Trong 2 ngày 26-27/04/2025, tại thành phố biển Nha Trang, Bộ Ngoại giao và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã đồng chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức Hội nghị Tổng kết 05 năm triển khai Đề án 1797: “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài”.
Tham dự Hội nghị có bà Lê Thị Thu Hằng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Lãnh đạo nhiều Bộ ngành, địa phương liên quan; Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa và hơn 200 doanh nhân kiều bào, doanh nghiệp địa phương, đại diện các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao- Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: 5 năm triển khai đề án 1797 cũng là giai đoạn đất nước phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có, từ đại dịch Covid-19, xung đột vũ trang, đứt gãy chuỗi cung ứng đến bất ổn về an ninh năng lượng, lương thực, thiên tai khốc liệt như cơn bão Yagi. Dù vậy, Việt Nam vẫn vững vàng, duy trì đà tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, chất lượng tăng trưởng và đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện... Đề án 1797 đã được triển khai toàn diện và hiệu quả. Kết quả đạt được không chỉ thúc đẩy xuất khẩu - động lực tăng trưởng chủ yếu mà còn góp phần lan tỏa hình ảnh, bản sắc văn hóa dân tộc ra thế giới. Thành công đó đến từ sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, sự đồng hành, sáng tạo của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là các hiệp hội doanh nghiệp, trí thức kiều bào đóng vai trò rất quan trọng.
Năm 2019, Đề án 1797 bắt đầu thực hiện năm đầu tiên. Nguồn lực quý báu từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã được tận dụng hiệu quả, thúc đẩy xuất khẩu, quảng bá văn hóa và nâng cao vị thế kinh tế đất nước. Kết quả năm đầu tiên thực hiện đề án, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam đạt gần 517 tỷ USD. Sau 2 năm dịch bệnh và chịu ảnh hưởng năng nề, Đề án 1797 mang ý nghĩa to lớn, đã góp phần giữ vững đà tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu. Nhờ vậy, đến cuối năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam vẫn tăng lên, đạt gần 786,3 tỷ USD. Số lượng và chủng loại hàng hóa của Việt Nam ngày càng có mặt rộng khắp tại các thị trường quốc tế. Trong đó có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng kiều bào tại các nước đối tác và thị trường trọng điểm. Năm nay (2025), Việt Nam nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% .
Theo đánh giá của Bộ Ngoại giao, cộng đồng hơn 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài là một nguồn lực chiến lược đối với sự phát triển của đất nước; là cầu nối đưa hàng Việt ra thế giới. Người Việt ở nước ngoài không chỉ là kênh tiêu thụ, phân phối hiệu quả hàng hóa trong nước mà còn đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thị hiếu, tiêu chuẩn thị trường quốc tế và thúc đẩy đầu tư, chuyển giao công nghệ. Nhiều doanh nhân Việt kiều đã trở thành đối tác chiến lược, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành hàng có giá trị gia tăng cao như: Linh kiện điện tử, thiết bị y tế, năng lượng tái tạo…
Đối với Khánh Hòa, sau 5 năm triển khai, đề án đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Năm 2024, Khánh Hòa hoàn thành 22/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, GRDP đạt 10,16%, đứng thứ 7 cả nước, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm trước. Trong đó, cộng đồng kiều bào đã có nhiều đóng góp thiết thực cho quê hương, từ hỗ trợ tài chính, kết nối đầu tư, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực đến quảng bá hình ảnh tỉnh Khánh Hòa và đất nước ra thế giới. