáy rất mạnh tác động vào trụ điện. Thứ 2, bão làm nhiều cây xanh gãy, đổ đè lên hệ thống dây (gồm dây điện và các loại cáp khác) tạo lực kéo cực lớn. Lúc này, chỉ cần một cột gãy sẽ kéo theo hàng loạt trụ đổ. Tuy nhiên, tôi cũng chưa lý giải được vì sao ở một số cánh đồng, không có cây xanh nhưng cột điện vẫn bị gãy hàng loạt".
Các đơn vị đều quy trình sản xuất cột điện riêng nhưng phải đảm bảo đúng theo TCVN. Về nguyên liệu, cột điện gồm có sắt thép, xi măng, nước, phụ gia, bê tông... Tất cả vật liệu này phải đảm bảo theo tiêu chuẩn chất lượng. Trước đây, chúng ta dùng sắt của Mỹ, Thái Lan và Trung Quốc... Những năm gầy đây, các đơn vị dùng sắt của các doanh nghiệp trong nước để sản xuất cột điện. Việc kiểm định chất lượng cột điện do một đơn vị Nhà nước đóng ở Đà Nẵng cùng Tổng công ty Điện lực miền Trung và Điện lực Thừa Thiên - Huế thực hiện.
"Nguyên tắc kiểm định là theo từng lô hàng. Nếu lô hàng có 50 cột trở xuống sẽ chọn một cây bất kỳ để kiểm định. Lô hàng từ 50-100 cột thì sẽ kiểm định 2 cột bất kỳ. Nếu họ phát hiện một cột điện không đạt tiêu chuẩn thì cả lô hàng đó bị coi là không bảo đảm chất lượng", ông Sơn khẳng định.
Dù ngành điện lực đã đưa ra lời giải thích nhưng nhiều người dân vẫn còn tỏ ra khá nghi ngờ về chất lượng của cột điện. Về việc này, ông Sơn cho rằng nhận xét như vậy không sai nhưng đó là cảm tính. Là doanh nghiệp thì chất lượng sản phẩm là vấn đề sống còn của công ty. Cột điện là sản phẩm đặc biệt với tuổi thọ hàng chục năm, nó gắn liền với thương hiệu của nhà sản xuất. Ông nhấn mạnh, thời buổi cạnh tranh rất khốc liệt nên đơn vị làm dối không tồn tại được. Hơn nữa, khó có đơn vị nào dám ăn bớt vật liệu trong quá trình sản xuất cột điện.
"Chi phí trung bình để sản xuất một cột điện khoảng 10 triệu đồng. Trong đó, tiền vật liệu 6-8 triệu, còn lại là chi phí nhân công. Sau khi trừ các chi phí, công ty lãi 1,5-2 triệu đồng/cột điện. Nếu doanh nghiệp làm dối, bớt vật liệu, khi kiểm định, cơ quan chức năng phát hiện ra vài cây không đảm bảo chất lượng thì cả lô hàng bị vứt. Chưa kể, người ta kiểm định thấy nhiều sản phẩm của công ty nào đó bị lỗi thì sẽ chấm dứt hợp đồng. Một lý do nữa là làm cột điện mà không đảm bảo chất lượng sẽ gây hậu quả khôn lường. Giả sử, cơn bão vừa qua có ai đó bị thương hoặc tử vong thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc. Khi đó, anh nào làm dối có nguy cơ vướng lao lý. Từ những lý do trên, tôi nghĩ không ai dám làm ra cột điện không đảm chất lượng", ông Sơn chia sẻ.
Cơ quan quản lý Nhà nước lập đoàn kiểm tra bao gồm các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực vật lý, xây dựng, bê tông ứng lực và khí tượng thủy văn... là việc làm cần thiết. Các chuyên gia sẽ tìm ra chính xác nguyên nhân để các đơn vị khắc phục và nên minh bạch, sòng phẳng và giải đáp thắc mắc của người dân.
Điện lực Đà Nẵng lên tiếng về thông tin cột điện gãy không thấy lõi thép
Phía điện lực cho rằng sau khi đập bóc phần gãy, khẳng định đây là cột dự ứng lực được sản xuất theo tiêu chuẩn TCVN 5847:2016 và TCVN 6284 - 1997.