Bóng tối bao trùm phần lớn thời gian trong ngày, tiếng máy phát điện chạy dầu diesel ồn ào trở thành một phần quen thuộc của cuộc sống tại quê nhà của nữ kỹ sư năng lượng mặt trời Mira Daher.
Lebanon từ lâu vẫn đang vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài, khi lưới điện quốc gia chỉ đủ sức cung cấp điện vài giờ ít ỏi mỗi ngày. Nhà cung cấp năng lượng quốc gia, Điện lực Lebanon (EDL) từ lâu đã bất lực trong việc đáp ứng nhu cầu, và tình hình càng thêm tồi tệ bởi cuộc khủng hoảng kinh tế bùng phát từ năm 2019. Phần lớn người dân và doanh nghiệp không còn cách nào khác ngoài việc dựa vào các máy phát điện diesel tư nhân tốn kém và ô nhiễm.
Tuy nhiên, giữa bức tranh tưởng chừng u ám đó, một cuộc cách mạng năng lượng thầm lặng đang diễn ra. Vài năm trở lại đây, chi phí tấm pin mặt trời liên tục giảm mạnh đã mở ra một lối thoát đầy hứa hẹn. Các gia đình và doanh nghiệp Lebanon đang ngày càng tích cực tìm đến giải pháp năng lượng sạch này. Minh chứng rõ ràng là tổng công suất điện mặt trời lắp đặt đã tăng vọt gần 8 lần, từ năm 2020 đến 2022 đạt hơn 870 megawatt, chủ yếu đến từ các hệ thống điện mặt trời áp mái độc lập.
![]() |
Nữ kỹ sư năng lượng mặt trời Mira Daher |
Góp phần không nhỏ vào cuộc cách mạng này là Mira Daher, Trưởng bộ phận đấu thầu của Earth Technologies, một công ty năng lượng tái tạo có trụ sở tại Antelias, Lebanon. Công việc của cô bao gồm việc phân tích, đấu thầu các dự án năng lượng mặt trời mới, lên bản vẽ thiết kế chi tiết và đảm bảo quá trình thi công tại hiện trường diễn ra chính xác.
“Tôi thích sự đa dạng và thử thách khi quản lý các dự án khác nhau, mỗi nơi một yêu cầu, một bài toán kỹ thuật riêng”, Mira nói. “Việc biết rằng những nỗ lực của mình đang góp phần vào một tương lai bền vững cho Lebanon thực sự khiến tôi tự hào và có thêm rất nhiều động lực”.
Nguồn cảm hứng từ gia đình
Niềm đam mê kỹ thuật của Mira được nhen nhóm từ rất sớm tại thành phố quê nhà Saida (Sidon), miền Nam Lebanon. Hình ảnh người cha, một kỹ sư điện cần mẫn trong ngành xây dựng, giải quyết những vấn đề phức tạp đã gieo vào lòng cô gái trẻ sự tò mò và yêu thích công nghệ. Khi nộp đơn vào đại học, chính ông là người đã khuyến khích cô theo đuổi ngành kỹ thuật điện.
“Cha chính là người cố vấn đầu tiên của tôi”, Mira cho biết. “Ông đã khơi dậy sự tò mò và niềm đam mê của tôi đối với công nghệ và kỹ thuật. Và khi nhìn ông làm việc và giải quyết vấn đề, điều đó đã thúc đẩy tôi tiếp bước theo ông”.
Năm 2016, Mira ghi danh vào ngành Kỹ thuật điện và điện tử tại Đại học Beirut Arab. Thời điểm cô tốt nghiệp năm 2019 cũng là lúc “cơn sốt” năng lượng mặt trời bắt đầu nhen nhóm tại Lebanon. Nắm bắt xu thế, cô quyết định học lên Thạc sĩ chuyên sâu về năng lượng và điện, đặc biệt là năng lượng mặt trời, tại Đại học Hoa Kỳ ở Beirut.
“Luận văn của tôi tập trung phân tích thực trạng năng lượng tại Lebanon và đề xuất các giải pháp khả thi để tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo”, cô cho biết. "Cách đây 5-6 năm, chi phí đầu tư hệ thống mặt trời còn rất cao. Nhưng giờ đây, chi phí đã giảm đi rất nhiều nhờ các công nghệ mới và cũng vì có rất nhiều tấm pin mặt trời sản xuất ở Trung Quốc”.
Dấn thân vào ngành năng lượng xanh
Bước chân vào thị trường lao động năm 2021, Mira đảm nhận vị trí kỹ sư năng lượng mặt trời tại công ty Mashriq Energy ở Beirut, nơi cô chịu trách nhiệm phát triển thiết kế và chuẩn bị hồ sơ thầu cho các dự án lắp đặt mới, tương tự như vai trò hiện tại của cô.
Đó là một giai đoạn học hỏi cấp tốc, đòi hỏi Mira phải nhanh chóng trau dồi các kỹ năng kinh doanh như lập mô hình tài chính, đàm phán hợp đồng, song song với việc xử lý các vấn đề thực tế tại công trường như giới hạn mặt bằng hay các quy định pháp lý. Năm 2022, cô gia nhập Earth Technologies với tư cách là kỹ sư thiết kế dự án năng lượng mặt trời.
Hiện tại, trách nhiệm chính của Mira là chuẩn bị hồ sơ và tham gia đấu thầu các dự án lắp đặt điện mặt trời theo yêu cầu từ nhiều tổ chức, từ chính phủ Lebanon đến các cơ quan phi chính phủ như Liên hợp quốc (LHQ). Nhưng công việc của cô không chỉ dừng lại ở đó. “Tôi giám sát toàn bộ vòng đời dự án, từ việc xác định và quản lý đấu thầu đến thiết kế, định giá và triển khai các dự án năng lượng mặt trời trong các lĩnh vực dân cư, công nghiệp, thương mại và tiện ích”, Mira nói.
