COVID-19 khiến Vietnam Airlines lỗ hơn 6.600 tỷ, Vietjet Air lãi hơn 1.000 tỷ đồng

Dù đều chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng tình hình kinh doanh của Viejet Air lạc quan hơn nhiều so với Vietnam Airlines.

Hai “ông lớn” hàng không trong nước là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam với hãng bay Vietnam Airlines và Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet với hãng bay Vietjet Air vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2020. Nhìn chung ở kỳ này, cả hai đều chịu không ít thương tổn.

Vietnam Airlines lỗ hơn 4.000 tỷ đồng

Với Vietnam Airlines, doanh thu thuần trong quý II/2020 là 5.995 tỷ đồng. Mức này giảm 3 lần so với quý đầu năm và giảm đến 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn bán hàng vượt doanh thu tới 65%, đạt mức 9.869 tỷ đồng.

Trong khi đó, các chi phí thường xuyên có tốc độ giảm không đủ nhanh. Chi phí tài chính so với cùng kỳ giảm hơn 40%. Chi phí bán hàng giảm nhanh hơn nhưng chỉ ở mức 57% so với quý II/2019. Riêng chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh nhất, đến 59%. Trong kỳ này, Vietnam Airlines còn phải gánh phần lỗ trong công ty liên kết đến hơn 95 tỷ đồng, tăng hơn 2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng lại, lợi nhuận sau thuế trong quý II/2020 đang âm 4.030 tỷ đồng. Mức lỗ này lớn gần gấp đôi so với quý I/2020 và tuột gần 4.200 tỷ đồng lợi nhuận so với quý II/2019.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng và trực tiếp đến tổng doanh thu và thu nhập khác của công ty mẹ, giảm 67,25% so với quý II/2019, trong đó chủ yếu là doanh thu cung cấp dịch vụ giảm mạnh 72,49% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, doanh thu khách nội địa đã giảm 57,7% và doanh thu khách quốc tế giảm mạnh đến 96,6%. Trong khi đó, tổng chi phí trong quý này chỉ giảm 47,97%. Mức độ giảm doanh thu cao hơn chi phí dẫn đến lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm mạnh.

Bên cạnh đó, lợi nhuận sau thuế của các công ty con có liên quan đến cung cấp dịch vụ hàng không cũng giảm rất mạnh như Vacs, Skypec, Viags,…

Đáng nói, lưu chuyển tiền thuần vào cuối tháng 6/2020 âm 356 tỷ đồng, trong đó dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm gần 5.400 tỷ đồng. Song song đó, hãng bay này đã phải tăng thêm các khoản vay và nợ đáng kể. Khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng từ 6.500 tỷ lên 11.100 tỷ đồng.

Vietjet Air báo lãi hơn 1.000 tỷ đồng

Với Vietjet Air, doanh thu hợp nhất được ghi nhận trong quý II/2020 là 4.969 tỷ đồng. Mức này giảm 31% so với quý I/2020 và giảm tới 2,5 lần so với quý II/2019. Tương tự Vietnam Airlines, giá vốn bán hàng và cung cấp dịch vụ vượt doanh thu nhưng chỉ cao hơn 2%, ở mức 5.078 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong kỳ báo cáo này, hãng hàng không của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo ghi nhận doanh thu đột biến từ hoạt động tài chính, có thêm 1.174 tỷ đồng. Con số này chủ yếu đến từ lãi chênh lệch tỷ giá và thu nhập tài chính khác. Đây là những nỗ lực của Vietjet nhằm gia tăng dòng tiền hỗ trợ hoạt động kinh doanh.

Các chi phí thường xuyên của Vietjet Air cũng được tiết giảm. Chi phí tài chính giảm hơn 45% so với quý II/2019. Chi phí bán hàng được tiết giảm gần 40%. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng gần gấp đôi.

Tổng lại, Vietjet Air vẫn có lãi trong kỳ báo cáo này, thậm chí mức lãi ròng ở con số đáng mơ ước của ngành hàng không thế giới. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận là 1.063 tỷ đồng, biến động theo cấp số nhân so với khoản lỗ ở quý trước và tăng tới 71% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đại diện Vietjet Air cho biết, đại dịch COVID-19 là nguyên nhân chính cho sự sụt giảm nhu cầu đi lại chung của thị trường, hãng bay này cũng không ngoại lệ. Mặc dù có lệnh giãn cách xã hội vào tháng 4/2020, Vietjet cũng cố gắng thực hiện 300 chuyến bay chuyên dụng cho hàng hoá. Tính chung cả quý, hãng này cất cánh được 14.000 chuyến bay.

