Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) Johnathan Hạnh Nguyễn, các nhà đầu tư Mỹ "rất quan tâm đến đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế của TPHCM".
Phía Mỹ mong muốn xây dựng khu Universal Studio tại Hà Nội, khu giải trí Sea World ở Bắc Vân Phong (Khánh Hòa). Ông ước tính chỉ riêng 3 khu vui chơi giải trí thương hiệu quốc tế này nếu được xây dựng có thể đón tổng cộng hơn 70 triệu lượt khách mỗi năm.
"Khách quốc tế luôn chọn những khu vui chơi có tên tuổi trên thế giới. Nhà đầu tư Mỹ đã gửi email và chúng tôi cũng đã chuyển cho TPHCM để nghiên cứu, đề nghị phía Mỹ giúp TPHCM có Disneyland", ông Hạnh Nguyễn chia sẻ.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho biết, bản thân ông đã đồng hành với chính quyền TPHCM trong việc nghiên cứu đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế trong gần 20 năm qua. Nếu muốn thành công, trung tâm tài chính quốc tế của TPHCM phải thật sự đột phá. Tuy nhiên, đột phá ở mức nào, trung tâm tài chính mở đến mức độ nào sẽ còn cần phải tính toán cẩn thận.
PGS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế TPHCM, cũng có cùng quan điểm phải có cơ chế chính sách đột phá, trung tâm tài chính quốc tế của TPHCM mới có thể thu hút được doanh nghiệp "đại bàng" lựa chọn đầu tư thay vì những trung tâm khác trong khu vực. Ông cũng cho rằng ngoài hoạt động tài chính, cần có các hoạt động dịch vụ đi kèm để thu hút nhà đầu tư.
Tập đoàn này đã làm việc với một số đơn vị tư vấn lớn của Mỹ để xây dựng đề án quy hoạch trung tâm tài chính tại TPHCM và Đà Nẵng, sẽ bàn giao cho chính quyền địa phương khi hoàn thành.
"Chúng tôi đã làm việc với phía Mỹ 6 năm nay và họ cam kết nếu đề án được thông qua sẽ đầu tư ngay 10 tỷ USD. Trong đó, các nhà đầu tư Mỹ sẽ rót 6 tỷ USD vào TPHCM và 4 tỷ USD vào Đà Nẵng để xây dựng trung tâm tài chính", ông Hạnh Nguyễn chia sẻ tại buổi tọa đàm "Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TPHCM" do báo Người Lao Động tổ chức ngày 17/2.
Đặc biệt, ông cho biết ngoài 10 tỷ USD, các doanh nghiệp Mỹ mà doanh nghiệp ông cùng làm việc sẵn sàng đầu tư nhiều khu du lịch, vui chơi có thương hiệu toàn cầu như Disneyland, Universal Studios, Sea World tại Việt Nam. Riêng tại TPHCM, nhà đầu tư Mỹ muốn xây dựng Disneyland.
Theo ông Hạnh Nguyễn, theo đề án quy hoạch mà nhà đầu tư Mỹ đang hoàn thiện, TPHCM sẽ có khu Disneyland với tiềm năng thu hút khoảng 25 triệu lượt khách mỗi năm. Lợi ích của ý tưởng trên là vô cùng lớn với ví dụ cụ thể khu vui chơi giải trí Disneyland tại HongKong thu về 18,9 tỷ USD sau 10 năm, tạo việc làm cho khoảng 35.000 nhân viên chuyên nghiệp.
Trước đó trong một hội thảo khác, ông Trần Du Lịch cho biết, Việt Nam đang còn "bối rối" với những sản phẩm công nghệ tài chính mới như Fintech, công nghệ số… Theo kinh nghiệm quốc tế, các quốc gia sẽ chọn một thành phố để làm "trung tâm thí nghiệm". Những sản phẩm mới, hiện đại trên thế giới sẽ được đưa về thành phố đó để thử nghiệm. Chính vì vậy, những thành phố này luôn hấp dẫn nhà đầu tư, điển hình như thành phố Thượng Hải (Trung Quốc).
"Xu hướng thị trường tài chính trong nước và quốc tế muốn phát triển được hay không là tùy thuộc năng lực hấp thụ, áp dụng và triển khai sáng tạo về số hóa nền kinh tế", ông Lịch nói. Theo ông Lịch, nếu bàn về chính sách tài chính quốc gia, tồn tại lớn nhất của thị trường tài chính Việt Nam chính là thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Hiện nay, nền kinh tế chủ yếu tạo vốn dựa vào các ngân hàng. Ngân hàng thương mại cung cấp vốn cho nền kinh tế chứ không phải là cung cấp trên thị trường vốn.
"Nghe những con số về thị trường vốn có vẻ rất sướng nhưng thực chất thị trường vốn cung cấp được bao nhiêu? Thị trường vốn chủ yếu là ra ngân hàng thương mại. Trước đây, tôi cũng từng nói, cày là bắt con trâu đi cày chứ không phải để con chó cày. Ngân hàng thương mại cũng là thị trường vốn ngắn hạn, còn thị trường lâu dài phải là thị trường vốn", ông Lịch chia sẻ.
Cũng theo ông Lịch, Việt Nam có vốn hóa lớn nhưng các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô thì có đến 70 - 90% cổ phần do Nhà nước nắm giữ, vốn "chết một chỗ", không có thanh khoản. Tính quy mô thì tính cho ngân hàng nhưng ngân hàng không có nhiều giao dịch. Đây chính là những tồn tại của ngành tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây, ngành tài chính Việt Nam cũng có những điểm đáng mừng khi đề xuất xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM.
Tổng Hợp