![]() |
Vai trò của Mira đòi hỏi cô phải có kiến thức sâu rộng về các dự án năng lượng mặt trời mà cô giám sát. |
Quy trình làm việc của cô và đội ngũ bắt đầu bằng việc khảo sát kỹ lưỡng địa điểm, xác định vị trí tối ưu để lắp đặt các tấm pin dựa trên địa hình và khí hậu. Tiếp đó Mira và nhóm của cô sẽ đưa ra thiết kế chi tiết, bao gồm việc lựa chọn loại pin, biến tần, ắc quy phù hợp ngân sách và lên sơ đồ đấu nối hệ thống.
Các mô phỏng được chạy thử để đảm bảo thiết kế đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng. Sau đó, Mira chịu trách nhiệm đàm phán với khách hàng để đảm bảo rằng đề xuất đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và ngân sách. Sau khi thiết kế được duyệt, các bộ phận khác sẽ thi công nhưng Mira vẫn thường xuyên có mặt tại công trường để giám sát, đảm bảo mọi thứ đi đúng hướng.
Vai trò của Mira đòi hỏi cô phải am tường mọi thành phần tạo nên một nhà máy điện mặt trời, từ các thương hiệu khác nhau của thiết bị điện tử công suất đến kỹ thuật dân dụng cần thiết để xây dựng các kết cấu hỗ trợ cho các tấm pin mặt trời. “Bạn phải tường tận mọi khía cạnh của dự án,” cô cho biết.
Đối mặt thử thách bằng sự lạc quan
Dù Earth Technologies hoạt động trên khắp Trung Đông và châu Phi, phần lớn các dự án Mira tham gia đều ở quê nhà Lebanon. Cô đặc biệt tâm huyết với các dự án mang ý nghĩa phát triển cộng đồng do LHQ tài trợ.
Dấu ấn của cô thể hiện qua việc dẫn dắt lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho 9 bệnh viện, hay dự án dùng năng lượng sạch để bơm nước sinh hoạt cho người dân vùng sâu vùng xa. Gần đây nhất, cô đang tham gia dự án cung cấp điện mặt trời và pin lưu trữ cho hệ thống đèn đường tại thị trấn Bourj Hammoud, giúp các cửa hàng có thể kéo dài thời gian hoạt động, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Quy mô các dự án này thường dao động từ 700.000 đến 800.000 USD.
Tuy nhiên, con đường phát triển năng lượng tái tạo tại Lebanon không hề bằng phẳng. Theo Mira, việc đảm bảo nguồn vốn đầu tư luôn là bài toán nan giải trong bối cảnh kinh tế bất ổn. Khó khăn càng thêm chồng chất khi cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hezbollah leo thang vào cuối năm ngoái, khiến thủ đô Beirut và các vùng phía Nam hứng chịu bom đạn.
“Hai tháng xung đột đó thực sự kinh khủng”, Mira nhớ lại. “Môi trường làm việc trở nên mất an toàn, tương lai bất định khiến chúng tôi luôn sống trong lo âu”. Cô buộc phải tạm di dời khỏi Beirut đến làng Ain El Jdideh, chấp nhận di chuyển hơn một tiếng rưỡi trên những cung đường nguy hiểm để đến công ty. Nhiều dự án quan trọng bị đình trệ do nằm trong vùng chiến sự. Thậm chí, một dự án do LHQ tài trợ ở Ansar đã bị ngưng hoạt động sau khi tòa nhà bên cạnh bị phá hủy. “Dù gian nan, chúng tôi vẫn kiên trì vượt qua. Tôi thật sự biết ơn khi xung đột tạm lắng giúp chúng tôi lấy lại phần nào sự ổn định và an ninh”, cô chia sẻ.
Bất chấp mọi khó khăn, nữ kỹ sư trẻ vẫn tràn đầy lạc quan vào tương lai năng lượng xanh của Lebanon. Cô khẳng định đây là một sự nghiệp đầy ý nghĩa, dù không ít thử thách. Với những ai muốn dấn thân vào lĩnh vực này, cô khuyên nên trang bị nền tảng giáo dục vững chắc về hệ thống điện và công nghệ tái tạo.
![]() |
Năng lượng mặt trời đang làm thay đổi cuộc sống người dân Lebanon. |
Mira cũng thẳng thắn thừa nhận những rào cản khi là phụ nữ trong một ngành vốn do nam giới thống trị. “Tôi thường xuyên đối mặt với định kiến, những khuôn mẫu khiến tiếng nói của mình khó được lắng nghe, khó được nhìn nhận nghiêm túc hơn”, cô nói. “Vượt qua những trở ngại này đòi hỏi sự kiên cường, tự tin và không ngừng chứng tỏ chuyên môn và năng lực của mình”.
Quan trọng không kém, theo cô, là tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ. "Đây là lĩnh vực luôn vận động. Mỗi ngày đều có những công nghệ mới ra đời. Việc cập nhật liên tục là tối quan trọng".
Câu chuyện của Mira Daher là minh chứng cho nghị lực và khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ Lebanon, những người đang nỗ lực từng ngày để thắp lên ánh sáng hy vọng cho tương lai đất nước, bắt đầu từ chính nguồn năng lượng vô tận của mặt trời.
Chân dung nữ sinh 13 tuổi giúp chế tạo vệ tinh tại Úc
Pema Tsho Sakhu đang thực hiện hóa giấc mơ vươn tới vì sao của mình khi góp phần cùng các chuyên gia chế tạo vệ tinh phóng lên quỹ đạo.