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ của kiều bào cho các dự án đầu tư trọng điểm như Khu Kinh tế Vân Phong để sử dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù của Trung ương, giúp tỉnh tăng trưởng bứt phá trong giai đoạn mới. Khánh Hòa hiện có 112 dự án FDI từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký 3,96 tỷ USD, chủ yếu trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, chế biến sản xuất và nuôi trồng thủy sản. Với hơn 11.300 doanh nghiệp đang hoạt động, tỉnh sẵn sàng đón nhận sự trở về đầu tư, đóng góp của kiều bào. Sự đồng hành của bà con kiều bào sẽ chắp thêm cánh cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung, Khánh Hòa nói riêng hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiện thực hóa khát vọng phát triển, vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân- Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định: Sau 5 năm thực hiện Đề án 1797, Khánh Hòa đã đạt nhiều thành tựu đáng kể, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của đất nước trong giai đoạn mới. Dòng kiều hối gửi về tỉnh tăng đều qua từng năm; nhiều sản phẩm chủ lực như Yến sào, trầm hương, thủy sản, cà phê, dệt may, nông sản... đã vươn tới các thị trường khó tính như EU (Liên minh Châu Âu), Nhật Bản và có mặt tại nhiều hệ thống phân phối uy tín toàn cầu. Chúng tôi trân trọng và tri ân những tình cảm, sự hỗ trợ thiết thực của cộng đồng kiều bào dành cho quê hương: từ hỗ trợ tài chính, kết nối đầu tư, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực đến quảng bá hình ảnh Khánh Hòa trên trường quốc tế. Các đóng góp rất đa dạng, từ hỗ trợ Quỹ phát triển nghề cá Khánh Hòa, tặng quà cho huyện đảo Trường Sa đến tổ chức hội nghị, hội thảo quảng bá tỉnh Khánh Hòa ra thế giới...
Trong phiên thảo luận “Phát huy nguồn lực kiều bào trong thúc đẩy xuất khẩu và phát triển kênh phân phối hàng Việt Nam ra nước ngoài”, các doanh nhân kiều bào đến từ nhiều nước Mỹ, Canada, Thái Lan,... cùng các nhà quản lý nhà nước đã thẳng thắn chia sẻ, bộc bạch, phân tích những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đưa hàng Việt ra thế giới, cụ thể như: cần tăng cường trang bị, hỗ trợ kiến thức, thủ tục pháp lý, đào tạo doanh nghiệp trong nước về tiêu chuẩn quốc tế, kết nối mạng lưới phân phối... Đồng thời, cũng thông qua phiên thảo luận, các doanh nhân kiều bào, doanh nhân trong nước cũng đã hội đàm sôi nổi các tình huống trải nghiệm thực tế, mạnh dạn đề xuất các giải pháp nhầm phát huy hiệu quả cao hơn vai trò cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, như cánh tay nối dài của doanh nghiệp trong nước...
Đặc biệt, tại Hội nghị này đã có 6 biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết, tạo nền tảng cho những hoạt động hợp tác phát triển trong giai đoạn sắp tới, trước sự chứng kiến của tất cả thành viên tham dự. Đó là, biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển kinh tế giữa Hội Doanh nhân trẻ Khánh Hòa với Hiệp hội Doanh nhân Thái - Việt toàn Thái Lan; Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và Nền tảng số Quốc gia VIVINA- Tập đoàn Đầu tư Kết nối và phát triển Công nghệ Toàn cầu; Liên Hiệp các tổ chức người Viể Nam tại Liên Bang Nga và Nền tảng số Quốc gia VIVINA- Tập đoàn Đầu tư Kết nối và phát triển Công nghệ Toàn cầu; Hiệp hội Xúc tiến Hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản với Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa; Công ty Cổ phần Nước giải khát Sanest Khánh Hòa với Công ty Grace Shopping Mall (Thái Lan); Công ty Sanko Group Japan và Công ty TNHH Tăng- Khăn nhung áo lụa Việt.
Phát biểu bế mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Đảng và Chính phủ luôn xác định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa nước ta với các nước trên thế giới. Với tinh thần đó, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân và phát triển cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi, tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng kiều bào sinh sống, học tập, làm việc và phát huy vai trò ở nước ngoài. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế sẽ tiếp tục được thúc đẩy với nỗ lực cao nhất...
Khánh Hòa chú trọng huấn luyện kỹ thuật thể thao nhằm tiếp tục duy trì và phát triển thành tích các giải quốc gia, quốc tế
Với phương châm “Khổ luyện hôm nay- Vinh Quang ngày mai”, thể thao Khánh Hòa hướng nâng cao vị trí xếp hạng toàn đoàn ĐH Thể thao toàn quốc lần X- 2026.