IP Day 2025: Cùng lan tỏa 'nhịp điệu' của sở hữu trí tuệ trong kỷ nguyên số

Sáng 25/4, tại Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2025.
Quang cảnh sự kiện
Quang cảnh sự kiện

Với chủ đề "Sở hữu trí tuệ và âm nhạc - Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ", sự kiện không chỉ là hoạt động chuyên môn mà còn là dịp quan trọng để lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, nâng cao nhận thức và năng lực khai thác, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong cộng đồng đại học và xã hội.

Các đại biểu tham dự sự kiện
Các đại biểu tham dự sự kiện

Phát biểu chào mừng tại Lễ hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới 2025, GS.TS Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi, đã nhấn mạnh sự coi trọng của nhà trường đối với việc phát triển và bảo hộ tài sản trí tuệ (SHTT) như một yếu tố then chốt trong cả hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Trường Đại học Thủy lợi đã chủ động phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn chuyên sâu về kỹ năng đăng ký và bảo hộ quyền SHTT. Bên cạnh đó, nhà trường còn dành nguồn kinh phí đáng kể để hỗ trợ cán bộ, giảng viên trong việc đăng ký các sáng chế, giải pháp hữu ích và nhãn hiệu hàng hóa.

GS.TS Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi
GS.TS Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi

Đến nay, Đại học Thủy lợi đã gặt hái được những thành quả ấn tượng trong lĩnh vực SHTT, minh chứng cho năng lực sáng tạo và tinh thần đổi mới của đội ngũ các nhà khoa học của trường. Cụ thể, nhà trường đã đạt được 10 bằng độc quyền sáng chế (trong đó nhiều sáng chế đã được ứng dụng vào thực tiễn), 1 bằng sáng chế quốc tế được cấp tại Ấn Độ, 6 bằng giải pháp hữu ích, 1 văn bằng sở hữu công nghiệp và khoảng 10 đơn đăng ký khác hiện đang trong quá trình thẩm định. "Những kết quả này là minh chứng rõ nét cho năng lực sáng tạo và tinh thần đổi mới của đội ngũ nhà khoa học trong nhà trường," GS. Trịnh Minh Thụ khẳng định.

Theo ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), sở hữu trí tuệ không đơn thuần là công cụ thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng kinh tế, mà còn đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ những giá trị văn hóa, nghệ thuật vô giá của nhân loại. Đặc biệt, trong lĩnh vực âm nhạc, một món ăn tinh thần thiết yếu, hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ mạnh mẽ là yếu tố then chốt để bảo vệ quyền lợi cả về tinh thần lẫn thương mại cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn, đồng thời tạo động lực cho sự phát triển bền vững của toàn ngành.

Ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu tại sự kiện. 
Ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu tại sự kiện. 

Dẫn chứng từ các báo cáo uy tín của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) và Brand Finance, Cục trưởng Lưu Hoàng Long đã chỉ ra sự thành công vượt trội của các "gã khổng lồ" công nghệ như Apple, Microsoft, Nvidia. Giá trị hàng nghìn tỷ đô la của các tập đoàn này được xây dựng dựa trên nền tảng vững chắc của tài sản trí tuệ, bao gồm sáng chế, nhãn hiệu, bí mật kinh doanh và phần mềm. Ông khẳng định: "Khi được bảo vệ bởi các công cụ sở hữu trí tuệ hiệu quả, tài sản vô hình sẽ trở thành nguồn lực vô tận tạo ra giá trị gia tăng. Điều này chứng minh một cách rõ ràng rằng, trong kỷ nguyên số, sở hữu trí tuệ chính là chìa khóa mở ra sự phát triển đột phá dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ."

Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, Đảng và Nhà nước đã xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là ba trụ cột chiến lược. Ông Lưu Hoàng Long nhấn mạnh rằng, sở hữu trí tuệ đóng vai trò trung tâm và không thể tách rời trong việc thực hiện các mục tiêu này.

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ đang tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trong cộng đồng. Cục đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để tổ chức các chương trình phổ biến kiến thức, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ. Trong thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ cam kết tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh công tác giáo dục và phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trong các trường học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, đồng thời tăng cường hỗ trợ bảo hộ và thương mại hóa tài sản trí tuệ.

Ông Nguyễn Quốc Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội.
Ông Nguyễn Quốc Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Phát biểu tại sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới, ông Nguyễn Quốc Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, đã nhấn mạnh vai trò then chốt của sở hữu trí tuệ (SHTT) không chỉ là một công cụ pháp lý mà còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự sáng tạo và cống hiến trong cộng đồng.

"Bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ giúp nghệ sĩ, nhà sáng chế, nhà khởi nghiệp yên tâm đóng góp, sáng tạo và lan tỏa các giá trị văn hóa, khoa học, công nghệ," ông Hà khẳng định. Trong bối cảnh chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, SHTT ngày càng khẳng định vị thế không thể thiếu trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ, giảm thiểu nguy cơ vi phạm bản quyền và sao chép trái phép.

Thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho thấy, Thủ đô đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong lĩnh vực SHTT. Hà Nội liên tục dẫn đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương và đặc biệt dẫn đầu về số lượng đơn đăng ký SHTT, với hơn 11.400 đơn trong năm 2024 và gần 10.000 văn bằng bảo hộ đã được cấp.

Thành phố cũng tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ đăng ký bảo hộ SHTT cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, sản phẩm khoa học công nghệ, với khoảng 200 sản phẩm đã được bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ. Bên cạnh đó, Hà Nội chú trọng tổ chức các lớp đào tạo, hội thảo, triển lãm nhằm kết nối các sản phẩm SHTT, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.

Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Hà Nội xác định một số mục tiêu quan trọng trong lĩnh vực SHTT, bao gồm: tập trung vào các lĩnh vực tiềm năng như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), chuyển đổi số và công nghệ xanh; tăng cường giáo dục về SHTT trong hệ thống trường học và trên các phương tiện truyền thông đại chúng, giúp người dân hiểu rõ hơn về giá trị của tài sản trí tuệ; thúc đẩy hợp tác với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và tích cực tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ để triển khai các cơ chế hỗ trợ mới theo Luật Thủ đô và các chính sách phát triển tài sản trí tuệ.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm 
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm 

Thông qua chuỗi hoạt động tuyên truyền, trưng bày sản phẩm và giao lưu tại sự kiện, chương trình góp phần: khẳng định tầm quan trọng của SHTT đối với phát triển kinh tế - xã hội; tôn vinh các thành tựu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và thương mại hóa tài sản trí tuệ; tăng cường kết nối giữa nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nhân.

Các đại biểu tham quan Khu trưng bày “Sản phẩm KHCN, ĐMST và CĐS”
Các đại biểu tham quan Khu trưng bày “Sản phẩm KHCN, ĐMST và CĐS”

Sự kiện là dịp để cộng đồng cùng nhìn lại những thành tựu trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đồng thời là cầu nối để các bên liên quan cùng chia sẻ, hợp tác và lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo trong xã hội, góp phần xây dựng một nền kinh tế tri thức phát triển bền vững.

Hoàng Toàn

“Sở hữu trí tuệ và Âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ”

“Sở hữu trí tuệ và Âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ”

“Sở hữu trí tuệ và Âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ” - tôn vinh âm nhạc - một ngành công nghiệp sáng tạo cốt lõi trong phát triển kinh tế sáng tạo."