Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia bằng phát triển nguồn nhân lực sở hữu trí tuệ

SHTT không chỉ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn là yếu tố then chốt, gắn liền với các quan hệ kinh tế – thương mại quốc tế

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. SHTT không chỉ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn là yếu tố then chốt, gắn liền với các quan hệ kinh tế – thương mại quốc tế.

Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã biến SHTT trở thành một công cụ hữu hiệu cho các hoạt động kinh tế, thương mại trong nước và quốc tế. Công nghệ trở thành nền tảng cho tăng trưởng kinh tế, và SHTT đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành, phát triển và ứng dụng công nghệ.

SHTT mang lại cơ hội to lớn cho các quốc gia có nền kinh tế dựa trên công nghệ và tri thức. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra những thách thức trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, đòi hỏi hệ thống SHTT quốc gia phải không ngừng được nâng cao năng lực. Trong đó, phát triển nguồn nhân lực (NNL) về SHTT đóng vai trò then chốt, đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững cho hệ thống.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, TS. Nguyễn Thị Hoàng Hạnh cùng nhóm nghiên cứu tại Cục Sở hữu trí tuệ đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất các nội dung cần thực hiện nhằm phát triển nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ của Việt Nam”. Đề tài tập trung vào việc làm rõ các luận cứ khoa học và thực tiễn, từ đó đề xuất các nội dung cần thiết để phát triển NNL hoạt động trong lĩnh vực SHTT. Đặc biệt, đề tài chú trọng vào các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và số lượng NNL về SHTT trong các cơ quan liên quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, cũng như nâng cao kiến thức về SHTT cho NNL của một số cơ quan, tổ chức khác hoạt động trong lĩnh vực này. 

Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia bằng phát triển nguồn nhân lực sở hữu trí tuệ

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả đã tiến hành đánh giá thực trạng NNL trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN) trong hệ thống SHTT của Việt Nam, đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế. Kinh nghiệm từ Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) và nhiều quốc gia khác cho thấy, công tác phát triển NNL về SHTT nói chung và SHCN nói riêng luôn được chú trọng và thực hiện bài bản. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn luôn là giải pháp hàng đầu. Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm, nội dung phù hợp, cũng như khai thác các tài liệu sẵn có để tránh lãng phí nguồn lực.

Tại Việt Nam, NNL về SHCN bao gồm đội ngũ cán bộ làm việc tại Cục SHTT, cán bộ quản lý KHCN và SHTT ở địa phương, cán bộ chuyên trách xử lý các vụ việc về SHCN trong các cơ quan thực thi quyền, đội ngũ làm công tác bổ trợ (tư vấn, đại diện hoặc giám định SHCN) và đội ngũ cán bộ chuyên trách trong các tổ chức nghiên cứu, đào tạo và doanh nghiệp.

Kinh nghiệm phát triển NNL trong các lĩnh vực nói chung và kinh nghiệm phát triển NNL về SHTT của các nước cho thấy, bên cạnh các giải pháp về tuyển dụng, đãi ngộ và môi trường làm việc, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng là giải pháp không thể thiếu, thậm chí đóng vai trò quyết định chất lượng NNL.

SHTT là một lĩnh vực khó và luôn có những kiến thức mới được cập nhật. Trong khi đó, ở hầu hết các quốc gia, đây không phải là nội dung được đào tạo chính thống trong hệ thống giáo dục, đào tạo quốc gia. Do đó, WIPO và cơ quan SHTT của các nước đều rất chú trọng đến việc xây dựng các kế hoạch, chiến lược về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về SHTT. Các nước phát triển còn thành lập các học viện SHTT cấp quốc gia để triển khai hoạt động đào tạo, bồi dưỡng SHTT một cách bài bản, thống nhất.

Tập huấn “Sở hữu trí tuệ, phương thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ” diễn ra tại ĐH Nguyễn Tất Thành vào tháng 3/2024
Tập huấn “Sở hữu trí tuệ, phương thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và đàm phán hợp đồng chuyển giao ng nghệ” diễn ra tại ĐH Nguyễn Tất Thành vào tháng 3/2024

Thực tế hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về SHTT ở Việt Nam còn chưa được triển khai một cách tổng thể. Kết quả khảo sát cho thấy, các cơ quan trong hệ thống SHTT đã quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng về SHTT cho NNL chuyên trách của cơ quan mình. Tuy nhiên, vẫn chưa có những chương trình, kế hoạch được xây dựng một cách bài bản. SHTT là một lĩnh vực cần có sự thống nhất trong cách hiểu và áp dụng, nhưng các khóa đào tạo, bồi dưỡng của các cơ quan dường như chưa có sự phối hợp đầy đủ giữa các bên liên quan.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, việc phát triển NNL về SHTT là vô cùng quan trọng. Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả để nâng cao chất lượng và số lượng NNL trong lĩnh vực này, từ đó tạo đà cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Mai Anh

Cần tối ưu hóa và đơn giản hóa cách thức bảo hộ sở hữu trí tuệ như thế nào để bảo vệ người sáng chế?

Cần tối ưu hóa và đơn giản hóa cách thức bảo hộ sở hữu trí tuệ như thế nào để bảo vệ người sáng chế?

Việc tối ưu hóa quy trình đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ là điều cần thiết để bảo vệ tốt hơn các quyền lợi của người sáng chế.