Ban Lãnh đạo tích cực tìm kiếm các đối tác và đã thực hiện giải pháp chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư tài chính. Đến tháng 6, thị trường nội địa dần phục hồi, hãng bay của bà Phương Thảo thực hiện trung bình 300 chuyến bay mỗi ngày. Điều này giúp cải thiện phần nào kết quả kinh doanh trong quý II/2020.

Vietnam Airlines cầu cứu Chính phủ, Vietjet Air tự tin hoà vốn

Rõ ràng, dù chịu nhiều tổn thương từ COVID-19 nhưng tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines và Vietjet Air đều có mảng màu khác biệt.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu của hãng hàng không quốc gia là 24.808 tỷ đồng, vơi hơn một nửa so với năm ngoái. Vietnam Airlines lỗ ròng hơn 6.642 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lãi 1.381 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại hội nghị sơ kết của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, phía Tổng Công ty lại ước tính mức lỗ nửa đầu năm nay lên tới 7.474 tỷ đồng. Trước đó, Tổng giám đốc Dương Trí Thành , cho rằng, Vietnam Airlines có thể lỗ ròng 13.000 tỷ đồng trong năm nay. Con số này đã được tính toán bao gồm các giải pháp như áp dụng việc tính chậm khấu hao theo Nghị định mới và áp dụng chính sách thuế xăng dầu, giảm bớt được lỗ 2.200 tỷ so với con số ước tính ban đầu là lỗ hơn 15.000 tỷ đồng.

Vietnam Airlines xin Chính phủ trợ cấp 12.000 tỷ đồng. Ảnh: VNA
Vietnam Airlines xin Chính phủ trợ cấp 12.000 tỷ đồng. Ảnh: VNA

Sau hàng tháng trời lỗ mẹ chồng lỗ con, hãng hàng không quốc gia đã xin Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 12.000 tỷ đồng. “Từ khi hòa bình lập lại trên nước ta đến giờ, chưa bao giờ bầu trời Việt Nam bay ít đến thế”, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines nhận định.

Chưa kể, Vietnam Airlines còn “gồng gánh” thêm “đứa con” khá yểu mệnh Jetstar Pacific, nay là Pacific Airlines. Khoản lỗ lũy kế tính đến năm 2019 của hãng này vào khoảng 4.250 tỷ đồng. Con số này gây áp lực không nhỏ cho Vietnam Airlines trong việc cân đối tài chính.

Trong khi đó, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu của Vietjet Air cũng vơi đi một nửa so với năm trước nhưng vẫn thu về 12.200 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm theo cấp số nhân nhưng vẫn dương ở mức hơn 73 tỷ đồng.

Tổn thương của hãng bay giá rẻ này khá lạc quan nhờ vào nền tảng tài chính vững chắc của được tích luỹ trong giai đoạn trước đó. Năm 2019, lượng tiền và các tài sản tương đương được giữ ở mức hơn 5.300 tỷ đồng, tuy giảm gần 2.000 tỷ đồng so với năm ngoái nhưng vẫn cao hơn gần gấp đôi so với Vietnam Airlines. Đến cuối quý II/2020, khoản này được Vietjet duy trì ở mức 2.413 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo kỳ vọng năm nay Vietjet Air sẽ hoà vốn. Ảnh: VJA
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo kỳ vọng năm nay Vietjet Air sẽ hoà vốn. Ảnh: VJA

Kỳ vọng ở các tháng tiếp theo, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo sẽ cho Vietjet tiếp tục tập trung các giải pháp tiết kiệm chi phí, tối ưu hoá hoạt động như chương trình bảo hiểm xăng dầu trong giai đoạn giá thấp, tăng cường đàm phán giảm giá dịch vụ từ các nhà cung cấp. Hãng hàng không giá rẻ này sẽ tối ưu hoá nguồn lực và các giải pháp gia tăng nguồn thu như chuyên chở các chuyến bay cargo,…

Dẫu thế, Vietjet vẫn đặt mục tiêu giữ vững vị thế dẫn đầu thị trường nội địa và xác định những đường bay quốc tế trọng điểm để tập trung khôi phục thị trường. Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng tính tới chuyện đa dạng hóa các phương án tài trợ vốn nhằm có thể đạt được mục tiêu hoà vốn của năm nay.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương